Khẩn trương phòng, trừ bệnh trên cây bạch đàn

Thứ 3, 12.11.2024 | 08:49:36
272 lượt xem

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số diện tích bạch đàn xuất hiện hiện tượng cháy lá, khô cành. Trước tình trạng đó, các cơ quan liên quan đã hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng trừ.

Người dân xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng chăm sóc cây bạch đàn

Người dân xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng chăm sóc cây bạch đàn

Cây bạch đàn có ưu điểm là lớn nhanh, chỉ trong chu kỳ từ 5 – 6 năm đã được cho khai thác, giá thành cao, đầu ra ổn định. Do đó, những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế từ cây bạch đàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều diện tích trồng bạch đàn xuất hiện hiện tượng cháy lá, khô cành, dẫn đến cây kém phát triển hoặc chết cây.

Ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn cho biết: Tháng 9/2024, qua công tác điều tra, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển của cây bạch đàn, đơn vị đã phát hiện trên cây bạch đàn có hiện tượng lá xuất hiện các vết đốm nâu, đen lá, cành khô dần từ các cành lá phía dưới lên đến ngọn, rễ cây bạch đàn bị thối, đen. Tổng diện tích  bạch đàn có hiện tượng trên khoảng 85,6 ha tại các xã: Nhất Tiến, Chiến Thắng, Tân Tri, Tân Thành. Trước thực tế đó, chúng tôi đã báo cáo để Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vào kiểm tra và xác định nguyên nhân. Đồng thời, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp vào các xã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ biện pháp phòng trừ bệnh. Hiện nay, các diện tích nhiễm đang được người dân tích cực phòng trừ bằng biện pháp phun thuốc bảo vệ thực vật; chặt bỏ các cành lá nhiễm bệnh ra khỏi rừng; phát quang rừng...

Hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, khô cành của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh:

Để phòng trừ bệnh hiệu quả, người dân cần thực hiện chăm sóc cây bạch đàn đúng quy trình, hợp lý và thường xuyên kiểm tra rừng để phát hiện sớm bệnh hại; khi phát hiện cành lá nhiễm bệnh nặng, người dân cần tiến hành chặt bỏ cành lá và mang ra khỏi rừng. Sử dụng một số hoạt chất có tác động trên nấm hại cây trồng như: Metalaxyl, Mancozeb, Fosetyl-aluminium, Azoxystrobin... để phòng trừ bệnh. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ quy tắc 4 đúng, tránh ảnh hưởng đến môi trường dân sinh trong khu vực phun, tránh phun vào những ngày trời mưa sẽ ảnh hướng đến chất lượng phòng trừ.

Không chỉ tại huyện Bắc Sơn, người trồng bạch đàn trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Lô Văn Luyện, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi trồng bạch đàn năm 2017 với diện tích khoảng 1 ha. Sau khi khai thác xong, gia đình tiếp tục chăm sóc cây bạch đàn tái sinh từ chồi gốc, tuy nhiên, được 2 năm, cây có hiện tượng xoăn lá, chết lá và héo khô cành, cây phát triển kém, thậm chí bị chết. Hiện gia đình tôi đã chặt bỏ, phát dọn và chuyển sang trồng cây keo.

Tương tự người dân tại hai huyện trên, một số diện tích bạch đàn tại các huyện khác như: Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng cũng xuất hiện hiện tượng cháy lá, khô cành. Theo kết quả điều tra dịch hại cây trồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, tình trạng cháy lá, khô cành ở cây bạch đàn bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2024 đến nay với tổng diện tích nhiễm trên 809 ha. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 1 ha, diện tích nhiễm trung bình trên 660 ha, diện tích nhiễm nặng 147 ha.

Ngay khi phát hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện kiểm tra, xác định nguyên nhân. Kết quả, cây bạch đàn có hiện tượng cháy lá, khô cành là do nấm Cryptosporiopis eucalypti Sankaran & B.Sutton gây ra. Nấm bệnh này phát sinh, phát triển gây hại mạnh trong những tháng có lượng mưa cao, độ ẩm trong rừng bạch đàn lớn.

Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sau khi phát hiện bệnh, chi cục đã có hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, khô cành gửi trung tâm dịch vụ bông nghiệp các huyện. Cùng đó đề nghị các trung tâm mở rộng tuyến điều tra, chủ động theo dõi, nắm chắc diễn biến phát sinh, phát triển của bệnh trên rừng bạch đàn; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người dân thường xuyên thăm rừng, chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Nhờ đó, đến nay, bệnh gây hại trên cây bạch đàn đã giảm, người dân đã thực hiện các biện pháp phòng trừ được trên 465 ha. Các diện tích còn lại, người dân đang tiếp tục khẩn trương phòng trừ, một số diện tích nhiễm nặng, người dân đã chủ động chặt bỏ, xử lý thực bì và chuyển sang trồng các loại cây khác.

Với những giải pháp, sự chủ động của các đơn vị chuyên môn và bà con nông dân, hiện, các diện tích bạch đàn nhiễm bệnh đang được phòng trừ triệt để, không để lan ra diện rộng.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/khan-truong-phong-tri-benh-tren-rung-bach-dan-5027888.html


  • Từ khóa