Chi Lăng là huyện có hoạt động thương mại – dịch vụ sôi động với nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (KDTP). Chính vì vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các cấp, các ngành, đơn vị liên quan của huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần ngăn ngừa nguy cơ mất ATVSTP, bảo vệ sức khỏe người dân.
Cán bộ Đội QLTT số 4 kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng
Hiện nay, toàn huyện Chi Lăng có 526 cơ sở sản xuất, KDTP. Để thực hiện đảm bảo ATVSTP, thời gian qua, các ngành, đơn vị liên quan, trong đó nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cơ sở sản xuất, chế biến, KDTP.
Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Đội QLTT số 4 (tổ công tác phụ trách địa bàn huyện Chi Lăng) đã tổ chức kiểm tra 38 cơ sở, phát hiện, xử lý 7 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt gần 160 triệu đồng. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm ATVSTP theo quy định; trang thiết bị, dụng cụ, vệ sinh cá nhân của nhân viên tham gia chế biến thực phẩm; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, trong các đợt ra quân kiểm tra ATVSTP năm 2024, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến cao khô tại làng nghề sản xuất cao khô Vạn Linh - làng có nghề truyền thống sản xuất theo quy mô lớn của huyện. Tại xã Vạn Linh có gần 200 hộ sản xuất cao khô thương phẩm, với giá trị kinh tế bình quân đạt trên 34 tỷ đồng/năm. Đồng thời, cao khô Vạn Linh đã khẳng định được thương hiệu và được phân phối rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Do đó, việc đảm bảo ATVSTP tại làng nghề được đặc biệt chú trọng. Cụ thể, trong 38 cơ sở được kiểm tra trong năm 2024, có 17 cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến cao khô. Qua quá trình kiểm tra, cơ bản 17 cơ sở đều đảm bảo các quy định về ATVSTP, không có vi phạm đến mức phải xử lý.
Ông Chu Ngọc Hà, Đội trưởng Đội QLTT số 4 cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức kiểm tra vào các đợt cao điểm như Tết Trung thu, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, đội còn tổ chức hậu kiểm, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, KDTP, đặc biệt là các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trạm dừng nghỉ, làng có nghề sản xuất thực phẩm truyền thống... Song song với công tác kiểm tra, đội cũng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về ATVSTP; yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết... Đối với các trường hợp vi phạm, đội đã tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để tạo sức răn đe.
Việc tăng cường kiểm tra của lực lượng QLTT đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức của chủ các cơ sở sản xuất, KDTP trên địa bàn huyện. Ông Lý Văn Hạnh, chủ cơ sở sản xuất cao khô tại thôn Phố Cũ, xã Vạn Linh cho biết: Sản xuất cao khô là nghề truyền thống của gia đình tôi. Trong thời gian vừa qua, cơ sở sản xuất đã được lực lượng QLTT đến tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết tuân thủ nghiêm các quy định về ATVSTP; đồng thời kiểm tra, chỉ ra một số vi phạm của cơ sở về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngay sau khi được nhắc nhở, tôi đã nghiêm túc khắc phục, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về sản xuất, KDTP.
Không chỉ riêng lực lượng QLTT, thời gian qua, công tác kiểm tra ATVSTP được các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã thành lập được 63 đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP (trong đó 3 đoàn của huyện, 60 đoàn của xã, thị trấn), đã tiến hành kiểm tra được 447 lượt cơ sở (tăng 33 lượt cơ sở so với cùng kỳ năm 2023), trong đó số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 15 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 29,3 triệu đồng giao nộp vào ngân sách nhà nước. Các lỗi chủ yếu là người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; kinh doanh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa...
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSTP luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là các dịp cao điểm lễ, tết, sự kiện lớn của huyện. Cùng với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, đơn vị liên quan, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về đảm bảo ATVSTP. Hiện tại, đang bước vào dịp cao điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, huyện đã yêu cầu các phòng chức năng, các xã, thị trấn thường xuyên thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất kiểm tra việc chấp hành quy định về ATVSTP tại cơ sở sản xuất, KDTP, bếp ăn tập thể... Qua đó, từng bước ngăn ngừa hành vi vi phạm, đảm bảo lợi ích cũng như sức khoẻ của người dân trên địa bàn.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đơn vị liên quan, công tác kiểm tra, đảm bảo ATVSTP trên địa bàn huyện Chi Lăng được thực hiện tốt. Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Chi Lăng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đảm bảo ATVSTP, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước thì mỗi người dân cũng cần chủ động cập nhật kiến thức trong việc sản xuất, chế biến, KDTP an toàn...
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/chi-lang-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-5028317.html