Trước nhiều rào cản cạnh tranh, làn sóng "xe điện" Trung Quốc có dấu hiệu đi chững lại, trong khi xe xăng và xe hybrid có thể mở ra xu thế mới của các thương hiệu đến từ quốc gia tỷ dân.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình với những chính sách và quy định hướng dần tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ô tô thuần điện đang dần trở thành một phương tiện di chuyển phổ biến. Từ năm 2022 đến nay, làn sóng xe "xanh" này liên tục dâng cao.
Người dùng có đa dạng sự lựa chọn khi các dòng xe điện phân phối tại Việt Nam đang ngày một hoàn thiện, đủ chủng loại, phân khúc và giá bán. Trong đó, mẫu rẻ nhất có giá khoảng 200 triệu đồng (Wuling Mini EV), đắt nhất lên tới 18 tỷ đồng (Rolls-Royce Spectre).
Bên cạnh đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam là VinFast, các hãng xe đến từ Trung Quốc cũng gia nhập thị trường với nhiều sản phẩm. Nhưng dường như "làn sóng" thuần điện đến từ đất nước tỷ dân đã có xu thế thoái trào, dần chuyển sang xe xăng.
Xe điện Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam nhưng không tạo ra đột phá
Với lợi thế là quốc gia đang đẩy mạnh xe điện, các mẫu xe điện Trung Quốc không chỉ tấn công mạnh mẽ Việt Nam mà còn nhiều thị trường khác trên thế giới. Những thương hiệu thuần điện đến từ đất nước tỷ dân đang mở bán ở nước ta có thể kể đến: Wuling, BYD và GAC Aion.
Trong đó, BYD đang là hãng xe Trung Quốc mở bán nhiều ô tô điện nhất tại Việt Nam (6 sản phẩm). Theo thống kê của trang Yiche, đây là thương hiệu bán chạy thứ 3 toàn cầu trong tháng 7 năm nay, với doanh số đạt 315.600 xe, chỉ thua Volkswagen (346.200 xe) và Toyota (651.200 xe).
BYD đang phân phối các mẫu xe điện gồm: Dolphin (hatchback cỡ B), Atto 3 (C-SUV), Seal (sedan cỡ D), Han (sedan cỡ E), M6 (MPV cỡ trung) và gần đây là Tang EV (SUV cỡ D) (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Xe điện Wuling được phân phối bởi TMT Motors, với sản phẩm đầu tiên giới thiệu tới khách Việt vào năm 2023 là mẫu Mini EV. Đây là mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp từ 2020 đến 2023.
Dù sở hữu doanh số "khủng" trên thị trường quốc tế, những mẫu xe điện Trung Quốc này vẫn chưa thể tạo được sự đột phá tại Việt Nam. Ví dụ như Wuling Mini EV; mẫu xe này bán được tổng cộng 731 xe trong 9 tháng đầu năm 2024, theo nguồn tin của phóng viên báo Dân trí.
Wuling Mini EV tuy bán chạy hơn một mẫu xe xăng hạng A như Kia Morning (lũy kế doanh số đạt 551 chiếc trong 9 tháng đầu năm 2024), nhưng chưa thể so được với các sản phẩm "hot" trên thị trường (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Về phía BYD, hãng không công bố doanh số nhưng theo chia sẻ từ phía đại lý, tình hình kinh doanh của thương hiệu này chưa có dấu hiệu khởi sắc. Rào cản chính với BYD nói riêng và xe điện Trung Quốc nói chung là sự khuyết thiếu hệ thống trạm sạc công cộng, theo nhận định của giới chuyên gia.
Tại Việt Nam, VinFast là hãng xe điện duy nhất sở hữu hệ thống trạm sạc công cộng gần như phủ khắp toàn quốc và đang tiếp tục phát triển, nhưng chưa có ý định chia sẻ với thương hiệu khác. Một số đơn vị thứ 3 như EV One, Evercharge, Eboost… đã làm trạm sạc nhưng chưa phổ biến, chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng.
Tại Hà Nội, EV One chỉ có 1 trạm duy nhất hoạt động với 2 súng sạc nhanh 180kW và có chi phí sạc không rẻ: 9.999 đồng/kWh. Các trụ sạc của những đơn vị khác có phí sạc dao động trong khoảng 4.000-6.000 đồng/kWh; VinFast áp dụng mức phí sạc là 3.858 đồng/kWh nhưng đang miễn phí cho người dùng.
Bất lợi về hạ tầng trạm sạc khiến những người dùng xe điện Trung Quốc và các hãng không phải VinFast phải phụ thuộc chính vào việc sạc tại nhà. Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng có không gian đỗ xe tại tư gia để phục vụ việc sạc điện, nhất là ở những thành phố lớn có mật độ nhà cửa đông đúc.
Nhằm thu hút khách hàng, một số đại lý BYD đã lắp đặt trụ sạc nhanh và miễn phí sạc 24/7 cho người mua xe, nhưng trước mắt chỉ áp dụng đến hết năm nay (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Xe Trung Quốc có xu hướng chuyển sang thuần xăng hoặc hybrid
Trước những khó khăn như trên, các hãng xe Trung Quốc dường như đã có phần "dè dặt" hơn với xe điện. Thậm chí, BYD Việt Nam gần đây đã có thêm sản phẩm mới là mẫu Tang EV nhưng mở bán âm thầm theo dạng đặt hàng, thay vì làm lễ ra mắt hoành tráng.
Trong những mẫu xe Trung Quốc rục rịch ra mắt Việt Nam trong thời gian tới, hiếm thấy ô tô thuần điện, thay vào đó là xe xăng hoặc hybrid. Ví dụ như Haval Jolion, mẫu crossover cỡ B+ này nhiều khả năng sẽ được giới thiệu vào cuối tháng 11, có 2 phiên bản nhưng đều sử dụng động cơ hybrid.
Hay gần đây nhất là Omoda C5 đã cập cảng Việt. Trước đó, hãng xe này cho biết những sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam sẽ có cả xe điện là mẫu E5, phiên bản thuần điện của C5).
Thế nhưng, mẫu xe đầu tiên được chốt lịch lại là C5. Trong khi đó, E5 chưa rõ ngày mở bán, dù đã được đem về để phục vụ mục đích trưng bày và xuất hiện tại một số sự kiện lái thử dành cho giới truyền thông.
Omoda C5 được định vị ở phân khúc SUV cỡ B, đối đầu trực tiếp với những sản phẩm "hot" như Mitsubishi Xforce hay Kia Seltos (Ảnh: Thành Nguyễn).
Trong thời gian tới, thương hiệu xe Trung Quốc Dongfeng sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam với 4 mẫu xe du lịch. Trong đó, 2 mẫu xe điện là Box và E70 nằm ở phân khúc hatchback cỡ B và sedan cỡ C; 2 mẫu Mage và Huge nằm ở phân hạng SUV cỡ C và D, nhưng đều là xe xăng hoặc hybrid.
Giới chuyên gia nhận định, đây là một nước đi khá an toàn của Dongfeng, khi xe điện nhắm tới thị trường "ngách", còn xe xăng/hybrid tham chiến ở nhóm xe "hot", dễ nhận được sự quan tâm của khách Việt.
Xe Trung Quốc "vừa miếng" hơn, ít sản phẩm xịn giá đắt
Bên cạnh xu thế chuyển dịch sang xe xăng/hybrid, xe Trung Quốc về Việt Nam trong giai đoạn này chủ yếu là những sản phẩm phổ thông có giá cạnh tranh, ít mẫu cao cấp có giá đắt. Ví dụ như Haval Jolion, dù nằm ở phân khúc crossover cỡ B+ nhưng bản tiêu chuẩn được hãng xác nhận sẽ có giá dưới 700 triệu đồng, ngang các mẫu SUV cỡ B.
Omoda C5 từng có giá đồn đoán khoảng 800 triệu đồng và được cho là sẽ đối đầu trực tiếp với Honda HR-V. Tuy nhiên theo một số nguồn tin, mẫu xe này sẽ được chốt giá quanh khoảng 700 triệu đồng khi ra mắt trong thời gian tới.
Một số trường hợp khác có thể kể đến MG G50 và GAC M6 Pro, cả 2 mẫu xe này đều được "vén màn" tại triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024. Trong đó, GAC M6 Pro đã có giá chính thức: 699-799 triệu đồng, thấp hơn 2 đối thủ là Toyota Innova Cross (810-999 triệu đồng) và Hyundai Custin (850-974 triệu đồng).
Xét về kích cỡ, MG G50 cũng nằm cùng phân khúc với GAC M6 Pro, Toyota Innova Cross hay Hyundai Custin. Tuy nhiên, xe không có hệ thống an toàn chủ động, các trang bị còn lại khá cơ bản, hướng tới khách hàng chạy dịch vụ hay người dùng có nhu cầu mua xe 7 chỗ rộng rãi nhưng tối ưu mức giá.
Theo một số nguồn tin, MG G50 dự kiến có giá dao động trong khoảng 500-650 triệu đồng cho 2 phiên bản, chỉ ngang các mẫu MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander (560-658 triệu đồng) hay Toyota Veloz Cross (638-660 triệu đồng) (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Giới chuyên gia lý giải, việc các hãng xe Trung Quốc dần quay trở lại xu thế xe giá rẻ có thể do các sản phẩm giá cao khó thành công. Năm 2023, Haval ra mắt khách Việt với sản phẩm đầu tiên là mẫu H6 HEV, nằm ở phân khúc SUV cỡ C nhưng có giá lên tới 1,096 tỷ đồng, do chỉ có 1 phiên bản dùng động cơ hybrid.
Giá cao, thương hiệu mới khiến Haval H6 HEV khó cạnh tranh, trong bối cảnh người dùng nghiêng về các sản phẩm có giá rẻ ở phân khúc SUV cỡ C như Mazda CX-5 (từ 749 triệu đồng). Sau khi ra mắt, H6 HEV nhanh chóng được giảm giá xuống 850 triệu đồng, nhưng vẫn khó hút khách.
Sang năm 2024, hãng xe Trung Quốc điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất của H6 HEV xuống 986 triệu đồng còn tại đại lý, giá thực tế của mẫu xe này vẫn được hạ xuống 840 triệu đồng. Mức giá này liên tục được áp dụng trong nhiều tháng, nhưng tình hình kinh doanh vẫn không khả quan, theo chia sẻ từ phía đại lý.
Theo dantri.com.vn