Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới những người để bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây có Hướng dẫn số 08-HD/2024 về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Những trường hợp không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh việc tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng, nhất là những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, có dấu hiệu vi phạm, có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, vấn đề bức xúc mà xã hội và nhân dân quan tâm.
"Tập trung vào cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, trước hết cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên được quy hoạch nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới và dự kiến là nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên", hướng dẫn nêu rõ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 52 vừa qua dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ảnh: UBKTTW).
Cơ quan kiểm tra của Đảng yêu cầu không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, lợi ích nhóm, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… cũng không để lọt vào cấp ủy khóa mới.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng liệt kê những người không được để "lọt" vào cấp ủy khóa mới, gồm: Vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc.
"Vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ/chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính. Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí lớn, vụ việc tiêu cực tại cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách", Hướng dẫn số 08 nêu rõ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy, thường trực ủy ban kiểm tra hoặc ủy ban kiểm tra xem xét, quyết định kiểm tra ngay tổ chức đảng, đảng viên khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Kịp thời báo cáo ủy ban kiểm tra cấp trên để kiểm tra đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý.
"Trường hợp đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý thì báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương", hướng dẫn chỉ rõ.
Thời gian xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên
Hướng dẫn số 08 nêu cụ thể về kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Đối với tổ chức đảng, theo hướng dẫn, cần tập trung kiểm tra những nơi có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lãng phí , "lợi ích nhóm" - nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công; thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đối với cán bộ, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu tập trung kiểm tra những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và có dấu hiệu vi phạm các quy định của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bè phái, chạy chức, chạy quyền…
Với những vụ việc thuộc thẩm quyền nhưng có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp ủy, ủy ban kiểm tra chủ động, kịp thời báo cáo để cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cùng cấp kiểm tra, xem xét, kết luận.
Qua kiểm tra phải xem xét, quyết định hoặc đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (nếu có).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, việc xem xét, xử lý phải kết thúc trước ngày khai mạc đại hội 25 ngày làm việc với cấp cơ sở, 30 ngày làm việc với cấp trên cơ sở, 35 ngày làm việc với cấp ủy trực thuộc trung ương.
Các trường hợp không giải quyết đơn tố cáo Hướng dẫn 08 đưa ra các trường hợp không giải quyết đơn tố cáo gồm: - Tố cáo nặc danh, giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự hoặc đơn tố cáo không phải do người tố cáo trực tiếp ký tên. - Đơn tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận hoặc đã có thông báo không xem xét, giải quyết. Đơn tố cáo có tên nhưng nội dung không cụ thể, không có căn cứ để thẩm tra, xác minh - Đơn tố cáo do người tố cáo đã tự nguyện rút đơn, nay tiếp tục tố cáo lại nhưng không có thêm nội dung, tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất sự việc. Trường hợp đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. "Qua giải quyết tố cáo, phải kết luận rõ đúng, sai; xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm và phải kết thúc trước ngày khai mạc đại hội theo quy định", cơ quan kiểm tra của Đảng hướng dẫn. |
Theo dantri.com.vn