Cục Thuế TPHCM cho biết sẽ kiểm tra thí điểm về thuế đối với 35 nghệ sĩ người nổi tiếng, YouTuber, TikToker. Vậy đối tượng chịu thuế là ai, cách thức tính thuế của các cá nhân này ra sao?
Mới đây, Cục Thuế TPHCM cho biết kể từ năm 2025 sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có doanh thu từ các sàn thương mại điện tử để tính thuế. Trong đó, Cục sẽ kiểm tra thí điểm về thuế đối với 35 nghệ sĩ người nổi tiếng, YouTuber, TikToker.
Trước nội dung trên, luật Sư Đỗ Văn Luận, Giám đốc Công ty Luật Lập Phương, thuộc Đoàn luật sư TPHCM, có một số góc nhìn chia sẻ về đối tượng chịu thuế, cách tính thuế và cách để người nổi tiếng kê khai thu nhập...
Đối tượng chịu thuế là ai?
- Theo Luật Quản lý thuế 2019, Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính, các đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế gồm: tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước; tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.
Như vậy, người nổi tiếng, các YouTuber, TikToker, streamer… mà có thu nhập từ các nền tảng trực tuyến sẽ đều là các đối tượng phải chịu thuế.
Luật sư Đỗ Văn Luận (Ảnh: Lập Phương).
Thu thập thông tin thu nhập như thế nào?
- Căn cứ theo Luật Quản lý thuế 2019, Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính, Nghị định 126/2020 của Chính phủ, cơ quan quản lý thuế có thể sử dụng nhiều phương thức để thu thập và xác minh thông tin về thu nhập, trong đó có thể kể tới việc thu thập thông qua các tổ chức tài chính như yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về các giao dịch của cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thuế cũng có quyền yêu cầu các nền tảng số như Google, Facebook, YouTube, TikTok cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng quảng cáo, chi trả thù lao...
Không chỉ phối hợp với các tổ chức khác, nhà quản lý cũng hoàn toàn có thể tự kiểm tra trực tiếp bằng việc đối chiếu thông tin trên mạng xã hội, nội dung đăng tải của cá nhân để xác định nguồn thu nhập.
Mức thuế áp dụng ra sao?
- Theo quy định tại Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế Giá trị gia tăng (VAT), đối với thu nhập từ kinh doanh, dịch vụ (bao gồm sáng tạo nội dung), mức thuế phải nộp sẽ phụ thuộc vào từng ngành nghề dựa trên tổng doanh thu.
Cụ thể, đối với hoạt động bán hàng online thuộc phạm vi phân phối và cung cấp hàng hóa có tỷ suất thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 0,5% tổng doanh thu một năm. Ngoài ra, các cá nhân khi kinh doanh online cũng sẽ phải nộp 1% thuế VAT.
Như vậy, khi kinh doanh online, người bán có nghĩa vụ phải nộp 1,5% thuế GTGT và thuế TNCN trên tổng doanh thu khi bán hàng có mức doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm.
Người bán có nghĩa vụ phải nộp 1,5% thuế GTGT và thuế TNCN trên tổng doanh thu từ sàn thương mại điện tử (Ảnh: Mạnh Quân).
Kiểm tra, giám sát thuế bằng cách nào?
- Hiện nay, cơ quan quản lý thuế đã có các biện pháp hiện đại và phối hợp đa ngành để đảm bảo giám sát thuế hiệu quả như áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu.
Bên cạnh đó, Cục thuế cũng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra thực tế để kiểm tra giao dịch tài chính, các hợp đồng và nguồn thu; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung nhằm kết nối dữ liệu thuế giữa các tỉnh, thành phố để giám sát chặt chẽ hơn.
Chế tài xử phạt nếu người nộp thuế chậm nộp, nộp thiếu hoặc không nộp thuế?
- Chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ thuế bao gồm các hình thức xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với xử phạt hành chính, căn cứ theo Nghị định 125/2020 của Chính phủ, các hành vi như chậm nộp thuế; kê khai sai, thiếu thuế; trốn thuế hoặc không khai thuế đều là hành vi vi phạm dẫn đến việc bị xử phạt hành chính.
Trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan quản lý thuế có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý hình sự đối với tội danh trốn thuế.
Theo dantri.com.vn