Cẩn trọng khi "câu view" liên quan đến phản ánh vi phạm giao thông

Chủ nhật, 05.01.2025 | 14:23:44
175 lượt xem

Theo luật sư, người dân được quyền bày tỏ quan điểm, ý kiến về chính sách pháp luật nhưng trong khuôn khổ và đúng quy định, tránh xuyên tạc, đưa thông tin sai sự thật.

Sau khi Nghị định 176 được Chính phủ ban hành có quy định mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng liên quan đến nội dung này.

Gần đây nhất, các trang Facebook chia sẻ bài đăng "Hà Nội: Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông".

Ngay sau đó, Công an TP Hà Nội đã phủ nhận thông tin trên. Đồng thời, Cục CSGT cũng cho biết chưa có cơ chế trả tiền cho người phản ánh vi phạm giao thông. Như vậy, hình ảnh một tài khoản ngân hàng nhận được "tiền thưởng" 1 triệu đồng từ phản ánh vi phạm giao thông lan truyền trên mạng cũng là sai sự thật.

Đặc biệt, một số tài khoản Facebook còn rao bán công khai các clip ghi lại cảnh vi phạm của người tham gia giao thông.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết quy định hỗ trợ người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm là rất nhân văn.

Cẩn trọng khi câu view liên quan đến phản ánh vi phạm giao thông - 1

Bài đăng sai sự thật (Ảnh: Chụp màn hình).

Tuy nhiên, theo luật sư Khuyên, khi áp dụng lại xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều, trong đó có những chia sẻ mang tính xuyên tạc, mỉa mai, đưa thông tin sai sự thật.

Với việc lan truyền thông tin sai sự thật về việc nhận thưởng từ việc phản ánh hành vi vi phạm giao thông, bà Khuyên cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, làm rõ động cơ, mục đích đăng tải thông tin sai sự thật của người này là gì, đánh giá tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi đưa thông tin sai sự thật để có hướng xử lý theo quy định pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Khuyên, trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, người đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Với trường hợp hành vi đến mức xử lý hình sự, người đưa thông tin sai sự thật có thể bị xử lý về một trong các Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 hoặc Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.

"Người dân được quyền bày tỏ quan điểm, ý kiến về chính sách pháp luật nhưng trong khuôn khổ và đúng quy định, tránh xuyên tạc, đưa thông tin sai sự thật", luật sư Hà Thị Khuyên chia sẻ.

Đối với việc rao bán các clip ghi lại cảnh vi phạm của người tham gia giao thông, luật sư Khuyên nhận định nếu hành động là có thật, người bán đã xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Cẩn trọng khi câu view liên quan đến phản ánh vi phạm giao thông - 2

Bài đăng rao bán video vượt đèn đỏ trên Facebook (Ảnh: Chụp màn hình).

Trích dẫn Điều 21 Hiến pháp Việt Nam, luật sư cho biết đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; danh dự, uy tín cũng như thư tín, điện thoại, điện tử, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác đều được pháp luật bảo vệ, không ai được xâm phạm trái luật.

Đồng thời, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2025 cũng quy định, không ai được phép thu thập, sử dụng, công khai các thông tin liên quan đến quyền riêng tư của người khác mà không được người đó đồng ý trừ các trường hợp được cho phép.

Do đó, luật sư Khuyên cho biết người xâm phạm quyền riêng tư của người khác, tùy vào từng tính chất, mức độ vi phạm cũng như hậu quả sẽ chịu các hình thức xử phạt khác nhau, có thể là phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/can-trong-khi-cau-view-lien-quan-den-phan-anh-vi-pham-giao-thong-20250105001306606.htm

  • Từ khóa