Đìu hiu chợ Đồng Xuân

Thứ 6, 11.04.2025 | 08:52:22
337 lượt xem

Từng là "thiên đường" buôn bán hàng hóa khu vực miền Bắc, nhưng hiện nay, chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đang đối mặt với tình trạng đìu hiu, vắng khách khiến tiểu thương khốn đốn, lao đao.

Chợ Đồng Xuân thoi thóp?

Hàng trăm năm nay, chợ Đồng Xuân được xem là điểm đến tham quan, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quần áo, hàng gia dụng, đồ lưu niệm và đặc sản tại Hà Nội. Mỗi sạp vài mét vuông nơi đây từng có giá hàng tỷ đồng vì là “con gà đẻ trứng vàng”. Tiểu thương nhập hàng trực tiếp từ xưởng máy, chợ nước ngoài rồi bán lại cho người dân buôn bán các tỉnh. Mỗi ngày, hàng dài ô tô nối đuôi bốc dỡ hàng liên tục.

Vài năm trở lại đây, chợ Đồng Xuân không còn cảnh tấp nập người mua, kẻ bán. Thời điểm chúng tôi vào chợ là giữa buổi sáng, nhưng chỉ thấy loáng thoáng vài khách du lịch ghé ngang chụp ảnh lưu niệm. Nhiều ki ốt trong tình trạng “cửa đóng then cài” từ lâu dù là ngày cuối tuần. Hàng hóa tồn kho nằm ngổn ngang vì chưa nhượng được ki ốt. Một số tiểu thương ngồi xem điện thoại, thậm chí nằm ngủ hoặc tán gẫu, vì dù treo biển khuyến mãi, giảm giá, thanh lý nhưng vẫn vắng khách mua. Bà N.T.M, tiểu thương đã bán hàng ở chợ Đồng Xuân được hơn 20 năm cho hay: “Giờ mua bán hàng online phổ biến, không ai muốn đến đây mua”.

Đìu hiu chợ Đồng Xuân

Khung cảnh đìu hiu tại chợ Đồng Xuân.

Chị M.T.H (40 tuổi, người bán hàng quần áo) vồn vã mời chào khi có khách vào xem hàng. Sau một hồi ngó nghiêng, nâng lên đặt xuống, so sánh giá trên các sàn thương mại điện tử, vị khách bỏ đi khi thấy giá online hời hơn. Chị M.T.H ngậm ngùi: “Ngoài tiền vốn nhập quần áo, tôi còn phải bù chi phí mặt bằng, điện nước nên không thể cắt giảm chi phí ở cửa hàng được. Vì thế không thể cạnh tranh được với hàng online”.

Thời buổi thương mại điện tử lên ngôi, nhiều tiểu thương chợ Đồng Xuân không kịp thích ứng, người kịp thích ứng cũng khó cạnh tranh với người bán hàng trực tuyến không phải mất chi phí mặt bằng đắt đỏ. Ấy là chưa kể, nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang hình thức kinh doanh B2C (business to consumer, hình thức bán hàng thẳng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, không qua trung gian). “Ai đến hỏi giá cũng bỏ đi khi thấy đắt hơn trên mạng”, một tiểu thương ngao ngán nói với chúng tôi bên cạnh đống quần áo cao chất ngất.

Có thể “cứu vãn” chợ Đồng Xuân?

Thực trạng buôn bán lay lắt khiến không ít tiểu thương phải xoay sở cách làm ăn khác. “Nhiều tiểu thương bán lỗ không đủ hồi vốn, phải về quê làm công nhân. Ở đây bán chả đủ ăn mà còn phải trả tiền thuê mặt bằng”, bà N.T.M buồn bã nói.

Thực tế thì khách hàng của chợ Đồng Xuân trước đây đa số là thương nhân từ các tỉnh lấy buôn về cung cấp lại cho các cửa hàng địa phương. Do thương mại điện tử phát triển, hàng hóa qua nhiều tầng nấc trung gian như vậy không thể cạnh tranh được về giá, nên chính các thương nhân trung gian cũng không còn việc để làm. Vì thế, nếu tiểu thương và Ban quản lý chợ Đồng Xuân có phương án chuyển đổi chiến lược kinh doanh phù hợp, thì vẫn có thể tồn tại và phát triển.

Đìu hiu chợ Đồng Xuân
Khung cảnh đìu hiu tại chợ Đồng Xuân. 

Tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích đến tận nơi để lựa chọn hàng hóa. Do vậy, Ban quản lý chợ và các tiểu thương cần có chiến lược quảng cáo đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, đồng thời kết nối trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để bảo đảm minh bạch về nguồn gốc, thương hiệu, chất lượng sản phẩm, bán đúng giá và giá cạnh tranh kết hợp với các chương trình khuyến mãi, chế độ bảo hành và chăm sóc khách hàng chu đáo. Chợ Đồng Xuân có lợi thế rất lớn vì được coi là địa chỉ “check-in” lý thú cho khách du lịch. Nếu các tiểu thương mở thêm dịch vụ phục vụ khách du lịch, chú trọng bán hàng hóa lưu niệm mang đặc trưng của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách tới vừa “check-in”, vừa mua sắm hàng lưu niệm để lưu giữ kỷ niệm cho bản thân và làm quà tặng người thân...

Ban quản lý chợ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, mời chuyên gia về hướng dẫn bà con tiểu thương cách thích ứng với phương thức kinh doanh, quảng bá dịch vụ, hàng hóa trong kỷ nguyên số...

Trước đó, tại Hội nghị giao ban công tác quản lý chợ, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận, huyện phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội đẩy mạnh hoạt động nâng cấp cải tạo chợ theo hướng trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa. Qua đó, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hóa giá rẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chợ truyền thống có thể kết nối với ngành du lịch thiết kế các tour, tuyến để du khách trong và ngoài nước có thể tham quan trải nghiệm đời sống văn hóa. "Đối với chợ Đồng Xuân, nghiên cứu đưa các đặc sản vùng, miền, sản phẩm OCOP vào chợ phục vụ khách du lịch, tham quan chuỗi khu phố cổ, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố", đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền gợi ý.

Chợ Đồng Xuân còn hay mất không chỉ là câu chuyện của riêng tiểu thương có các sạp hàng trong chợ. Đó còn là câu chuyện chung của Hà Nội, bởi chợ Đồng Xuân là một phần trong đặc trưng văn hóa Hà thành, là niềm tự hào mang tính truyền thống của nhiều thế hệ người Hà Nội!


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/diu-hiu-cho-dong-xuan-823434

  • Từ khóa