Làng tỷ phú bên sông Đồng Nai

Thứ 6, 11.04.2025 | 08:52:20
479 lượt xem

Bên dòng Đồng Nai quanh năm chở nặng phù sa đắp bồi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng được mệnh danh là “vùng cây ăn trái” nổi tiếng khu vực Tây Nguyên. Trên miền cây trái ngọt lành này, Hà Lâm - vùng đất vắt qua đèo Chuối được ví là “làng tỷ phú”. Ở đó, chuyện nông dân thu nhập tiền tỷ, ở biệt thự, đi xe hơi hạng sang… đang được nhiều người nhắc đến.

Nông dân Đặng Huy Bộ (bên trái) cùng những cây sầu riêng cho quả trái vụ của gia đình.

Những năm gần đây, hàng trăm hộ dân tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực, giúp đời sống người dân trở nên khấm khá, thịnh vượng. Mới đây, những hộ trồng sầu riêng ở Hà Lâm thành lập Câu lạc bộ “nông dân tỷ phú” để cùng nhau làm giàu.

Nông dân thu nhập tiền tỷ

Xã Hà Lâm nằm ở phía bắc huyện Đạ Huoai, có trục đường Quốc lộ 20 chạy dọc theo địa bàn xã. Hơn 30 năm trước, những cư dân Hà Tây (nay là Hà Nội) đã đến vùng đất này để xây dựng cuộc sống mới. Cái tên Hà Lâm là sự kết hợp giữa Hà (Hà Tây) và Lâm (Lâm Đồng), như sự “kết duyên” giữa những con người ở hai vùng đất, đồng cam, cộng khổ và sáng tạo để xây dựng Hà Lâm phát triển vượt bậc như ngày hôm nay.

Khoảng 15 năm trước, Hà Lâm là xã khó khăn, đời sống nhân dân rất thiếu thốn. Nhờ đức tính cần cù, nhạy bén trong phát triển kinh tế, người dân Hà Lâm đã làm cho vùng đất này “thay da, đổi thịt” và giàu có bậc nhất huyện Đạ Huoai thời điểm này. Vùng đất khó khăn một thời giờ có hàng trăm nông dân tỷ phú.

Những bậc cao niên ở Hà Lâm kể rằng, từ những năm 20 thế kỷ 20, người Pháp đã chọn vùng đất này để trồng thực nghiệm hàng chục cây sầu riêng. Sau cuộc thử nghiệm thành công, đến nay, cây trồng này phát triển thành cây chủ lực của huyện Đạ Huoai nói chung và xã Hà Lâm nói riêng. Hiện, vườn cây trái Nam Nhi ở xã Hà Lâm vẫn lưu giữ được cây sầu riêng hơn 100 năm tuổi mà người Pháp ươm bằng hạt. Đây là một trong những cơ sở để địa phương phát triển nông nghiệp, đưa sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi được anh Bùi Quang Trung, cán bộ xã Hà Lâm dẫn tham quan các mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn xã. Dọc hai bên tuyến đường liên thôn, những vườn sầu riêng xanh mướt, trái lúc lỉu chờ đến mùa thu hoạch. Trong ngôi “biệt thự” của gia đình, ông Nguyễn Minh Hồng Điệp chia sẻ: “Tôi xuất thân trong gia đình có truyền thống canh tác các loại cây ăn trái ở tỉnh Đồng Nai. Năm 1990, trong lần đặt chân đến vùng đất Hà Lâm, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp để phát triển cây ăn trái, cho nên tôi đã ấp ủ ý định đầu tư, sau đó gắn bó với vùng đất này”.

Thời gian đầu, gia đình ông trồng sầu riêng hạt truyền thống xen canh với cà-phê trên diện tích 1ha. Sau một thời gian, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, ông Điệp quyết định mở rộng quy mô và trồng thuần các giống sầu riêng Đô Na, Ri6… Đây là những giống sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng vượt trội so với giống sầu riêng ươm hạt và được thị trường ưa chuộng.

Từ nguồn doanh thu hằng năm, gia đình ông Điệp tiếp tục dùng để tái đầu tư, mua thêm đất để mở rộng diện tích canh tác. Hiện, gia đình ông Điệp sở hữu 24ha sầu riêng, trong đó phần lớn diện tích đã cho thu hoạch. 5 năm gần đây, cây sầu riêng mang lại thu nhập cho gia đình ông Điệp từ 10 đến 20 tỷ đồng mỗi năm.

 Làng tỷ phú bên sông Đồng Nai ảnh 1
Nông dân Nguyễn Minh Hồng Điệp chăm sóc vườn sầu riêng đang trong thời kỳ đơm bông, kết trái. (Ảnh GIANG NAM)

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây sầu riêng phát triển, người dân Hà Lâm đã chuyển đổi các loại cây giá trị thấp sang trồng sầu riêng. Cây trồng này đã giúp hàng trăm hộ nông dân đạt thu nhập tiền tỷ. Ông Đặng Huy Bộ cho biết, gia đình ông có 6ha sầu riêng, trong đó có hơn 2ha đang cho thu hoạch. Vườn sầu riêng được đầu tư hệ thống tưới tự động và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nên cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vụ sầu riêng năm 2024, gia đình ông Bộ thu về hơn hai tỷ đồng.

Ở vùng cây trái này, Hợp tác xã Nông nghiệp du lịch miệt vườn Hà Lâm là một trong những hợp tác xã điển hình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hợp tác xã hiện có 30 thành viên và 120 thành viên liên kết.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã Lê Quang Sơn cho biết, tất cả diện tích canh tác sầu riêng của các thành viên hợp tác xã đều được cấp chứng nhận VietGAP. Đến nay, hợp tác xã đã được cấp chín mã vùng trồng sầu riêng, với diện tích hơn 353ha; xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa nhà nông, hợp tác xã và nhà phân phối. “Bình quân mỗi ha sầu riêng cho thu nhập từ 800 triệu đến một tỷ đồng. Những năm gần đây, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, cho nên các thành viên hợp tác xã có thu nhập tiền tỷ sau mỗi vụ sầu riêng”, ông Sơn cho biết.

Hà Lâm có dòng suối Đạ Huoai, thượng nguồn của sông Đồng Nai chảy qua, nên quanh năm dồi dào nguồn nước tưới. Tài nguyên nước và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cùng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã làm thay đổi diện mạo vùng đất này. Từ những kết quả khả quan ban đầu, để hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu, năm 2024, các hộ trồng sầu riêng ở Hà Lâm đã thành lập Câu lạc bộ “nông dân tỷ phú”, với 104 thành viên.

Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đặng Huy Bộ cho biết: “Câu lạc bộ ra đời nhằm chia sẻ, lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh sầu riêng. Từ đó, giúp nhau phát triển, làm giàu”.

Từ Nghị quyết đến thực tiễn

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Đạ Huoai về “đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương”, Đảng ủy xã Hà Lâm đã thành lập ban chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Lâm làm trưởng ban, các thôn trên địa bàn thành lập tổ vận động do đồng chí bí thư chi bộ làm tổ trưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, Hội Nông dân xã đã tích cực triển khai thực hiện phong trào theo tinh thần nghị quyết của Huyện ủy đến các hội viên. Đây được xem vừa là mục tiêu, vừa là động lực để các hội viên, nông hộ triển khai thực hiện. Từ đó, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Song song với việc chuyển đổi giống cây trồng, nông dân Hà Lâm chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào khu vườn của mình, như sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc, lắp đặt hệ thống tưới tự động…, đồng thời đầu tư xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất sầu riêng hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Lâm Phan Quang Thực cho biết, toàn xã hiện có hơn 2.380ha sầu riêng, trong đó có khoảng 2.000ha đến tuổi cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 22 nghìn tấn/năm. Trong tổng diện tích đó, có hơn 1.500ha sầu riêng áp dụng công nghệ cao, cùng 298 hộ sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 635ha, 24 mã vùng trồng đã được cấp với diện tích 859ha. Sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác là “chìa khóa” giúp Hà Lâm mở ra cánh cửa của sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ. “Theo thống kê sơ bộ, năm 2024, toàn xã Hà Lâm có 376 hộ thu nhập từ một đến ba tỷ đồng/năm, 15 hộ thu nhập từ bốn đến sáu tỷ đồng, năm hộ thu nhập từ 10 đến 20 tỷ đồng. Xã có thu nhập bình quân đầu người đạt 110 triệu đồng/năm; không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo”, ông Thực cho biết.

Để đưa cây sầu riêng tiếp tục trở thành “cây làm giàu” cho nông dân xã Hà Lâm và nông dân huyện Đạ Huoai, chính quyền địa phương và nhà nông canh tác sầu riêng mong muốn tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng Trung tâm kiểm định chất lượng sầu riêng tại vùng đất này, để phục vụ xuất khẩu.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đạ Huoai Nguyễn Văn Tú, để phát triển bền vững cây ăn quả, chính quyền địa phương phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức khuyến cáo người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Việc này nhằm tăng chất lượng, giá trị cho nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Huyện Đạ Huoai cũng tăng cường công tác quản lý, bảo đảm các yếu tố về mã vùng trồng, mã đóng gói phục vụ xuất khẩu. Ông Tú cho biết: “Huyện Đạ Huoai hiện có hơn 10 nghìn ha sầu riêng. Trong đó, xã Hà Lâm là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh về loài cây này và đã có rất nhiều nông dân tỷ phú”.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/lang-ty-phu-ben-song-dong-nai-post871555.html

  • Từ khóa