Thực tiễn thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung các chế định mới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, đáp ứng thực tiễn trong việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về an ninh, trật tự nói riêng; đáp ứng yêu cầu quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Yêu cầu cấp thiết, khách quan
Thực tiễn cho thấy, việc quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam là công tác quan trọng trong thi hành tạm giữ, tạm giam. Trong những năm qua việc thực hiện quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ khâu tiếp nhận, phân loại, bố trí giam giữ, điều chuyển trích xuất, xử lý kỷ luật và giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, chết, phạm tội mới từng bước đi vào nề nếp, thống nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Chưa có quy định cụ thể về chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã, khi có quyết định dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền; thời điểm thực hiện các công việc để tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
Giải quyết trường hợp trước thời điểm tổ chức tiếp nhận mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế; quy định về điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam; trích xuất phục vụ công tác giam giữ, tham gia thực hiện giao dịch dân sự...
Ngoài ra, số lượng người bị kết án tử hình liên tục tăng, trong khi đó cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ để phục vụ quản lý, giam giữ tại một số trại tạm giam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải giam giữ, mất an ninh, an toàn, không bảo đảm tốt nhất quyền của họ; do đó, cần có quy định mang tính nguyên tắc về các điều kiện bảo đảm phục vụ quản lý chặt chẽ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
Chưa có các quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng khoa học, công nghệ vào quá trình quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các cơ sở giam giữ; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mang tính đặc thù để bảo đảm sự bảo mật và an toàn tuyệt đối; việc sắp xếp, bố trí các khu vực trong cơ sở giam giữ đảm bảo tính khoa học, phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý giam giữ và các công tác khác.
Bên cạnh đó, một số quy định về chế độ, chính sách của người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ; một số quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 chưa đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.
Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 là yêu cầu cấp thiết, khách quan và bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới.
So với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính như: Trách nhiệm thực hiện ngay các công việc khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam; bổ sung nội dung về thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói đối với những trường hợp chưa có thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước;
Quy định về trước thời điểm tổ chức tiếp nhận mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế theo hướng người đã có lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam bị thương tích, bệnh nặng cần phải điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc đe doạ đến tính mạng của họ thì cơ quan đang thụ lý vụ án
Quy định về thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói và cụ thể các tài liệu hồ sơ kèm theo khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
Thẩm quyền của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ của Cảnh sát biển;
Bổ sung quy định bố trí theo khu và phân loại đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người bị nhiễm HIV/AIDS và người đang chấp hành án phạt tù;
Quy định về việc áp giải, quản lý và kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất.
Những sửa đổi, bổ sung này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam và nâng cao hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trong thực tiễn.
Bảo đảm chính sách nhân đạo, quyền con người
Về chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, chế độ của người bị kết án tử hình đang bị tạm giam, so với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính:
Quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền gửi lưu ký để ăn thêm cho phù hợp với thực tiễn. Giao Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng quy định cụ thể về danh mục hàng hóa và giá bán trong căng tin; quy định về gửi, nhận thư, sách báo và tài liệu, chế độ chăm sóc y tế của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Quy định về chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trong đó người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng kinh sách, được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật và được cấp phát báo theo quy định của Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng; quy định về ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý giam giữ đối với người thi hành án tử hình bảo đảm an toàn.
![]() |
Kiểm sát tại nhà tạm giữ Công an. Ảnh minh họa. |
Những sửa đổi, bổ sung này nhằm hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan và chính sách nhân đạo, quyền con người.
Luật cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, theo dõi người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; xử lý trường hợp người chấp hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú vi phạm nghĩa vụ.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/bao-dam-tot-hon-cong-tac-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-post872536.html