Lập 9 công ty "ma", chuyển trái phép gần 4.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Thứ 2, 30.12.2024 | 15:15:30
286 lượt xem

Đào Thị Oanh, Nguyễn Hồng Anh và đồng bọn đã lập 9 công ty vỏ bọc để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài gần 4.000 tỷ đồng.

Trả hồ sơ điều tra bổ sung

Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa các bị cáo Đào Thị Oanh (33 tuổi); Đoàn Văn Thức (33 tuổi, cùng trú tại tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Hồng Anh (42 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Hạnh (35 tuổi, cùng trú tại Hà Nội); Vũ Thùy Linh (26 tuổi, trú tại tỉnh Hải Dương) và Mai Thị Thu Hà (25 tuổi, trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ra xét xử về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Sau đó, tòa thông báo vụ án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đào Thị Oanh bị cáo buộc cùng các đồng phạm đã lập 9 công ty vỏ bọc để chuyển trái phép hơn 3.923 tỷ đồng ra nước ngoài với danh nghĩa thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội thể hiện, đầu năm 2021, Đào Thị Oanh quen Nguyễn Thụy Hương Trầm (31 tuổi, trú tại TPHCM, đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 2/2023) làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế.

Sau khi quen biết Trầm và Oanh đã liên kết cùng làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế trái phép.

Lập 9 công ty ma, chuyển trái phép gần 4.000 tỷ đồng ra nước ngoài - 1

Các đối tượng Đào Thị Oanh (ảnh trái) và Nguyễn Hồng Anh (Ảnh: Bộ Công an).

Trầm có nhiệm vụ tìm đối tác nước ngoài đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và khách hàng có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài (trên 90% khách hàng là của Trầm).

Oanh có 3 nhiệm vụ kiếm khách hàng có nhu cầu chuyển tiền; thành lập và cung cấp cho Trầm các công ty ở Việt Nam để đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và mở tài khoản ngân hàng; sử dụng tài khoản các công ty này để nhận tiền trong nước và chuyển tiền đến tài khoản của các công ty ở nước ngoài.

Trước khi chuyển tiền, Trầm chuyển bảng kê số liệu chuyển tiền ra nước ngoài vào nhóm Zalo, Telegram (số lượng đơn hàng và tỷ giá USD, từ đó quy đổi ra tiền VNĐ) để Oanh biết ngày hôm sau sẽ phân bổ vào tài khoản của từng công ty là bao nhiêu.

Mỗi công ty có thể có một hoặc nhiều đơn hàng, mỗi đơn hàng là một hợp đồng nhập khẩu.

Lập hơn 2.000 hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống

Trầm có 2 nhân viên. Trong đó, người tên Bảo (không rõ nhân thân, lai lịch) chuyên soạn hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống với đối tác nước ngoài (đã có sẵn chữ ký của đối tác người nước ngoài) để Oanh tải về, in ra và ký giả chữ ký của giám đốc các công ty trên hợp đồng nhập khẩu (mục bên mua).

Còn nhân viên tên Thương (không rõ nhân thân, lai lịch) chuyên cập nhật, theo dõi dòng tiền để Trầm chuyển bảng kê số liệu chuyển tiền ra nước ngoài.

Theo cáo buộc, từ tháng 11/2021 đến tháng 8/2022, Oanh tổ chức, chỉ đạo 5 đồng phạm mua, thành lập, sử dụng 9 công ty tại Hà Nội, TPHCM và Hưng Yên; mở tài khoản tại các ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế; lập 2.013 hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống (phụ tùng xe máy, ô tô, muối tinh, kim loại, điện tử, quần áo, gia dụng,...) với 1.739 công ty, tại 41 quốc gia.

Đào Thị Oanh đã sử dụng các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống này để thực hiện việc chuyển tiền điện tử qua tài khoản ngân hàng của 9 công ty này theo hình thức chuyển tiền thanh toán trước hợp đồng. Tổng số tiền đã chuyển vào tài khoản của các đối tác nước ngoài là hơn 3.932 tỷ đồng.

Việc tạo lệnh và duyệt lệnh chuyển tiền được thực hiện trên máy tính, thông qua hình thức chuyển tiền Internet Banking tại văn phòng của một công ty có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Lập 9 công ty ma, chuyển trái phép gần 4.000 tỷ đồng ra nước ngoài - 2

Từ trái qua phải là các đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh; Vũ Thùy Linh và Mai Thị Thu Hà (Ảnh: Bộ Công an).

Khi thực hiện chuyển tiền thanh toán quốc tế, toàn bộ các chứng từ hải quan được các đối tượng xin nợ và cam kết hoàn trả thủ tục sau khi nhập hàng.

Thực tế, sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, Oanh không làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, không có chứng từ nhập khẩu hàng hóa nộp cho các ngân hàng, không khai báo thuế, giải thể các công ty nêu trên để tránh sự kiểm tra của các công ty chức năng. 

Trầm chia cho Oanh 15-30 đồng/1USD được chuyển ra nước ngoài căn cứ theo tỷ giá USD từng thời điểm.

Viện kiểm sát cáo buộc, nguồn tiền chuyển đến 9 công ty đến từ 29 cá nhân và 8 công ty. Còn nguồn tiền đầu vào của 29 cá nhân và 8 công ty trên là từ 946 cá nhân và 9 công ty khác chuyển đến, với tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng.

Do đó, số tiền đã chuyển đi nước ngoài trót lọt (hơn 3.923 tỷ đồng), chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số tiền cần chuyển đi.

Tại cơ quan điều tra, các bị can thừa nhận hành vi, tổng tiền hưởng lợi là 2,4 tỷ đồng, hiện họ đã nộp lại hơn 560 triệu đồng.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/lap-9-cong-ty-ma-chuyen-trai-phep-gan-4000-ty-dong-ra-nuoc-ngoai-20241229094317583.htm

  • Từ khóa