Cách đây 80 năm, ngày 22/12/1944, chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam được thành lập.
Trong lễ thành lập, Quảng Bình có ba người con tham gia. Cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp - người được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức, thành lập và chỉ đạo hoạt động của Đội, còn có đội viên Võ Văn Luận và đội trưởng Hoàng Sâm.
Thiếu tướng Hoàng Sâm là một chiến sỹ cách mạng tiền bối, người học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cả Đảng, của dân tộc và nhân dân.
Ông cũng là một trong những vị tướng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết Đại đội 2 công binh Quân khu 3 nhân dịp Tết Bính Ngọ (21/1/1966). Từ trái sang phải: Bác Hồ, Lưu Văn Thông - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 27, Hoàng Sâm - Tư lệnh Quân khu 3, Nguyến Quyết - Chính ủy Quân khu 3 (Ảnh tư liệu).
Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, có đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam
Thiếu tướng Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915, tại Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1927, Trần Văn Kỳ theo gia đình sang Thái Lan sinh sống và sớm tham gia hoạt động trong phong trào Việt kiều. Những năm 1928-1929, nhờ sự sáng dạ và nhanh nhẹn, Trần Văn Kỳ được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Thầu Chín) huấn luyện và chọn làm liên lạc viên.
Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao phụ trách địa điểm liên lạc, in, phát truyền đơn.
Năm 1934, bị chính quyền Thái Lan bắt giam, ông đã cùng các đảng viên trong nhà tù đấu tranh. Tra tấn, dụ dỗ, thẩm vấn không thành công, chính quyền buộc phải trả tự do cho Trần Văn Kỳ, nhưng trục xuất khỏi Thái Lan.
Mùa thu năm 1940, Trần Văn Kỳ sang Tĩnh Tây (Trung Quốc), được gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được đặt tên là Hoàng Sâm, rồi cử trở về Cao Bằng để mở các lớp huấn luyện cán bộ quân sự.
Đầu năm 1941, Hoàng Sâm góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, và hoàn thành nhiệm vụ đưa đón cán bộ về dự Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941).
Từ cuối năm 1941, được giao làm Đội phó, rồi sau đó là Đội trưởng Đội du kích Pác Bó, ông đã chỉ huy đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho khu căn cứ, cơ quan lãnh đạo của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, làm giao thông liên lạc; đồng thời tích cực hoạt động tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, tiễu phỉ, trừ gian ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng; vận động quần chúng, huấn luyện tự vệ, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương.
Với bí danh Trần Sơn Hùng, ông đã thể hiện rõ phẩm chất, năng lực của một nhà quân sự tài năng, một cán bộ dân vận giỏi, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ sở chính trị, phát triển cơ sở và phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Thời gian này, Hoàng Sâm cùng Lê Quảng Ba trực tiếp vào hang ổ của các nhóm phỉ, thể hiện bản lĩnh, đấu trí, thi tài từ uống rượu, bắn súng đến ném lựu đạn, khiến những tên trùm phỉ phải nể phục mà hạn chế cướp phá nhân dân.
Từ cuối năm 1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: "Hoàng Sâm... từ lúc bé đã thoát ly gia đình làm cách mạng, bôn tẩu từ trong nước sang Xiêm La (Thái Lan) và Trung Quốc, trở về hoạt động ở miền biên giới. Bao nhiêu năm truy nã, đã từng lặn lội trong dân chúng Kinh, Thổ, Mán, Nùng, đã từng vũ trang chiến đấu nhiều với quân tuần tiễu của Pháp và đã làm cho bọn thổ phỉ nghe tiếng là phải khiếp sợ" (2).
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (3/3/1945), Hoàng Sâm chỉ huy một đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, phối hợp với cơ sở địa phương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền từng phần ở một số địa phương thuộc Ngân Sơn, Chợ Rã, Bạch Thông, Phủ Thông (Bắc Kạn).
Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, phát động khởinghĩa giành chính quyền trong cả nước, Hoàng Sâm phân công phụ trách quân sự các địa bàn Bắc Kạn - Thái Nguyên - Tuyên Quang và chỉ huy một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân tiến về Vĩnh Yên, tiêu diệt lực lượng Quốc dân đảng.
Hoàn thành nhiệm vụ, ông tiếp tục chỉ huy đơn vị cơ động về Sơn Tây, bảo vệ chính quyền cách mạng ở phía Tây và Tây Bắc Hà Nội.
Thiếu tướng Hoàng Sâm (Ảnh tư liệu).
Đội trưởng Đội tuyên truyền giải phóng quân - mở đầu những truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Tháng 10/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về Hà Quảng, chỉ thị tập hợp những cán bộ, chiến sĩ hăng hái nhất, dũng cảm và kiên quyết nhất, những vũ khí tốt nhất để tổ chức Đội quân giải phóng. Người giao nhiệm vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, nhắc nhở phương châm: "Người trước, súng sau", phải lựa chọn những người kiên quyết nhất, hăng hái nhất trong công tác, dũng cảm, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, đã trải qua chiến đấu, có hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự.
Đã thể hiện bản lĩnh, tài năng qua thực tiễn phong trào, Hoàng Sâm được đồng chí Võ Nguyên Giáp và lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn làm Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Một thời gian ngắn sau ngày thành lập 22/12/1944, khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành Đại đội, ông tiếp tục được chọn làm Đại đội trưởng.
Chỉ 3 ngày sau khi thành lập, Đội đã xuất quân đánh thắng hai trận liên tiếp Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944), mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu và đã ra quân là đánh thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong hai trận đó, Đội đã vận dụng cách đánh sáng tạo hóa trang kỳ tập, mở đầu cho việc vận dụng các hình thức chiến thuật độc đáo và hiệu quả của Quân đội ta sau này.
Tiếp đó, Đội trưởng Hoàng Sâm cùng ban chỉ huy tiếp tục chỉ huy Đội tổ chức đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng); phục kích địch trên đường từ Nà Ngần đi đèo Cao Bắc...
Những hoạt động của Đội đều in đậm dấu ấn của Đội trưởng Hoàng Sâm, góp phần củng cố, mở rộng khu Căn cứ Việt Bắc và phong trào cách mạng trên địa bàn, đồng thời ghi dấu mốc son mở đầu những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một trong những vị tướng được phong đợt đầu tiên
Tháng 10/1945, được giao làm Khu trưởng Chiến khu 2, ông đã cùng lãnh đạo, chỉ huy Chiến khu tổ chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chấn chỉnh nội bộ, tổ chức bộ đội chủ lực ở các tỉnh chi viện miền Nam, phối hợp chiến đấu với các mặt trận Hà Nội, Nam Định và Sơn La.
Đầu năm 1947, được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây Tiến, ông cùng Bộ Chỉ huy Mặt trận tổ chức rút kinh nghiệm về cách đánh và chỉ đạo vận dụng cách đánh du kích vận độngchiến là chủ yếu; lập kho lương thực của Mặt trận ở Chiềng Sại, đặt các trạm quân y ở Chiềng Sại, Mai Hạ.
Thiếu tướng Hoàng Sâm (giữa) trong một cuộc họp Bộ Tư lệnh Quân khu 3, năm 1967 (Ảnh tư liệu).
Đồng thời, ông chỉ đạo củng cố lực lượng chủ lực, chuyển các đơn vị sang vừa tác chiến, vừa bám dân, hòa vào dân, vừa xây dựng, vừa tổ chức dân quân du kích, phân tán vào vùng địch tạm chiếm, phát động du kích chiến tranh mạnh mẽ, rộng khắp.
Đầu năm 1948, ông Hoàng Sâm được phong Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lúc này, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Liên khu 3 với 12 tỉnh, thành phố, gồm phần lớn vùng đồng bằng dọc hai bên tả ngạn và hữu ngạn Sông Hồng, là kho người, kho của, nơi có những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, có vị trí chiến lược trọng yếu.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ, tháng 9/1949, Liên khu 3 mở Chiến dịch Lê Lợi nhằm tiêu diệt những vị trí chính của địch trong phạm vi Hòa Bình, Tu Vũ, Xuân Mai, Vụ Bản, Suốt Rút; đánh tiếp viện, giao thông tiếp tế của địch; mở rộng cơ sở, phát động nhân dân chiến tranh.
Với vai trò Tư lệnh Chiến dịch, tướng Hoàng Sâm đã chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi.
Tháng 4/1951, Bộ quyết định mở Chiến dịch Quang Trung. Thiếu tướng Hoàng Sâm tham gia Đảng ủy mặt trận, góp phần vào "bước trưởng thành của bộ đội trong tác chiến trên địa hình trung du và đồng bằng" (3).
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào.
Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Hoàng Sâm chỉ huy các đơn vị ta cùng các đơn vị vũ trang cách mạng Lào tiến công các vị trí quân Pháp, buộc chúng phải phân tán đối phó, không thể chi viện cho Điện Biên Phủ.
Tháng 4/1955, Chính phủ chỉ định Thiếu tướng Hoàng Sâm - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 - làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hải Phòng.
Với vai trò Tư lệnh Quân khu Tả ngạn (1957-1961), Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu 3 (1964-3/1967) rồi Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn (3/1967-5/1968), Thiếu tướng Hoàng Sâm "đã cùng các đồng chí lãnh đạo trong quân khu và các tỉnh ủy nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, xây dựng lực lượng, chỉ đạo tác chiến, đẩy mạnh chiếntranh nhân dân, lập nhiều thành tích to lớn góp phần cùng toàn dân, toàn quân chiến thắng đế quốc Mỹ (4).
Ngày 30/5/1968, Thường trực Quân ủy Trung ương ra quyết nghị thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Tư lệnh.
Ông đã cùng tập thể Khu ủy, mặt trận Trị Thiên lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân nơi đây từng bước khắc phục khó khăn, củng cố lực lượng đánh bại các cuộc càn quét của địch, khôi phục và phát triển thế là lực của cách mạng.
Tướng Hoàng Sâm "là một cán bộ chính trị, quân sự song toàn, có đạo đức, có tài năng, một đảng viên ưu tú của Đảng Lao động Việt Nam, một cán bộ chỉ huy giỏi của quân đội ta" (5).
Thiếu tướng Hoàng Sâm góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã có những đóng góp quan trọng vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, liên minh chiến đấu đặc biệt của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào.
Đầu năm 1947, là Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây tiến, ông chỉ đạo các đơn vị vừa tác chiến, vừa tuyên truyền vận động quần chúng và địch vận, giúp địa phương đẩy mạnh kháng chiến và giúp bạn Lào đẩy mạnh, tiến tới chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa để mở rộng khu vực tự do.
Cuối tháng 2/1947, ông chỉ đạo các đơn vị Tây Tiến đồng loạt tiến công các vị trí địch ở Ba Dom, Chiềng Công, Sốp Nao, Mường Pun, Mường Nao, Sầm Tớ...
Tháng 3/1947, Liên quân Lào - Việt bao vây Sầm Nưa, gây cho quân Pháp nhiều khó khăn và giam chân chúng ởmột số địa bàn quan trọng, tăng cường liên minh đoàn kết chiến đấu hai nước.
Năm 1953, là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 và Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã chỉ huy các đơn vị giành nhiều thắng lợi.
Đặc biệt, trong hai ngày 23-24/12/1953, liên quân Việt - Lào đã tiêu diệt nhiều đơn vị quân Pháp, khai thông Đường 12 và giải phóng các thị xã Nhommarát, Thà Khẹc, kiểm soát tỉnh KhămMuộn với diện tích hơn 40.000km² và hàng trăm nghìn dân.
Thắng lợi này góp phần phá vỡ phòng tuyến của quân Pháp ở Trung Lào, buộc chúng phải phân tán lực lượng cơ động ra các nơi, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần buộc thực dân Pháp ký hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền của ba nước Đông Dương.
Những năm 1961-1962, Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử làm Đoàn phó phụ trách quân sự Đoàn chuyên gia quân sự 959 giúp cách mạng Lào với bí danh Chăn Di. Với tính cách giản dị, gần dân, có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao, ông được lãnh đạo, nhân dân bạn hết sức kính trọng và tin cậy.
Trong chiến thắng Pha Đông ở Sầm Nưa năm 1961, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã phối hợp cùng lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Pathét Lào chỉ huy tác chiến hiệu quả, góp phần tiếp tục củng cố vững chắc sức mạnh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh ngày 15/1/1969, tại chiến trường Trị Thiên, khi đang thực hiện nhiệm vụ. Dù đang trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, thi hài Thiếu tướng Hoàng Sâm vẫn được đưa về Hà Nội và tổ chức tang lễ vào ngày 1/2/1969 tại Câu lạc bộ Quân nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh… đã đến viếng.
Thi hài Thiếu tướng Hoàng Sâm được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Sâm được tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng 1999), Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo dantri.com.vn