Trả lời bạn xem truyền hình ngày 23/6/2020

Thứ 6, 26.06.2020 | 09:51:00
945 lượt xem

Câu 1. Ông Triệu Văn Quang trú tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan hỏi: Tôi muốn được trợ giúp pháp lý miễn phí, vậy điều kiện để được trợ giúp pháp lý là gì theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Để được hưởng quyền trợ giúp pháp lý (TGPL), người có yêu cầu được TGPL cần phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

 1. Thuộc diện được trợ giúp pháp lý

Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý gồm có các diện sau đây:

- Người có công với cách mạng;

- Người thuộc hộ nghèo;

- Trẻ em;

- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính;

- Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính;

- Người cao tuổi có khó khăn về tài chính;

- Người khuyết tật có khó khăn về tài chính;

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính;

- Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính;

- Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính;

- Người bị nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.

Lưu ý: Điều kiện khó khăn về tài chính được xác định như sau: là người thuộc hộ cận nghèo hoặclà người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật (Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL).

2. Yêu cầu trợ giúp pháp lý phải có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý (Khoản 1 Điều 30 Luật TGPL).

3. Không thuộc các trường hợp bị từ chối.

Yêu cầu TGPL bị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý từ chối khi:

- Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

- Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

- Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

   Người được TGPL có thể tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:

  - Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (theo mẫu số 02-TP-TGPL Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP);

  - Giấy tờ chứng minh đối tượng là người được trợ giúp pháp lý (Ví dụ như: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, Giấy chứng nhận hộ nghèo do UBND xã cấp, Huân chương kháng chiến,... Đối với mỗi diện được TGPL yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ khác nhau để chứng minh thuộc diện TGPL đó);

  - Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý (ví dụ như: Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai của UBND xã, thông báo thụ lý vụ án, Quyết định khởi tố bị can,...).

* Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

 - Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu theo quy định; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu TGPL sẽ có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để người yêu cầu TGPL tự đọc hoặc người tiếp nhận đọc lại cho người yêu cầu nghe, người yêu cầu ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;

- Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu theo quy định, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

- Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Câu 3. Ông Hoàng Nam Thành trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội?

Trả lời:

Theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

 Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Quảng cáo thuốc không đúng với nội dung được xác nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo thuốc đang trong thời hạn xem xét, giải quyết hồ sơ theo quy định; quảng cáo thuốc theo tài liệu thông tin quảng cáo đã được xác nhận hết giá trị; quảng cáo thuốc khi chưa nộp hồ sơ đăng ký quảng cáo thuốc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

 Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo dỡ hoặc xóa bỏ quảng cáo.

Nhắn tin: trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của ông Đàm Văn Tươi trú tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia khiếu nại về việc giải quyết tranh chấp đất rừng của gia đình ông.

Vụ việc của ông đã được Tòa án nhân dân huyện Bình Gia xét xử ngày 21/11/2019, nếu ông chưa kháng cáo đối với bản án sơ thẩm thì ông có thể liên hệ tại Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 3, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh địa chỉ: đường 19/4, khu 2, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia để được hướng dẫn cụ thể.

  • Từ khóa