Câu 1. Ông Hoàng Văn Quyết trú tại xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định hỏi: Trình tự, thủ tục trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ? Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính như sau:
“8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định trả lại bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
2. Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện tiến hành các thủ tục sau:
a) Kiểm tra quyết định trả lại; kiểm tra Chứng minh nhân dân và giấy tờ khác có liên quan của người đến nhận.
Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu những người nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.
b) Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.
c) Lập biên bản trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Câu 2. Ông Ma Văn Mác trú tại xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan hỏi: Những trường hợp nào phải áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm:
1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
3. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.
Do đó, nếu từ dủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, và được bác sỹ hoặc y sỹ có thẩm quyền xác định là người nghiện ma túy thì phải áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
+ Bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do người nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
Câu 3. Ông Nông Văn Chi trú tại Xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập hỏi: Những đối tượng nào được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về hướng dẫn về chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sĩ thì đối tượng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe bao gồm:
1. Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm một lần:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên;
d)Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B (sau đây gọi chung là thương binh), bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên;
e) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ 81% trở lên;
g) Người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”.
2. Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng;
b) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
c) Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật dưới 81%;
d) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học dưới 81%;
đ) Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
e) Người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng.