Việt Nam- một điển hình về thành tựu của UNESCO

Thứ 7, 10.10.2020 | 15:04:50
761 lượt xem

Hơn 44 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã luôn cho thấy là một thành viên có trách nhiệm của UNESCO.

“Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa”, là lời khẳng định của Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam Michael Croft trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài TNVN.

Hơn 44 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã luôn cho thấy là một thành viên có trách nhiệm của UNESCO, với mục tiêu xây dựng hình ảnh của một đất nước Việt Nam mới, đậm đà bản sắc văn hóa, năng động và không ngừng vươn lên.

PV:  Là một thành viên của UNESCO từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật nhất mà Việt Nam đã đạt được trong vai trò là một quốc gia thành viên ?

Ông Micheal Croft: Năm 1976  khi mới gia nhập UNESCO, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh và giành được độc lập. Các bạn đã giành chiến thắng và đó là chiến thắng của văn hóa hòa bình. Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam.

Những nỗ lực thúc đẩy hòa bình cũng được thể hiện rất rõ khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình năm 1999. Đây là phần thưởng cho những chính sách đa dạng, thúc đẩy sự thịnh vượng với sự chung tay của tất cả người dân, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của giới trẻ. Một thành phố với kết cấu xã hội chặt chẽ và đa dạng.

Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam - Michael Croft .

Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam - Michael Croft .

PV: Ông vừa nhắc đến Hà Nội- thành phố được UNESCO trao danh hiệu thành phố vì hòa bình. Không chỉ vậy, Hà Nội cũng vừa được UNESCO trao danh hiệu thành phố sáng tạo. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc vừa bảo tồn các di sản lịch sử của Hà Nội nói riêng và của đất nước nói chung, lại vừa đảm bảo phát triển nền văn hóa hiện đại trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0?

Ông Micheal Croft: Tôi nghĩ Việt Nam là một trong những nước có đóng góp tích cực và ủng hộ cho những nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa. Các quốc gia đều có những di sản văn hóa, song điểm khác biệt là văn hóa Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử đất nước. Di sản ngoại giao văn hóa cũng góp phần giúp Việt Nam chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không chỉ có nhiều di sản văn hóa truyền thống mà còn nhiều văn hóa đương đại.

Tôi nghĩ cùng với việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, đã đến lúc phải phục hưng văn hóa trong thời đại mới. Đây cũng là một trong những lý do tôi rất quan tâm đến việc hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội “Thành phố sáng tạo” của thế kỷ 21 với tầm nhìn hướng về tương lai, phản ánh khát vọng quốc gia trở thành một thành viên năng động, sáng tạo, tích cực. Tôi nghĩ đây cũng là định hướng mà UNESCO tiếp tục hợp tác và đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới, phát huy các giá trị truyền thống được hun đúc từ hơn nghìn năm qua, đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại- kỷ nguyên văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa.

PV: Kỹ thuật số đang đặt ra cả những thách thức và cơ hội cho các hoạt động của UNECSO, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu về sự thay đổi. Vậy thì trong chiến lược quốc gia giai đoạn 2020-2021, UNESCO sẽ đặt những ưu tiên và thay đổi nào cho việc hợp tác với Việt Nam, thưa ông?

Ông Micheal Croft: Chiến lược của chúng tôi đó là xây dựng mối quan hệ đối tác vì sự tiến bộ, có nghĩa là tạo sự kết nối với các chính phủ, giữa chính phủ với các cộng đồng địa phương, với các lĩnh vực tư nhân, các trường đại học và các đối tác quốc tế về những vấn đề chính và lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO. Chúng tôi không nghĩ một tổ chức hoạt động hiệu quả khi chỉ là một nhà thực hiện dự án.

Việc Hà Nội được vinh danh là thành phố sáng tạo là một ví dụ rõ ràng nhất. Bởi nếu chúng ta sử dụng cách tiếp cận cũ, thì UNESCO sẽ chỉ quan tâm đến việc gây quỹ để thực hiện một dự án về sáng tạo ở Hà Nội. Tuy nhiên, bằng cách làm việc ở cấp độ chiến lược hơn, sử dụng “Thành phố sáng tạo” làm nền tảng, chúng tôi có thể kết nối chính phủ, trường đại học, khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế để biến Hà Nội thành một nguồn vốn sáng tạo. Vì vậy quan hệ đối tác vì sự tiến bộ chắc chắn sẽ là là chiến lược của chúng tôi trong thập kỷ tới.

PV: Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020. Vậy theo ông, điều gì đã tạo nên dấu ấn  Việt Nam trong việc triển khai các sáng kiến, chương trình hợp tác, cũng như đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO?

Ông Micheal Croft: Khi nói đến năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam chắc chắn chúng ta không thể không nhắc đến đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên điều thực sự  đáng khen ngợi là các chương trình nghị sự ưu tiên trong năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam không hề thay đổi ngoài việc chuyển cách thức tổ chức các cuộc họp sang hình thức trực tuyến.

Liên quan đến chương trình nghị sự của UNESCO, ASEAN cũng đã tổ chức nhiều hội nghị như phát triển du lịch bền vững, nguồn lực con người trong cách mạng 4.0, đẩy mạnh hợp tác đối tác nghị viện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á... Đây đều là những vấn đề ưu tiên của UNESCO. Vì vậy tôi nghĩ trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã giúp kết nối các nước thành viên ASEAN tiếp tục triển khai chương trình nghị sự của UNESCO trong khuôn khổ ASEAN. Tất cả những điều này đã góp phần thể hiện rõ vai trò của Việt Nam./.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông./.


Phạm Hà - Thu Hoài/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-mot-dien-hinh-ve-thanh-tuu-cua-unesco-784977.vov

  • Từ khóa