Gỡ nút thắt thể chế, tạo động lực phát triển

Thứ 3, 05.11.2024 | 08:31:58
299 lượt xem

Ngày 4-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.

Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu; xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát trong tầm kiểm soát, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn... là những đánh giá tích cực của đại biểu dành cho những nỗ lực điều hành của Chính phủ.

Gỡ nút thắt thể chế, tạo động lực phát triển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Kinh tế nổi lên nhiều điểm sáng bất chấp thách thức toàn cầu

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, hậu quả do bão số 3 và thiên tai, bão, lũ xảy ra tại miền Trung gây ra khá nặng nề. Tuy nhiên, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, KT-XH của đất nước tiếp tục phục hồi và phát triển.

Minh chứng cho nhận định này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong một thế giới nhiều bất ổn, lạm phát thế giới tăng cao, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định chính trị, KT-XH và lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua; bình quân từ năm 2015 đến nay, lạm phát được kiểm soát ở mức 3%; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay, tích lũy khoảng 100 tỷ USD; ước cả năm 2024 tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 7%... Bên cạnh đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, Chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc; đặc biệt, Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc và đứng thứ 17/194 quốc gia.

Bên cạnh nhiều điểm sáng, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của năm 2024 là 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm, trong khi giá vàng liên tục tăng. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn hạn chế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, một bộ phận khá lớn người dân có tâm lý bất ổn nên lựa chọn việc mua vàng để cất trữ.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) cho rằng, yếu tố cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm... Đại biểu đề xuất, việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng và nới lỏng chính sách tài khóa sẽ giúp tăng cường tiêu dùng trong nước, qua đó kích thích sản xuất và ổn định việc làm cho người dân, nhất là vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Gỡ nút thắt thể chế, tạo động lực phát triển
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Loại bỏ thủ tục rườm rà - sức cản lớn đối với doanh nghiệp

Đặc biệt quan tâm tới sức khỏe của doanh nghiệp, nhiều đại biểu góp ý cần có giải pháp tổng thể về thể chế để tạo động lực mới, nhất là thể chế cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao để tăng tốc phát triển...

Đề cập tới con số hơn 3.000 thủ tục hành chính (TTHC) được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát) trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 8-2024, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, đây là con số rất lớn, mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học.

Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua. "Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các TTHC rồi lại rà soát để cắt giảm, giải pháp hiệu quả nhất là tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp...”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.

Cùng đề cập tới vấn đề TTHC, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cho rằng, việc giải quyết TTHC ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết TTHC giữa các bộ, ngành. Do vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết TTHC để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Về vấn đề điều kiện kinh doanh, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho biết, nhiều doanh nhân phản ánh về những rủi ro, khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp do các điều kiện kinh doanh quá khắt khe, quá mức cần thiết. Vì vậy, thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp khác như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp hoặc quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường. Cùng với đó, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu cũng đánh giá cao trong kỳ họp này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách. “Đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển và sự quyết tâm từ bỏ tư duy không quản được thì cấm và phòng, chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần định hướng của Trung ương; đồng thời cũng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là có thể thực hiện được”, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.

Gỡ nút thắt thể chế, tạo động lực phát triển
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Đào tạo nguồn nhân lực để bứt phá

Nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, công nghệ mũi nhọn cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Ghi nhận tốc độ tăng NSLĐ xã hội sau 3 năm không đạt, đến năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, NSLĐ và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển KT-XH, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế.

“Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng NSLĐ và yếu tố quan trọng để tăng NSLĐ là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý”, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh.

Khẳng định Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, song đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực. Do vậy, Chính phủ cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn; có chính sách ưu đãi thúc đẩy hợp tác công tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý và vận hành các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực này...

Giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu nêu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh chú trọng đào tạo nhân lực đại trà thì Việt Nam chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nước ta phấn đấu đến cuối năm 2025 nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Do vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung vào 2 đề án lớn với một số vấn đề cơ bản. Đó là đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề án phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Cùng với đó, quan tâm phát triển chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công; trong đào tạo đại học thì chú trọng nghiên cứu khoa học, lấy tự chủ đại học là khâu đột phá; trong giáo dục nghề nghiệp thì tập trung đổi mới theo hướng mở linh hoạt, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-nut-that-the-che-tao-dong-luc-phat-trien-801641

  • Từ khóa