Bí quyết "nằm lòng" khi làm bài thi môn tổ hợp xã hội

Thứ 2, 24.06.2024 | 08:58:39
390 lượt xem

Phân bổ thời gian hợp lý, học theo sơ đồ tư duy, không chủ quan để mất điểm với câu hỏi dễ…, đây là một trong những lời khuyên của giáo viên tại Hà Nội về bài thi môn tổ hợp xã hội.

Làm rõ đặc điểm nổi bật từng giai đoạn lịch sử

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Huế (thủ khoa đầu vào, Á khoa đầu ra Khoa Sư phạm lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), học sinh cần chú ý ôn tập, bám sát đề thi do Bộ GD&ĐT đưa ra, trọng tâm phần lịch sử lớp 12, ngoài ra chú ý đọc lại các kiến thức cơ bản của lớp 11.

Để ôn tập hiệu quả và làm chủ bài thi, học sinh nên chú ý một số các phương pháp: Làm chủ các sự kiện, nhân vật, hiện tượng lịch sử cơ bản, các nhân vật, sự kiện lịch sử là yếu tố cơ bản của lịch sử.

Khi học, các em cần đặt sự kiện, nhân vật vào đúng thời gian, không gian để phân tích những vai trò, tác động hoặc các sự kiện, nhân vật liên quan; nắm vững các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội để có phân tích lựa chọn chính xác cho các câu hỏi; làm rõ đặc điểm riêng, nổi bật của từng giai đoạn thời gian trong lịch sử.

Bí quyết nằm lòng khi làm bài thi môn tổ hợp xã hội - 1

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Huế (Ảnh: Hà Lê).

Thay vì học thuộc lòng, các em nên học theo các từ khóa lịch sử cơ bản đặc trưng của từng chuyên đề, từng giai đoạn, từng bài; theo sơ đồ tư duy lịch sử, timeline (dòng thời gian) các sự kiện, giai đoạn lịch sử.

Học sinh có thể áp dụng sơ đồ tư duy để học về những sự kiện lịch sử, hoặc học theo motip (công thức tượng trưng) nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa…; So sánh, đối chiếu điểm giống nhau và khác nhau của những nội dung lịch sử tương đồng theo nội dung và theo giai đoạn. 

Thí sinh không đọc kỹ câu hỏi dẫn đến hiểu sai yêu cầu; chủ quan ở những câu hỏi dễ, cơ bản dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc; không chú ý đến các câu hỏi phủ định dẫn đến lựa chọn sai; phân bố thời gian làm bài thi không hợp lý giữa các câu hỏi…

5 lỗi thường gặp khi làm bài thi địa lý

Cô Lê Phượng Loan, giáo viên địa lý, Trường trung học Vinschool cho biết, phạm vi ôn tập môn này tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12, về địa lý Việt Nam.

Ngoài các phần kiến thức về tự nhiên, dân cư, kinh tế, nhóm kĩ năng rất quan trọng cần được thường xuyên rèn luyện và ôn tập là sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, làm việc với bảng số liệu (xử lý số liệu, nhận xét bảng số liệu), làm việc với biểu đồ (nhận diện biểu đồ, xác định nội dung của biểu đồ, nhận xét biểu đồ). Được phép sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để làm bài là một lợi thế lớn để các thí sinh có thể giành trọn điểm các câu sử dụng Atlat và nhiều câu hỏi khác.

Cũng theo giáo viên này, khi làm bài thi địa lý, thí sinh hay gặp một số lỗi cơ bản. Thứ nhất, chỉ tập trung làm bài trên đề mà không chú ý thời gian dẫn đến còn quá ít giờ để tô trắc nghiệm.

Bí quyết nằm lòng khi làm bài thi môn tổ hợp xã hội - 2

Cô Lê Phượng Loan, giáo viên địa lý (Ảnh: Hà Lê).

Thứ hai, các em bỏ trắng không tô các câu trắc nghiệm do không tìm được đáp án đúng. Lời khuyên chuyên gia này đưa ra, thí sinh cần hoàn thành việc chọn đáp án cho tất cả các câu trắc nghiệm để không bỏ qua cơ hội có điểm bởi cho dù câu khó hay dễ đều có mức điểm như nhau, tránh sa đà vào các câu khó để mất điểm câu dễ.

Nguyên tắc thứ 3, câu dễ các em làm trước, câu khó làm sau, phân bổ thời gian hợp lý cho mỗi câu, luôn để khoảng 5 đến 10 phút cuối giờ để rà soát phiếu trả lời.

Lỗi thứ 4, các em đọc không kĩ các câu dẫn và đáp án, đặc biệt là các câu dẫn có từ, cụm từ phủ định như "không", "không phải", "chưa", "chưa chính xác", "thiếu chính xác" dẫn đến trả lời sai.

Lỗi thứ năm, thiếu tự tin vào bản thân, liên tục chỉnh sửa đáp án dẫn đến lo lắng không đáng có. Khi làm bài ở mỗi câu, các bạn hãy gạch chân từ khóa để tiếp cận nhanh nhất với yêu cầu của đề bài.

Đề thi Giáo dục Công dân sẽ tăng cường vận dụng thực tiễn

Thầy Trần Văn Năng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, đề thi năm 2024 sẽ có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dựa trên đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2024 có thể thấy, đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 chiếm tới 90% và 10% lớp 11, ổn định như đề thi năm 2023.

Các câu hỏi trong đề chủ yếu nhận biết, thông hiểu (khoảng 75%). Các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao chiếm khoảng 25%. Đề thi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, hợp lý, khoa học, có phân hóa.

Bí quyết nằm lòng khi làm bài thi môn tổ hợp xã hội - 3

Thầy Trần Văn Năng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: Hà Lê).

Nội dung đề thi chính thức năm 2024 theo như hàng năm sẽ bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT nên học sinh cần lưu ý các ý chính sau:

Lớp 11: tập trung vào phần học kì I: Công dân với kinh tế, cụ thể các nội dung sau: Công dân với sự phát triển kinh tế; Hàng hóa - Thị trường - Tiền tệ; Quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hóa; Cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa; Cung- cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa

Lớp 12: các câu hỏi trong đề thi trải từ bài 1 đến bài 9, không có câu hỏi thuộc phần giảm tải, những nội dung sau thường tập trung nhiều câu hỏi: Thực hiện pháp luật; Công dân bình đẳng trước pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội; Công dân với các quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền dân chủ

Trong quá trình làm bài, thí sinh hay mắc phải những lỗi dưới đây: Các câu hỏi về tình huống đòi hỏi khả năng tư duy logic của học sinh, vì thế đa phần các em hay gặp khó khăn khi xử lý những câu hỏi này.

Khi gặp dạng câu hỏi trên, thí sinh cần đọc kỹ đề bài, gạch chân từ khóa, xác định trọng tâm vấn đề cần trả lời. Sau đó, các em phân tích đáp án đưa ra, có thể dùng phương pháp loại trừ đáp án không liên quan, từ đó đi đến lựa chọn đáp án chính xác nhất.

Các em thường chủ quan và dễ mất điểm ở những câu nhận biết, thông hiểu. Các em lưu ý rằng các câu hỏi đều có điểm số bằng nhau nên tránh tình trạng chủ quan để mất điểm câu dễ hoặc quá tập trung vào các câu khó để mất điểm một cách đáng tiếc.

Khi xử lý 30 câu đầu của đề, học sinh thường chủ quan và nhanh chóng đưa ra lựa chọn là các đáp án "quen mắt" hoặc chỉ lướt qua 1-2 từ đầu đã vội vàng chọn đáp án. Điều này dễ khiến các em mất điểm. Vì vậy với bất kì câu hỏi nào, học sinh cũng cần đọc kỹ đề bài, soát lại đáp án sau khi làm bài.

Khi làm bài, các em thường dễ nhầm lẫn giữa các đơn vị kiến thức tương đương hoặc gần giống nhau. Ví dụ 4 hình thức thực hiện pháp luật, 4 loại vi phạm pháp luật; các quyền tự do cơ bản; các quyền dân chủ cơ bản của công dân ..., Do đó, học sinh nên lập bảng so sánh để dễ dàng phân biệt, hoặc xác định các từ khóa của mỗi đơn vị kiến thức để tránh nhầm lẫn.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/bi-quyet-nam-long-khi-lam-bai-thi-mon-to-hop-xa-hoi-20240622115103729.htm

  • Từ khóa