TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages, tạm dịch: "Dạy tiếng Anh cho người nói các ngôn ngữ khác) hiện là tấm bằng không thể thiếu của mỗi giáo viên tại các trung tâm Anh ngữ. Tuy nhiên, ngoài "điều kiện cần" trên, các trung tâm thường đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe khác với đội ngũ giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ phía các cơ quan quản lý.
Các bạn trẻ đam mê sự nghiệp giảng dạy tiếng Anh nghiên cứu tài liệu bên lề hội thảo.
Với nhu cầu lớn về đội ngũ giáo viên tiếng Anh được đào tạo nghiệp vụ giảng dạy bài bản, các chương trình đào tạo TESOL thời gian qua đã nở rộ và phát triển nhanh chóng tại nước ta.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Chủ tịch Hội TESOL thành phố Hồ Chí Minh), để theo đuổi và phát triển sự nghiệp giảng dạy tiếng Anh (đặc biệt là với những bạn trái ngành), bên cạnh kiến thức và kỹ năng chuyên môn, cần những định hướng, lộ trình cụ thể, nhất là chia sẻ từ các thầy cô, đồng nghiệp đi trước và cả nhà tuyển dụng.
Tại sự kiện đầu tiên trong chuỗi hội thảo "Navigating your TESOL future" (tạm dịch: "Định vị tương lai với tấm bằng TESOL") do Hội TESOL thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề "Insights from employers" (tạm dịch: "Các CEO tiết lộ "bí kíp" để được tuyển dụng", các diễn giả đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan như phương pháp sư phạm, cập nhật xu hướng, yêu cầu và thị hiếu thị trường cũng như các kỹ năng cần thiết để các bạn trẻ có thể theo đuổi con đường nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh.
Các diễn giả đưa ra quan điểm về con đường trở thành giáo viên tại các trung tâm Anh ngữ của bạn trẻ hiện nay. |
Không có chỗ cho tư tưởng "hết giờ là hết việc"
Phần tọa đàm của hội thảo trên có sự xuất hiện của 3 diễn giả: Thạc sĩ Nguyễn Phước Lân (Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Tin học, Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh), Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương (CEO Hệ thống Anh ngữ và Kỹ năng sống cho trẻ em, Gee - O English), Thạc sĩ Lê Đình Lực (Nhà sáng lập kiêm CEO DOL English - Hệ thống Học viện tiếng Anh tư duy hàng đầu tại Việt Nam).
Chia sẻ tại tọa đàm, Thạc sĩ Lê Đình Lực khẳng định: một giáo viên tiếng Anh trong bối cảnh hiện nay cần có IELTS ít nhất đạt 8.0, kỹ năng sư phạm tốt và một số chứng chỉ, bằng cấp liên quan đến ngôn ngữ hoặc khoa học. Đặc biệt, giáo viên tiếng Anh là người phải có tâm với học sinh và với nghề, chấp nhận làm ngoài giờ để đồng hành với học viên thay vì tư tưởng "hết giờ là hết việc".
Đặc biệt, tại DOL English, giáo viên còn phải vượt qua một khóa đào tạo đặc biệt, có tư duy logic và kiến thức công nghệ tốt để làm chủ phương pháp Linearthinking độc quyền cũng như hệ thống tự học trực tuyến DOL Super LMS.
Thạc sĩ Lê Đình Lực chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. |
Đồng tình với ý kiến trên, các diễn giả cho rằng, nếu thật sự có động lực, nội lực mạnh và chỉ số EQ cao, bạn trẻ có mong muốn trở thành giáo viên tiếng Anh hãy là chính mình, đồng thời luôn chú ý "gạn lọc" khuyết điểm, phát huy ưu điểm nếu muốn hướng tới một sự nghiệp phát triển, bền vững.
Cũng tại hội thảo, cùng với việc “phác họa” chân dung người giáo viên tiếng Anh mà cả các đơn giáo dục và học viên đang tìm kiếm, các diễn giả còn đề ra giải pháp nâng cao thu nhập dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường giảng dạy tiếng Anh; nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiếng Anh trong thời gian tới.
Theo nhandan.vn