Sinh ra với căn bệnh mù bẩm sinh khiến Tiêu Phương Anh gặp nhiều khó khăn trong học tập. Thế nhưng vượt lên những khó khăn, nữ sinh luôn nỗ lực, quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà báo.
Con đường học tập gập ghềnh
Tiêu Phương Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Từ khi 7 tháng tuổi nữ sinh đã bị chẩn đoán teo dây thần kinh thị giác dẫn đến mù cả hai mắt. Dù đã tìm kiếm nhiều phương pháp chữa trị nhưng đôi mắt của cô vẫn không thể nhìn thấy ánh sáng.
Nếu như những đứa trẻ khác lớn lên với tuổi thơ vui chơi vô lo nghĩ thì Phương Anh dùng những năm tháng thơ ấu để học kỹ năng tự phục vụ bản thân. Được đặt chân vào lớp 1 tại trường dành cho trẻ khiếm thị là khi cô đã 12 tuổi.
Nhờ sự nỗ lực trong học tập, hết cấp 1 Phương Anh được chuyển sang trường bình thường. Môi trường học tập thay đổi, giáo viên giảng dạy nhanh hơn, kiến thức nâng cao hơn khiến Phương Anh gặp nhiều khó khăn nhưng nữ sinh luôn cố gắng vượt lên những trở ngại. Phương Anh dành nhiều thời gian để học, không chép được bài trên lớp, nữ sinh chủ động mua thêm sách nhờ bà đọc và ghi chép bằng chữ nổi.
Tiêu Phương Anh (bên trái) là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG HN (Ảnh NVCC).
Những năm tháng học cấp 2 của Phương Anh không tránh khỏi sự trêu ghẹo của bạn bè vì sự khác biệt của mình. Không chỉ vậy, nữ sinh còn nhận được những lời nói không hay từ hàng xóm nhưng cô vẫn kiên cường theo đuổi con đường học tập và luôn nghĩ rằng nhất định phải học đại học.
Tốt nghiệp cấp 3 với kết quả xuất sắc, tuy nhiên, lo ngại điểm chuẩn ngành báo chí cao, nữ sinh quyết định chọn ngành văn hóa học để chắc chắn mình sẽ đỗ đại học.
Sau hai năm học tập với chuyên ngành văn hóa học và thấy kết quả ổn định, Phương Anh dần tự tin hơn để theo đuổi ngành học mình mơ ước từ nhỏ, quyết định đăng ký học bằng kép báo chí.
Lịch trình học tập ở đại học của Phương Anh rất bận rộn, một kỳ học từ 30 tín chỉ trở lên, có những ngày học từ 7h đến 18h. Không có sách nổi, Phương Anh phải tìm cách tiếp cận những bản có PDF và sử dụng phần mềm hỗ trợ đọc hay nhờ bạn bè scan từng trang sau đó đổi sang định dạng PDF để học.
Nữ sinh luôn sẵn sàng đi tác nghiệp và chăm chỉ viết bài (Ảnh NVCC)
Yêu nghề báo và quyết tâm trở thành phóng viên
Yêu thích báo từ những ngày học cấp 1, Phương Anh chia sẻ: "Mỗi lần cầm điện thoại, máy tính, mình chắc chắn sẽ tìm đọc báo. Đọc những bài báo về giải trí và nghệ thuật giúp mình hình dung ra thế giới sắc màu ngoài kia".
Trong quá trình học báo chí, trên lớp nữ sinh nghe giảng rồi viết xuống bằng chữ nổi hoặc ghi âm, về nhà nghe lại bài giảng trên lớp và tự ghi chép theo cách của mình. Phương Anh thường xuyên đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, tác phong đi học chỉn chu, luôn đến sớm và ngồi bàn đầu tiên. Điểm trung bình học tập kỳ gần nhất chuyên ngành báo chí đạt 3.9/4.
Mới đây, Phương Anh dành được giải khuyến khích nghiên cứu khoa học học sinh, sinh viên cấp viện với chủ đề podcast. Đây cũng là đề tài liên quan đến giáo dục và giải trí truyền thông, một khía cạnh của báo chí.
"Trở thành con người mình muốn trở thành" chính là câu nói để hình dung khi Phương Anh được học ngành đam mê của mình, gần như không có rào cản nào trong học tập nữa, nữ sinh kết bạn nhiều hơn, đi nhiều hơn.
Nữ sinh tâm sự: "Khi vào đại học, mặc dù đã cố gắng nhưng mình vẫn rụt rè khá nhiều, mình cũng không kết bạn được với nhiều bạn bè đại học. Nhưng đến khi học bằng kép, mình mạnh dạn hơn, trở thành một con người khác, tìm được năng lượng tích cực và kết bạn được với những người cùng tần số".
Lớn lên cùng đôi mắt không ánh sáng nhưng Tiêu Phương Anh không xem khuyết điểm của mình là rào cản để học báo. "Mình sẵn sàng tác nghiệp, tới dự sự kiện và lấy thông tin như những phóng viên khác", Phương Anh nói.
Mặc dù không nhìn thấy nhưng cô rất chăm chỉ viết bài và tham gia các sự kiện. Trước khi tham gia sự kiện, nữ sinh chủ động liên hệ với ban tổ chức sự kiện đó, đọc những bài viết về sự kiện để hình dung ra khung cảnh sự kiện, khảo sát địa điểm để có thể di chuyển tới nơi một cách an toàn nhất.
Tiêu Phương Anh tại triển lãm "Dân gian trong gen Z" (Ảnh NVCC)
Là sinh viên khiếm thị nhưng Phương Anh không bao giờ than thở hay lấy khiếm khuyết của mình để được ưu tiên, nữ sinh luôn chủ động nhờ sự hỗ trợ từ thầy cô trong việc tìm kiếm tài liệu và kết nối với các ban thực tập.
Phương Anh cho hay: "Mình muốn hoạt động báo chí như những bạn phóng viên bình thường, không muốn mọi người e dè vì mình là người khiếm thị nên giao việc nhẹ, mình tự tin có thể làm tốt vai trò của một phóng viên".
Dù thất bại nhưng không nản chí, Phương Anh đã viết rất nhiều về mục giải trí và từng gửi bài viết tới chuyên mục giải trí của báo pháp luật, tuy không được nhận nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, nữ sinh vẫn tiếp tục tham gia các sự kiện và viết báo gửi tới những tòa soạn khác.
"Quan trọng nhất để theo đuổi ước mơ là phải dám đứng lên hành động", đây là câu nói theo Phương Anh suốt hành trình theo đuổi ngành báo chí. Đã từng có nhiều người nói với nữ sinh không thể theo đuổi ngành học này, nhưng nữ sinh lại không hề nao núng.
"Khi mình đã quyết tâm theo đuổi đam mê rồi thì mình sẽ cố gắng thực hiện đến cùng, không để những lời gièm pha ảnh hưởng tới bản thân", nữ sinh chia sẻ.
Dám mơ ước, dám thực hiện là điều Phương Anh muốn gửi đến những bạn còn lo sợ khiếm khuyết sẽcản trở con đường học báo. Quan trọng là có ước mơ và kiên trì theo đuổi sẽ nhận được sự yêu thương và công nhận từ mọi người, cũng đừng vì lo lắng khuyết điểm của bản thân mà bỏ lỡ những cơ hội thực hiện ước mơ.
Theo dantri.com.vn