Sinh viên thiết kế mỹ thuật số dùng công nghệ kể chuyện lịch sử

Thứ 4, 24.07.2024 | 08:35:37
362 lượt xem

Mỗi viên gạch mang trong mình một câu chuyện về sự giao thoa văn hóa qua nhiều thế kỷ, đặc biệt là thời kỳ thuộc địa Pháp, đã được nhóm sinh viên chọn làm nhân vật chính tại Triển lãm Nghệ thuật Thị giác "Patterndown - Họa tiết dưới chân".

Triển lãm Nghệ thuật Thị giác Patterndown do Nguyễn Trường An và Bùi Phúc Thịnh tổ chức gây chú ý cho những người quan tâm tới mỹ thuật và lịch sử dân tộc. Nhân vật chính của buổi triển lãm là những viên gạch bông mang màu sắc hoài cổ, gợi nhớ về những năm 2000 trở về trước.

Sinh viên thiết kế mỹ thuật số dùng công nghệ kể chuyện lịch sử - 1

Hai sinh viên chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ.

Gạch bông không chỉ là vật liệu xây dựng phổ thông mà còn là một phần quan trọng của kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở Việt Nam. Mỗi viên gạch mang trong mình một câu chuyện về sự giao thoa văn hóa qua nhiều thế kỷ, đặc biệt là thời kỳ thuộc địa Pháp, đã truyền cảm hứng sáng tạo cho các nam sinh.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, hai sinh viên Thiết kế Mỹ thuật số Trường ĐH FPT quyết định chọn kết hợp yếu tố công nghệ hiện đại với nghệ thuật truyền thống, tái hiện các họa tiết sống động và tạo ra trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan bằng công nghệ Projection Mapping. Điều này không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp khán giả hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa và lịch sử của gạch bông.

Sinh viên thiết kế mỹ thuật số dùng công nghệ kể chuyện lịch sử - 2

Patterndown tôn vinh giá trị văn hóa của họa tiết gạch bông truyền thống Việt Nam.

Trong 4 tháng triển khai dự án, nhóm dành nhiều công sức, thời gian nghiên cứu thực địa tại các công trình kiến trúc Pháp nổi bật, nhà ở và tôn giáo tại các thành phố lớn như TPHCM, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre... để tìm kiếm và chụp ảnh các mẫu gạch bông. Thế nhưng, khâu khó khăn nhất lại nằm ở bước phân loại và phát triển nội dung.

Theo An, để đưa ra các nhận định về giá trị lịch sử, văn hóa của các họa tiết gạch bông yêu cầu sự tỉ mỉ và hiểu biết sâu rộng về mỹ thuật, lịch sử. Trong khi đó, nguồn tài liệu tiếng Việt rất hạn chế, còn các nguồn nước ngoài lại có số lượng quá lớn nên việc chọn lọc tài liệu uy tín là một thách thức rất lớn. Sau nhiều ngày nỗ lực, nhóm đã hoàn thành kịp tiến độ để ra mắt dự án đúng ngày bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp.

Sinh viên thiết kế mỹ thuật số dùng công nghệ kể chuyện lịch sử - 3

Patterndown gây ấn tượng với giới chuyên môn và công chúng trẻ bởi hình thức biểu hiện chất liệu văn hóa mới mẻ.

"Tuy không phải triển lãm Nghệ thuật Thị giác về nghệ thuật gạch bông đầu tiên trong cộng đồng nhưng "Patterndown - Họa tiết dưới chân" lại có sự khác biệt rõ rệt khi ứng dụng công nghệ Projection Mapping, tạo ra một trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan, kể lại câu chuyện lịch sử và văn hóa thông qua những hiệu ứng mới mẻ, tạo nên không gian nghệ thuật đầy màu sắc và sống động, kết nối mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại", Thịnh chia sẻ.

Sinh viên thiết kế mỹ thuật số dùng công nghệ kể chuyện lịch sử - 4

Dự án tiếp tục giành ngôi vị Quán quân tại cuộc thi Thiết kế đồ họa FPT Edu Color Up 2024.

Ngày càng nhiều bạn trẻ đi triển lãm nghệ thuật nhờ những ứng dụng công nghệ như Projection Mapping. Trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật số, đây là một minh chứng cho khả năng kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại, mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới, giúp các nhà thiết kế tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn hơn. Projection Mapping cũng cho thấy tiềm năng trong việc tạo trải nghiệm tham quan hấp dẫn và tương tác tại các bảo tàng và triển lãm.

Sinh viên thiết kế mỹ thuật số dùng công nghệ kể chuyện lịch sử - 5

Patterndown nhận được đánh giá tích cực từ các nghệ sĩ, chuyên gia trong ngành với nhiều lời hẹn hợp tác phát triển dự án.

Hiện tại, Thịnh và An đều hài lòng với con đường mà mình đang theo đuổi. Nếu như Thịnh được thỏa sức học hỏi, sáng tạo tại một công ty truyền thông và tổ chức sự kiện; thì An lại mong muốn phát triển cao hơn với các chương trình sau đại học cũng như các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo.

Cả hai đều tin rằng, với kiến thức được bồi đắp từ Trường ĐH FPT cùng sự nỗ lực của bản thân sẽ tạo ra những sản phẩm thiết kế mang đậm cá tính riêng và được yêu thích.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/sinh-vien-thiet-ke-my-thuat-so-dung-cong-nghe-ke-chuyen-lich-su-20240723134052115.htm

  • Từ khóa