Thương các học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã vùng 3 Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro (Gia Lai) cuộc sống còn nhiều khó khăn, con đường học tập đầy chông gai... cô giáo Lê Thị Ngọc Linh, sinh năm 1994 đã tình nguyện về đây dạy học, truyền cảm hứng học tập và nuôi dưỡng ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em.
Cô Linh tâm sự rằng, từ nhỏ được theo mẹ vào các làng DTTS của xã Đăk Pơ Pho thu mua nông sản và ấn tượng mãi hình ảnh các bạn cùng trang lứa với mình cơm ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc, có nhiều bạn không được đi học do cuộc sống quá khó khăn. Cô và mẹ nhiều lần xin quần áo cũ, giặt sạch rồi mang vào tặng các bạn nhỏ. Những mảnh áo cũ đã giúp các bạn nhỏ nghèo vượt qua cái lạnh của mùa đông, sưởi ấm tâm hồn trẻ thơ và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo trong cô bé Linh cũng lớn lên từ đó.
Để thực hiện ước mơ của mình, Linh đã thi và đỗ vào Trường Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành giáo dục tiểu học. Năm 2017, Linh thi đỗ vào biên chế và tình nguyện nhận công tác tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho). Cuộc sống và công việc của cô giáo trẻ ở một trường vùng 3 không chỉ xa gia đình mà còn vô vàn khó khăn khác: Những năm đầu, trường còn chưa có điện, cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh thiếu đói nên bỏ học để mưu sinh... tất cả như một ngọn núi cao mà Linh phải bước qua.
Cô giáo Lê Thị Ngọc Linh sáng tạo, tâm huyết truyền cảm hứng học tập cho học sinh trong mỗi giờ lên lớp. |
Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, cô giáo Linh cho rằng, học sinh bỏ học nhiều là vì cuộc sống quá khó khăn và việc học chưa tạo được sức hút, sự hấp dẫn cho các em, cũng như các gia đình. Vì vậy, vấn đề đầu tiên là phải thu hút được học sinh đến trường, điều này cần sự đồng thuận, hỗ trợ của nhà trường, gia đình và chung tay của toàn xã hội. Cô Linh cùng với các thầy cô tiến hành vận động nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, bữa ăn trưa, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập giúp các em. Mặt khác, cô thường xuyên đến các làng, vào tận nương, rẫy tuyên truyền, vận động nhiều gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường. Cô phải tự học tiếng và văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Ba Na để nâng cao kỹ năng sư phạm, kỹ năng tuyên truyền. Bằng tấm lòng chân thành và tình yêu thương học trò, cô Linh đã thuyết phục được nhiều gia đình cho con em trở lại trường học.
Cô Linh cũng là người có những sáng kiến được ứng dụng vào nâng cao chất lượng dạy và học ở trường, tiêu biểu như sáng kiến “Một số biện pháp rèn phát âm chuẩn cho học sinh lớp 1” đã giúp các em không chỉ hứng thú học môn Tiếng Việt mà còn chủ động trong tiếp thu kiến thức. Số học sinh phát âm chuẩn, đọc tiếng Việt rõ ràng, lưu loát đạt tỷ lệ cao. Mới tiếp xúc, mọi người chỉ biết Linh là một giáo viên tâm huyết với nghề, hết mực yêu thương học trò, ít ai biết cô phải nén nỗi đau mất con trai 3 tuổi vì tai nạn đuối nước để tận hiến cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn. Linh ít khi nói về gia đình mình, cô dành hết tình cảm, tâm tư cho học sinh mà cô xem như con đẻ của mình.
Bà Đinh Thị HNghê, ở xã Đăk Pơ Pho xúc động: “Cháu tôi là Đinh Núc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hiện cháu đang ở với tôi nhưng năm nay tôi đã hơn 70 tuổi, không đi làm thuê được, chỉ loanh quanh kiếm rau, măng cải thiện bữa ăn. Nhờ có cô Linh kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm cho cháu dụng cụ học tập, sách vở, quần áo, lâu lâu cô còn cho thêm tiền nên cuộc sống của hai bà cháu cũng đỡ khó khăn hơn. Hai bà cháu biết ơn cô Linh rất nhiều”.
Anh Đỗ Đức Thanh, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết, cô giáo Lê Thị Ngọc Linh được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Gia Lai trao tặng bằng khen gương “người tốt, việc tốt” tiêu biểu tháng 4-2024 và đại diện cho tỉnh Gia Lai tham gia Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Đây là năm thứ 10 chương trình được tổ chức, đánh dấu cột mốc “10 năm vì hành trình dạy-học hạnh phúc”. Chương trình có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tôn vinh các thầy giáo, cô giáo, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Với gần 8 năm gắn bó, yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ các học sinh đồng bào DTTS ở xã đặc biệt khó khăn Đăk Pơ Pho, những câu chuyện đẹp về tình thầy trò của cô giáo Lê Thị Ngọc Linh góp phần lan tỏa lối sống đẹp của thanh niên Việt Nam và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc trong cộng đồng xã hội.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/tinh-thay-tro-o-dak-po-pho-803292