Sau khi một thí sinh từng giành chiến thắng cuộc thi tháng Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” có những phát ngôn lệch chuẩn gây bức xúc dư luận, có người bày tỏ nuối tiếc về “sự nông nổi của một nhân tài trẻ tuổi”. Đó là một nhận định phiến diện, thiếu cơ sở khoa học.
Theo chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, học sinh thông minh chưa chắc là người tài. Thời gian qua, nhiều phụ huynh và người dân quan niệm rằng, các em học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi và giành chiến thắng trong gameshow truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia” phát sóng trên VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) là nhân tài của đất nước.
![]() |
Các đại biểu thanh niên dự Đại hội IX Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN |
Cùng chung nhận định trên, nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục cũng cho rằng không nên đánh đồng giữa học sinh có trí thông minh với nhân tài của đất nước. Cho dù người tài năng trước hết phải là người có trí tuệ thông minh và khi xem xét, đánh giá người tài thì không thể không coi trọng chỉ số thông minh (IQ), nhưng IQ không phải là chỉ số duy nhất quyết định đến giá trị đích thực của nhân tài. Thông thường, người có trí thông minh hội tụ đủ 4 yếu tố của trí nhớ là nhớ nhanh, nhớ nhiều, nhớ đầy đủ, nhớ chính xác, tức là người có tốc độ nhớ tốt, khối lượng nhớ tốt, năng lực nhớ tốt và mức độ nhớ tốt. Thực ra, Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” chủ yếu đánh giá được trí thông minh logic của thí sinh, chứ chưa đánh giá được tài năng toàn diện của các em.
Thực tế cho thấy, đối với một người tài, ngoài chỉ số thông minh thì nhất thiết phải có các chỉ số cảm xúc và sáng tạo. Điều này cũng phù hợp với hệ thống nhận diện, phát hiện, phát triển tài năng của quốc tế. Theo thông tin từ nhóm chuyên gia của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, những nhân tài tiềm năng trên thế giới muốn đánh giá chính xác phải được đo lường qua các trắc nghiệm về chỉ số IQ, chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số vượt khó (AQ), chỉ số đam mê (PQ), chỉ số sáng tạo (CQ)...
Việc khẳng định học sinh đoạt giải cao trong một cuộc thi kiến thức chưa chắc là người tài hoàn toàn có cơ sở khoa học. Bởi lẽ, người tài thật sự chỉ bộc lộ tài năng của mình bằng niềm đam mê lao động, học tập, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vươn tới làm chủ khoa học-công nghệ, có những sáng kiến, sáng chế, phát minh mà người bình thường không thể làm được; đồng thời phải là người dấn thân trong hoạt động sáng tạo, biết khắc phục khó khăn, có ý thức thấu cảm, chia sẻ với cộng đồng và tự nguyện dâng hiến tâm huyết, trí tuệ, sức lực, thành quả lao động của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nói cách khác, muốn đánh giá chính xác nhân tài thì phải xem xét cụ thể sản phẩm, công trình, chương trình, đề án của họ có mang lại giá trị ưu việt, nổi trội và lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đất nước hay không.
Những năm qua, có nhiều cuộc thi kiến thức, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, sinh viên. Tổ chức các cuộc thi đó cũng không ngoài mục đích tạo sân chơi lành mạnh và thúc đẩy tinh thần học tập tích cực của các em, qua đó góp phần phát hiện những triển vọng tài năng tương lai cho đất nước. Việc khuyến khích học sinh giỏi tham gia các cuộc thi kiến thức là cần thiết và việc các em đoạt giải cao cũng rất đáng ghi nhận, trân trọng. Tuy vậy, chúng ta không nên coi những học sinh, sinh viên có tố chất, trí tuệ thông minh và đoạt giải cao trong cuộc thi kiến thức là nhân tài của đất nước, rồi đặt lên vai các em những kỳ vọng lớn lao, từ đó tạo ra áp lực vô hình không đáng có cho các em, thậm chí khiến nhiều em “sống trong hào quang giả tạo” rồi tự ảo tưởng về bản thân mình, lợi bất cập hại.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nguoi-thong-minh-chua-han-la-nhan-tai-815986