Thời tiết nắng nóng, số lượng người cao tuổi nhập viện gia tăng. Trong đó không ít trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời điểm nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng 150% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày có khoảng 30-40 bệnh nhân nhập viện. Trong đó có không ít trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch.
TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, người cao tuổi khi nhập viện thường đã trong tình trạng diễn biến nặng, như tai biến mạch máu não, viêm phổi suy hô hấp phải thở máy.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời điểm nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng 150% so với bình thường. |
Cụ thể ngày 9/6, khoa Cấp cứu và Đột quỵ tiếp nhận 1 bệnh nhân bị xuất huyết não trên nền tăng huyết áp. Bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp và vẫn điều trị theo đơn uống kiểm soát huyết áp hàng ngày. Được biết, ngày hôm đó, bệnh nhân đi ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, khi về nhà, xuất hiện tình trạng đau đầu dữ dội và lịm dần. Khi được người nhà đưa vào viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng hôn mê và phải can thiệp bằng đặt ống nội khí quản. Hiện bệnh nhân đã được hội chẩn để tiến hành mổ nhưng tiên lượng rất khó khăn.
Theo BS Thắng, trung bình bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên thường mắc 3,4-3,6 bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường. Đây là những bệnh nguy cơ hàng đầu của tai biến mạch máu não. Trong mùa nắng nóng, những bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường có thể trở nặng và xuất hiện các biến chứng.
“Tăng huyết áp có thể gây ra tắc mạch máu não hoặc làm mạch máu não vỡ gây xuất huyết. Đối với đái tháo đường, nắng nóng làm bệnh nhân ăn uống kém, trong khi họ vẫn phải duy trì các thuốc tiểu đường. Vì vậy, rất dễ dẫn đến các biến chứng như hạ đường huyết, làm bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê”- BS Thắng cho biết.
Trong mùa nắng nóng, những bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường có thể trở nặng và xuất hiện các biến chứng. |
BS Thắng khuyến cáo, trong mùa nắng nóng, người cao tuổi cần phải kiểm soát thường xuyên bệnh mãn tính đang có như: uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, duy trì chế độ đến khám thường xuyên; Đồng thời đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ vitamin và các chất vi lượng, uống đủ nước và hạn chế ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp cần ra ngoài, phải mặc các phương tiện bảo hộ, đảm bảo tránh tia nắng trực tiếp ảnh hưởng lên da. Đặc biệt, tránh nằm điều hòa lạnh quá làm bệnh nhân bị lạnh dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Cũng theo BS Thắng, đối với người cao tuổi, thói quen tập thể dục là rất tốt. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng, từ 6h sáng đã có bức xạ mặt trời, thì không nên ra ngoài tập thể dục.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, TP Hà Nội, những ngày gần đây, lượng bệnh nhân vào thăm khám do liên quan đến các bệnh về nhiệt độ có xu hướng tăng hơn như đường huyết tăng cao, tăng huyết áp, suy tim nặng lên. Các bác sĩ cho biết, thời tiết cực đoan, quá nóng hoặc quá lạnh sẽ tác động xấu đến sức khỏe người già.
ThS.BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, bản thân người già rất nhạy cảm với nhiệt độ, thời tiết quá nóng cũng có thể có những cơn tăng huyết áp, đột quỵ và đặc biệt là tình trạng sốc nhiệt. Tình trạng đó xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng quá cao dẫn tới hôn mê, rối loạn các chức năng khác của cơ thể.
Theo BS Khiêm, người già không có cảm giác khác như người trẻ tuổi, vì vậy gia đình cần lưu ý giúp họ bổ sung đủ nước để đảm bảo sức khỏe trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, cần lưu ý dùng điều hòa đúng cách, tránh tình trạng sốc nhiệt khi thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa các môi trường khác nhau.
ThS.BS Nguyễn Đăng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị đang thăm khám cho bệnh nhân. |
“Khoảng cách giữa điều hòa nhiệt độ trong phòng với nhiệt độ môi trường không nên cách nhau quá xa. Ví dụ nhiệt độ ở ngoài trời khoảng 36-37 độ thì chúng ta dùng nhiệt độ trong nhà khoảng 25-27 độ C. Bản thân người già dùng nhiệt độ thấp quá cộng thêm vào đó làm cho khô đường thở, vì vậy đó là những yếu tố nguy cơ cho bệnh lý đường hô hấp đối với người cao tuổi”- BS Khiêm cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, ở người lớn tuổi, triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, khó nhận diện nên khi vào viện khi bệnh đã nặng. Do đó, khi có các biểu hiện khó thở, mệt mỏi, người bệnh nên đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên chủ quan hoặc tự ý mua thuốc để điều trị. Đồng thời nên hạn chế ra ngoài từ 10h-16h hàng ngày./.
Minh Khánh/VOV.VN