Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ở một số khu vực tại Tây Nguyên chỉ 48-52%, là nguyên nhân khiến dịch xuất hiện.
Đánh giá này của Cục Y tế Dự phòng sáng 26/6 trùng với nhận định của nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ.
Bác sĩ Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết nhiều năm nay bệnh bạch hầu vắng bóng ở khu vực miền Bắc, khi vaccine phối hợp phòng bệnh được đưa vào chương tình tiêm chủng mở rộng, Tuy nhiên, bệnh chưa được loại trừ tại Việt Nam. Thỉnh thoảng hàng năm bệnh vẫn xuất hiện ở khu vực vùng xa, các tỉnh Tây Nguyên. Hầu hết bệnh nhân chưa tiêm hoặc tiêm vaccine không đầy đủ.
Bốn năm qua ghi nhận các ca bệnh bạch hầu xuất hiện rải rác ở khu vực Tây Nguyên. Năm 2019, dịch xuất hiện ở Đăk Lăk, một người tử vong, 3 người lây nhiễm chéo. Năm 2018, ghi nhận 5 người tại Kon Tum mắc bạch hầu, trong đó hai người đã tử vong.
Tỉnh Quảng Nam, nằm giáp Kon Tum, không thuộc khu vực Tây Nguyên song năm 2017 ghi nhận 7 trẻ mắc bạch hầu, trong đó một ca tử vong. Năm 2016, tỉnh Kon Tum có một trường hợp tử vong nghi do mắc bạch hầu; hai người tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với trực khuẩn bạch hầu, ở huyện Kon Plong.
Trước đó, các ca xuất hiện tại huyện Chư Prông, Chư Sê, Kông Chro. Dịch bạch hầu bùng phát tại huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai.
Hiện tại, chỉ trong tháng 6, tỉnh Đăk Nông ghi nhận 12 ca bạch hầu trong đó một trường hợp tử vong, một đang nguy kịch. TP HCM xuất hiện một ca. Tất cả trường hợp này đều chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Giả thuyết về nguyên nhân bùng phát dịch bạch hầu ở Đăk Nông, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - đơn vị hỗ trợ dập dịch - cho biết: "Nhiều khả năng do tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở khu vực này quá thấp". Giới chức y tế địa phương cũng xác nhận tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu của người dân Đăk Nông chỉ khoảng 50%.
Bác sĩ Trường cho biết điều trị bệnh bạch hầu thông thường không quá khó, chỉ cần bệnh nhân được khám kịp thời. Nguy hiểm là khi bệnh biến chứng. Thể tối cấp của bạch hầu gây tử vong trong vòng 24-48 giờ. Tuy nhiên bạch hầu là bệnh đã có vaccine chủng ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng, ngay từ khi trẻ còn trong giai đoạn sơ sinh.
"Nếu chủng ngừa tốt thì không có bệnh xảy ra. Do đó phải đặt dấu hỏi trong công tác dự phòng tại các địa phương này như thế nào", bác sĩ Trường nói.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết khi không tiêm chủng, không tiêm đủ các mũi vaccine, cơ thể không tạo được khả năng miễn dịch với bệnh bạch hầu. Một số trường hợp hiếm gặp đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh, có thể do cơ địa khiếm khuyết trong hệ miễn dịch nên không tạo được khả năng miễn dịch.
Đối với người lớn, khả năng miễn dịch suy giảm dần theo thời gian, nếu không tiêm nhắc lại cũng có nguy cơ tái nhiễm, trở thành nguồn lây trong cộng đồng. Đặc biệt, người mẹ nếu không có miễn dịch trước thì sẽ không thể truyền kháng thể thụ động sang con, không bảo vệ con được trong những tháng đầu đời do trẻ từ 6 đến 8 tuần tuổi mới có thể tiêm vaccine phòng bệnh.
Bác sĩ khám cho trẻ mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: Phương Linh.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu và chủ động phòng bệnh, tiêm vaccine (với người lớn) và đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh.
Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc để phòng bệnh. Ngoài ra, cần giữ nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bạch hầu, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân trong phạm vi ổ dịch phải uống thuốc phòng và tiêm vaccine theo chỉ định của cơ quan y tế.
Chi Lê - Anh Thư - Lê An/vnexpress.net
https://vnexpress.net/bach-hau-tai-xuat-do-khong-tiem-chung-4121370.html