Thống kê cho thấy có 30-40% những người sống sót sau Covid-19 gặp vấn đề lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và stress sau sang chấn.
Thông tin này được thầy thuốc ưu tú, BS Đinh Quang Thanh, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, cho biết tại hội thảo trực tuyến Phục hồi chức năng hậu Covid-19 diễn ra chiều 1/10.
BS Thanh đánh giá, bệnh nhân Covid-19 có thể để lại rất nhiều di chứng sau điều trị khỏi bệnh. Theo ông, điển hình nhất là di chứng ở phổi, khó thở, giảm khả năng gắng sức và thiếu oxy... những triệu chứng và dấu hiệu thường dai dẳng.
Hạn chế sinh lý phổi, tổn thương dạng kính mờ và xơ phổi trên hình ảnh học đã được ghi nhận khi theo dõi những người sống sót sau Covid-19. Có 20-30% huyết khối vi mạch phổi và huyết khối lớn đã được quan sát thấy ở bệnh nhân mắc bệnh.
Các tình trạng trên thường xuất hiện 4-6 tuần sau khi xuất viện đối với những người bị Covid-19 cấp tính thể nặng, thể nguy kịch, lớn tuổi hoặc có nhiều bệnh đi kèm.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân Covid-19 có thể để lại rất nhiều di chứng sau điều trị khỏi bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân có nhiều ảnh hưởng về tim mạch, huyết học, thận, đặc biệt là di chứng tâm thần kinh. Cụ thể, họ có thể gặp những bất thường dai dẳng có thể bao gồm mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, rối loạn thần kinh thực vật và suy giảm nhận thức (chứng sương mù não).
Thống kê cho thấy có 30-40% những người sống sót sau Covid-19 gặp vấn đề lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
Các tác nhân góp phần gây ra bệnh lý thần kinh trong Covid-19 chủ yếu do sự rối loạn điều hòa miễn dịch, viêm, huyết khối vi mạch, tác dụng gây đông máu của thuốc và tác động tâm lý xã hội; ngoài ra có thể do nhiễm virus trực tiếp, viêm thần kinh, và thoái hóa thần kinh.
Hàng loạt cuộc khám nghiệm tử thi đã chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có thể gây ra những thay đổi trong nhu mô não và mạch máu, dẫn đến tình trạng viêm ở tế bào thần kinh, tế bào hỗ trợ và mạch máu não.
20-40% bệnh nhân xuất viện khỏi ICU được ghi nhận rõ ràng vấn đề suy giảm nhận thức lâu dài.
Theo các bác sĩ, SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương đa cơ quan, trong đó chính yếu là tổn thương cơ quan hô hấp,
Từ thực tế điều trị các bệnh nhân hậu Covid-19 tại bệnh viện, bác sĩ Thanh cho rằng, các liệu pháp tiêu chuẩn nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa đối với các biến chứng thần kinh như đau đầu.
Đánh giá thêm về tâm thần kinh nên được xem xét trong bối cảnh bệnh sau cấp tính ở bệnh nhân suy giảm nhận thức, cũng như cần có các công cụ sàng lọc tiêu chuẩn để xác định bệnh nhân lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, PTSD, rối loạn chuyển hóa máu và mệt mỏi.
Bác sĩ nhận định, sắp tới nhu cầu chăm sóc sức khỏe với những hậu quả Covid-19 để lại sẽ tiếp tục tăng. Việc chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 không chỉ là thời gian nằm viện mà cần phối hợp nhóm đa chuyên môn để tiếp tục chăm sóc cho những bệnh nhân này khi xuất viện điều trị ngoại trú.
"Cần ưu tiên điều trị những trường hợp có nguy cơ cao của tình trạng hậu Covid-19 cấp tính, gồm bệnh nhân thể nặng, nguy kịch, những người dễ tổn thương (như người già, người sau ghép tạng, tiền sử ung thư,...) và những người có triệu chứng dai dẳng khó chịu.
Phải thiết lập các phòng khám chuyên về Covid-19, có nhiều chuyên gia để có thể hỗ trợ cùng chăm sóc bệnh nhân" - bác sĩ Quang Thanh nói.
TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp chia sẻ, khi số lượng bệnh nhân khỏi Covid-19 tăng lên, ngành Phục hồi chức năng càng có vai trò rõ rệt trong việc hạn chế đến mức tối thiểu các di chứng.
"SARS-CoV-2 gây tổn thương đa cơ quan, trong đó chính yếu là tổn thương cơ quan hô hấp, vì vậy phục hồi chức năng hô hấp giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, phải hết sức lưu ý đến việc phục hồi chức năng nhằm hạn chế di chứng đến các nhóm cơ quan khác" - TS.BS Phan Minh Hoàng khuyến cáo.
Hoàng Lê/dantri.com.vn