5 ngày kể từ khi phát hiện F0 đầu tiên, đến nay chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Việt Đức đã ghi nhận hơn 40 F0 ở 5 tỉnh thành. Theo CDC Hà Nội, vụ dịch này đã trải qua nhiều chu kì lây nhiễm.
Dịch "âm thầm" lây lan qua nhiều chu kì
Chiều 30/9, Hà Nội phát hiện một ca dương tính SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Việt Đức là người nhà chăm sóc bệnh nhân. Chỉ sau 5 ngày, số F0 của chùm ca bệnh này đã tăng lên 41 ca.
Chiều 30/9, Bệnh viện Việt Đức ghi nhận F0 đầu tiên (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).
Trong đó, có 33 ca được ghi nhận tại Hà Nội (17/33 bệnh nhân là người Hà Nội). Ngoài ra, còn có 4 tỉnh khác là Nam Định, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Hải Dương cũng ghi nhận ca bệnh liên quan đến cơ sở y tế này.
Phân bố các bệnh nhân được ghi nhận theo khoa điều trị:
- Trung tâm phẫu thuật đại trực tràng tầng sinh môn (Tầng 7, nhà D): 24 ca.
- Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Tầng 7, nhà D): 12 ca.
- Khoa Ung bướu (tầng 8, nhà D): 2 ca.
- Khoa Hồi sức tích cực 2: một ca.
- Nhà ăn bệnh viện: một ca.
- Khu vực khác (phố Phủ Doãn): một ca.
Trong số các F0 được ghi nhận có 18 trường hợp là người nhà bệnh nhân, 17 trường hợp là bệnh nhân, 5 trường hợp là nhân viên làm việc tại bệnh viện và một trường hợp là đối tượng khác.
Theo CDC Hà Nội, tải lượng virus ở các bệnh nhân ở nhiều cấp độ khác nhau cho thấy dịch ở bệnh viện đã qua nhiều chu kì lây nhiễm (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).
Theo CDC Hà Nội, đây là chùm ca bệnh rất phức tạp, chưa rõ nguồn lây. Tải lượng virus ghi nhận ở các bệnh nhân ở nhiều cấp độ khác nhau, nên ổ dịch này đã qua nhiều chu kì lây nhiễm.
Một nguyên nhân khác khiến chuỗi lây này càng trở nên phức tạp hơn chính là việc Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện tuyến Trung ương. Do đó, cơ sở y tế này còn thu dung, khám chữa bệnh cho cả các bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành khác. Số lượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân liên quan đến chùm ca bệnh này là rất đông.
Trong cuộc họp chiều 2/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh dịch ở Bệnh viện Việt Đức phức tạp, nhiều nguy cơ.
Dịch tấn công vào bệnh viện: Nguy hiểm nhưng khó ngăn chặn hoàn toàn
Theo các chuyên gia dịch tễ, việc bệnh viện bị Covid-19 tấn công là rất nguy hiểm, bởi các bệnh nhân có sẵn bệnh nền, trong trường hợp mắc Covid-19 thì nguy cơ chuyển biến nặng sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, nếu lực lượng y, bác sĩ bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng nguồn nhân lực chống dịch.
Tuy nhiên, dù kiểm soát chặt đến đâu vẫn khó có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Trao đổi với Dân trí thời điểm vụ dịch vừa bùng phát, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, bệnh viện từ trước đến nay luôn là khu vực có nguy cơ cao. Nhất là các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Việt Đức, có nhiều người dân ở tứ xứ đến thăm khám và điều trị. Trong khi đó, khó có thể sàng lọc triệt để nguồn lây từ đầu.
"Chính vì nguy cơ cao nên các bệnh viện có quy định phải định kì xét nghiệm bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân và thực hiện phân luồng. Trên thực tế, trước Bệnh viện Việt Đức đã có nhiều bệnh viện xuất hiện ổ dịch", PGS Phu cho hay.
Theo PGS Phu, F0 đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân điều trị ở khoa Ung Bướu. Đây là khu vực rất nhạy cảm vì bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt là ung thư có nguy cơ diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19.
Theo chuyên gia phải phong tỏa chặt khu vực liên quan đến ca bệnh (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).
Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phải phong tỏa chặt khu vực liên quan đến ca bệnh, để tránh việc lây lan cho các bệnh nhân khác, nhất là các bệnh nhân đang mổ, bệnh nhân nặng. Nếu để lây nhiễm sẽ rất phức tạp.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần điều tra kỹ xem nguyên nhân lây lan từ trong bệnh viện ra hay từ bên ngoài vào. Cần có xét nghiệm diện rộng có chỉ định. Không chỉ xét nghiệm ở trong bệnh viện mà cần phải xét nghiệm các khu vực xung quanh. Cần phải truy vết các vùng khác ở Hà Nội và thậm chí là cả các tỉnh, để tìm kiểm các ổ dịch mới có liên quan, nhằm khoanh vùng nhanh nhất, cắt ngay chuỗi lây không để lây lan ra diện rộng.
Khóa chặt "vùng đỏ", thần tốc truy vết để cắt đứt chuỗi lây
Sau khi Bệnh viện Việt Đức phát hiện F0, lực lượng chức năng đã ngay lập tức phong tỏa tòa nhà D (nơi ghi nhận ca bệnh), lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà, khoảng 1.400 người.
Quận Hoàn Kiếm cũng chỉ đạo phường Hàng Trống đóng cửa các cửa hàng dọc phố Phủ Doãn (đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Tràng Thi). Đồng thời, thành phố tạm thời phong tỏa, điều tra các hộ dân và cơ sở kinh doanh trên đoạn phố này để lấy mẫu xét nghiệm.
Trong những ngày tiếp theo, lực lượng chức năng mở rộng diện xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm lặp lại để không bỏ sót F0. Đến thời điểm hiện tại, hơn 16.000 mẫu xét nghiệm của những người liên quan đã được lấy.
Lấy mẫu xét nghiệm người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Đỗ Quân).
Việc truy vết được tiến hành thần tốc, không chỉ ở các khu vực tại Hà Nội mà đến các tỉnh để nhanh chóng có biện pháp quản lý người có tiền sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Việt Đức. Qua điều tra, bước đầu xác định có tổng cộng gần 9.000 người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, trong đó có hơn 4.000 người tại các tỉnh thành ngoài Hà Nội.
Sáng 1/10, đoàn Cục quản lý khám, chữa bệnh cùng với đại diện Sở Y tế TP Hà Nội… đã đến làm việc với Bệnh viện Việt Đức về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Nhà D, Bệnh viện Việt Đức đang tạm thời bị phong tỏa (Ảnh: Lê Hảo).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh đề nghị trước mắt Bệnh viện phối hợp với CDC Hà Nội xét nghiệm thật nhanh để xác định vùng nào là vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng để có phương án chống dịch phù hợp. Với vùng đỏ phải cách ly chặt chẽ.
Sở Y tế Hà Nội cũng lên kế hoạch đưa hơn 1.100 người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức đi cách ly tập trung tại các cơ sở ở ngoại thành Hà Nội. Rạng sáng 3/10, hơn 100 người đã được đưa đi cách ly tập trung tại huyện Chương Mỹ.
Vào lúc 0h10 sáng 3/10, 7 chiếc xe buýt tham gia vận chuyển hơn 100 người liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Việt Đức đi cách ly (Ảnh: Đỗ Quân).
Theo ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, việc đưa người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, bởi khoảng 1.100 người nhà bệnh nhân là áp lực rất lớn cho bệnh viện trong việc đảm bảo giãn cách và phòng chống dịch.
Bệnh viện Việt Đức cũng đã tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển khoảng 200 người (bệnh nhân và người nhà) sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 450 người sang Bệnh viện Thanh Nhàn và 350 người sang Bệnh viện Đức Giang.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, việc chuyển bệnh nhân, người nhà ra khỏi khuôn viên bệnh viện để nhanh chóng giãn cách, làm sạch bệnh viện là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên cần phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Với nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 3 lần xét nghiệm âm tính có thể giãn cách ra khách sạn lưu trú, hằng ngày vào chăm sóc bệnh nhân hoặc giãn cách theo hình thức phù hợp.
Minh Nhật/dantri.com.vn