Hết giờ làm tại khu cách ly tập trung ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ Nguyễn Phương về nhà với suy nghĩ bộn bề sau ngày dài căng thẳng. Hình ảnh những tập hồ sơ bệnh án, ca cấp cứu cứ xoay tròn trong đầu.
Các y, bác sĩ trẻ Bệnh viện Quân y 175 thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hùng Khoa
Chị muốn chìm vào giấc ngủ. “Không được, còn rất nhiều người bệnh đang chờ hỗ trợ!”, bác sĩ Nguyễn Phương tự nhủ. Quả thật, khi chị mở laptop, danh sách chờ tư vấn của Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã kéo dài hút mắt, bất chấp nỗ lực không ngừng của hàng nghìn y, bác sĩ tình nguyện. Dò tìm những người bệnh lớn tuổi nhất trong danh sách, bác sĩ Nguyễn Phương bắt đầu “ca trực” đặc biệt của mình. Những buổi tư vấn thường kéo dài hàng giờ đồng hồ.
“Mỗi lần nhấc máy trò chuyện với người bệnh, tôi đều cảm nhận được niềm vui, sự an tâm của họ. Có không ít người già neo đơn, phải cách ly một mình, dù đã được hỗ trợ nhu yếu phẩm, nhưng không có ai chăm sóc, trấn an. Tôi nhớ mãi một bác đã 64 tuổi, do có bệnh lý nền nhưng ở một mình cho nên lo lắng tới mức không ăn, không ngủ. Bác nghe tư vấn mà lúc nào cũng chỉ sợ tôi cúp máy. Khi cuộc trò chuyện chuẩn bị kết thúc, bác dặn đi dặn lại “Con nhớ gọi bác hằng ngày nghe”… Đó chính là nguồn động lực giúp tôi quên hết mệt mỏi, đôi khi say sưa tư vấn tới nửa đêm”, bác sĩ Nguyễn Phương chia sẻ.
Cuối tháng 7 vừa qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở y tế và y, bác sĩ ở các tỉnh, thành phố phía nam đã quá tải. Nhằm nâng cao chất lượng điều trị, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh F0 cách ly tại nhà, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp Tổ Thông tin đáp ứng nhanh (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhanh chóng triển khai Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” qua tổng đài 1022.
Với dữ liệu lấy trực tiếp từ CDC các địa phương, Mạng lưới có nhiệm vụ sàng lọc, tiếp cận nhóm người bệnh dễ tổn thương thông qua thăm hỏi, tư vấn y tế gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại. Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: từ 2.500 thành viên ban đầu, đến nay, Mạng lưới đã có tới gần 10 nghìn y, bác sĩ tham gia. Toàn Mạng lưới đã hỗ trợ hiệu quả 146 nghìn người bệnh F0 qua gần 600 nghìn cuộc đàm thoại.
Thành công của Mạng lưới không chỉ ghi dấu tinh thần tình nguyện, xung kích, mà còn thể hiện sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ trẻ trong lồng ghép cùng lúc nhiều mô hình tiếp sức người bệnh điều trị tại nhà. Tiêu biểu như chương trình “Túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà” được triển khai từ tháng 8/2021, đến nay đã cấp phát miễn phí hơn 10 nghìn túi thuốc tặng người bệnh F0. Mỗi túi chứa nhiều loại dược phẩm đặc trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm cả thuốc chống đông và máy đo SpO2.
“Với kinh phí hơn một triệu đồng/túi thuốc, các cấp Hội Thầy thuốc trẻ trên cả nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh đã tích cực vận động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, rà soát để cấp phát theo mức ba túi thuốc ở cùng gia đình được trang bị một máy SpO2 và một nhiệt kế... nhằm tiết kiệm nguồn vật lực, giúp chương trình hỗ trợ được nhiều trường hợp F0 hơn. Tới đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai thêm 10 nghìn “Túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà”, tiếp tục đồng hành với người bệnh”, anh Nguyễn Hữu Tú chia sẻ.
Tình nguyện viên của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phân loại, sắp xếp các “Túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà”.
Trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam còn chế tạo năm “container xét nghiệm lưu động”, một “container phòng khám lưu động”, trao 100 nghìn khẩu trang N95, 200 nghìn khẩu trang kháng khuẩn cao cấp, 40 nghìn bộ đồ bảo hộ các loại, 26 nghìn kít xét nghiệm các loại cùng hàng trăm thiết bị y tế hiện đại và bình oxy tặng cơ sở y tế tại các địa phương có dịch; hỗ trợ lực lượng y, bác sĩ chống dịch hàng nghìn suất ăn, thực phẩm và quà tặng... với tổng giá trị hơn 87 tỷ đồng.
Nhờ sự tiếp sức thường xuyên từ “hậu phương”, lực lượng y tế ở tuyến đầu đã kiên cường từng bước đẩy lui dịch bệnh. Suốt gần bốn tháng qua, kỹ thuật viên Trần Minh Nhật (sinh năm 1992) chưa có một ngày nghỉ trọn vẹn. Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, anh đã tình nguyện hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 6, sau đó tiếp tục đến tăng cường tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh theo hình thức “ba tại chỗ”.
“Nhiều lần, tôi vừa đưa hộp cơm lên miệng thì nhận lệnh bổ sung bình oxy cấp cứu. Do thang máy ưu tiên người bệnh, cho nên chúng tôi thường phải ôm bình oxy chạy thật nhanh từ hầm lên mười mấy tầng lầu. Vừa mệt, vừa đói, nhưng không bao giờ chúng tôi chậm trễ. Bởi ở giai đoạn cấp cứu, chỉ sớm vài giây cũng có thể cứu sống người bệnh. Trong quá trình tình nguyện, tôi và nhiều đồng nghiệp đã nhiễm bệnh, nhưng đều động viên nhau cố gắng hồi phục thật nhanh để quay lại tuyến đầu”, anh Nhật hồi tưởng.
Phát huy sức trẻ, nhiệt huyết của lực lượng tình nguyện, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh đã thành lập Đội hình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trẻ tại thành phố mang tên Bác. Khởi động tại quận Phú Nhuận vào cuối tháng 8/2021, Đội hình đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng phản ứng nhanh, đoàn viên tình nguyện, cơ sở y tế các cấp khám, chữa bệnh và đặc biệt là tư vấn tâm lý cho người bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh cho biết: người nhiễm Covid-19 sau khi hồi phục dễ gặp vấn đề tâm lý. Các thành viên Đội hình sẽ đến nhà, trực tiếp thăm khám, đưa ra hướng hỗ trợ người bệnh theo ba cấp độ. Sau khi chống dịch trong giai đoạn cao điểm, những ngày này, đội ngũ thầy thuốc trẻ tình nguyện lại tiếp tục tổ chức “Bếp cơm dã chiến”, cung cấp những suất cơm ấm áp nghĩa tình đến người bệnh, cán bộ, y, bác sĩ ở các cơ sở y tế.
Đợt dịch Covid-19 thứ tư khiến không ít gia đình ly tán. Tại những địa phương có dịch bùng phát, đời sống của người yếu thế bị đảo lộn nghiêm trọng. Gia đình chị Lý Thị Sáu nhiều năm nay dựa vào thu nhập ít ỏi từ quầy trứng vịt lộn mở mỗi tối ở tổ 24, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Chồng chị là lao động tự do, thỉnh thoảng mới có người gọi đi phụ hồ. Hai trong số năm người con của anh chị Sáu nhiễm chất độc da cam, không thể đi lại. Nắm bắt hoàn cảnh đặc biệt đó, Hội Liên hiệp Thanh niên, Câu lạc bộ Xe bán tải TP Đà Nẵng đã tặng chị Sáu một xe bán nước mía làm phương tiện sinh kế. Đây là một phần của chương trình hỗ trợ các hộ gia đình có người nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn của tuổi trẻ Đà Nẵng.
Những ngày mưa tháng 10, Đội phản ứng nhanh Thành đoàn Đà Nẵng với nòng cốt là thành viên Câu lạc bộ vẫn thường xuyên có mặt ở hai đầu thành phố để dẫn đường cho đồng bào về quê bằng xe máy từ các tỉnh phía nam. Lần thứ hai ra quân, 51 thành viên của Đội phản ứng nhanh còn phối hợp nhiều nhóm từ thiện hỗ trợ đồng bào sửa xe, bơm xăng, dầu, trao tặng suất ăn, nhu yếu phẩm…
Trong giai đoạn TP Đà Nẵng tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội vừa qua, đội cũng đã hỗ trợ vận chuyển khoảng 40 tấn rau, củ, hàng hóa tiếp sức các khu phong tỏa và vận động nguồn lực, trao hơn một nghìn suất quà, nhu yếu phẩm tặng các gia đình khó khăn. “Chúng tôi đã thức trắng nhiều đêm liên tiếp. Thấm mệt, nhưng cứ nghĩ tới còn nhiều bà con gặp khó khăn trong đại dịch, cả đội lại tiếp tục cố gắng hơn. Anh em đều có chung suy nghĩ: tuổi trẻ cần biết cống hiến, hy sinh vì người khác”, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xe bán tải TP Đà Nẵng Phan Minh Việt bộc bạch.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Với những cống hiến, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe toàn dân nói riêng, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là dịp để mỗi hội viên, thanh niên bày tỏ niềm tự hào về truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng trung thành với lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần gắn bó, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, ra sức phát triển Hội.
Chính truyền thống quý báu đó đã tạo nên động lực xuyên suốt các chặng đường lịch sử, hun đúc lớp lớp người trẻ sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, dịch họa. Ở mọi hoàn cảnh, điều kiện, thanh niên Việt Nam đều quyết không ngại khó khăn, gian khổ, luôn xung kích, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tình nguyện, góp sức trẻ trên tuyến đầu.
LINH PHAN, QUANG QUÝ, THANH TÂM/nhandan.vn
https://nhandan.vn/y-te/thay-thuoc-dong-hanh-bam-tru-tuyen-dau-669478/