Đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, ưu tiên cho người già, người có bệnh nền và tăng cường số giường bệnh có hệ thống oxy là 2 chiến lược quan trọng nhất khi điều chỉnh chiến lược điều trị COVID-19 trong 4 tháng qua.
Người cao tuổi ở Quận 3, TPHCM được nhân viên y tế đến tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: HCDC |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Y dược TPHCM, nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ cùng Báo Điện tử Chính phủ.
Trong 4 tháng của đợt dịch thứ 4, ông đánh giá những giai đoạn nào là khó khăn nhất với TPHCM? Chúng ta đã làm được gì và việc gì chúng ta còn lúng túng?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Có thể nhận thấy giai đoạn tháng 7 và tháng 8 là giai đoạn khó khăn nhất. Vào tháng 7, số ca nhiễm bắt đầu tăng vọt lên 4 con số. Khi đó, chúng ta phân tán nguồn lực vào công tác xét nghiệm, trong khi số ca nhiễm tăng cao, nhiều người cần được thu dung điều trị đã không tiếp cận được hệ thống y tế kịp thời.
Công tác xét nghiệm và truy vết bị quá tải, kết quả xét nghiệm về chậm; công tác truy vết không đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm và cách li kịp thời; số liệu báo cáo bị chậm trễ. Sự quá tải khiến công tác điều trị bị ảnh hưởng.
Sau đó, Thành phố tích cực điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch cùng với sự hỗ trợ của Trung ương để xây dựng các bệnh viện dã chiến tăng cường tiếp nhận bệnh nhân.
Số giường bệnh có hệ thống oxy thở tăng nhanh, từ 6.510 giường vào ngày 16/8 đã lên đến 11.500 vào ngày 9/9 (tăng gấp đôi trong vòng 20 ngày); việc phân tầng điều trị hợp lí; ra quy định và hướng dẫn điều trị F0 tại nhà; cung cấp thuốc điều trị F0 tại nhà, huy động sự tham gia của cộng đồng trong chăm sóc và cấp cứu F0 tại nhà đã giảm gánh nặng cho các bệnh viện thu dung...
Đồng thời, cả nước đã tập trung ưu tiên vaccine cho TPHCM sớm nhất, nhanh nhất.
Vậy theo ông bài học rút ra là gì?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Theo tôi có hai bài học quan trọng. Thứ nhất là chúng ta phải cảnh giác với quá tải y tế và phải có chiến lược phù hợp khi đã xảy ra quá tải. Không thể áp dụng những biện pháp dự phòng khi số ca mắc còn ít để áp dụng cho tình huống số ca mắc lớn; không thể áp dụng mô hình điều trị cho bệnh nhân COVID số 91 (phi công người Anh) cho tất cả các bệnh nhân khác khi bị quá tải về điều trị.
Thứ hai, khi nguồn lực y tế có hạn thì phải cân đối hoạt động phòng bệnh và điều trị để đạt được mục tiêu là cứu được nhiều sinh mạng nhất. Nếu máy móc chạy theo các chỉ tiêu mà không chuyển trọng tâm vào điều trị kịp thời thì có thể gây tổn thất. Còn về sau này, nếu không chuyển trọng tâm sang dự phòng kịp thời cũng sẽ gây tổn thất.
Như ông đã nói, chúng ta đã kịp thời có sự điều chỉnh chiến lược điều trị và đã kiểm soát được dịch. Ông có thể nói thêm về những thay đổi mang tính bước ngoặt này?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Giai đoạn cuối tháng 7, tham gia các cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, tôi thấy rõ sự khẩn trương trong việc tập trung vào điều trị, tăng cường cơ sở y tế, xây lắp bồn oxy lỏng khắp nơi, hướng dẫn phác đồ điều trị cùng với gói thuốc cho F0 cách ly tại nhà và tăng tốc việc tiêm chủng. Tôi đã thấy yên tâm khi công tác chống dịch chuyển hướng tới đối tượng ưu tiên tiêm chủng là người cao tuổi và người có bệnh nền.
Tất cả các biện pháp khi điều chỉnh chiến lược điều trị trong 4 tháng qua đều rất quan trọng. Tuy nhiên theo tôi thì 2 chiến lược quan trọng nhất là đẩy mạnh tiêm chủng, ưu tiên cho người già và người có bệnh nền và tăng cường số giường bệnh có hệ thống oxy.
Cho đến nay TPHCM đã qua gần 1 tháng chuyển trạng thích ứng an toàn với COVID-19, ông thấy tình hình dịch tễ trong 1 tháng qua như thế nào? Có những điểm nào tích cực, điểm nào cần lưu ý?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Tôi cho rằng rất khả quan và tình hình này có thể duy trì ít nhất 2 tháng nữa. Các số liệu ca nhiễm mới, ca nặng và ca tử vong đều giảm mạnh. Trong khi đó tỉ lệ tiêm bao phủ vaccine cho người dân cũng rất cao.
Trong giai đoạn thích ứng an toàn, theo tôi, mục tiêu hồi phục kinh tế cho Thành phố và sinh kế cho người dân sẽ đạt được sau một thời gian mở cửa. Tuy nhiên thời gian mở cửa có dài hay không và việc phục hồi kinh tế có bền vững hay không phụ thuộc vào việc thích ứng an toàn của người dân sau khi mở cửa.
Chúng ta phải hiểu rằng sinh kế của mình có bền vững hay không phụ thuộc vào việc bản thân tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, tuân thủ 5K và tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Thành phố. Cùng với đó, ngành y tế cần giám sát việc tuân thủ quy định phòng chống dịch của người dân và giám sát chặt tình hình lây nhiễm.
Xin cảm ơn ông!
Băng Tâm/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Suc-khoe/Hai-chien-luoc-quyet-dinh-kiem-soat-dich-benh-tai-TPHCM/451033.vgp