Trung bình trong 7 ngày qua nước ta ghi nhận 233 ca tử vong do Covid-19, trước đó có những ngày số tử vong giảm xuống dưới 2 con số. Theo chuyên gia để giảm tử vong cần tiếp cận về vaccine và thuốc.
Tính đến chiều 14/12, Việt Nam đã ghi nhận hơn 29.000 ca tử vong do Covid-19, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. Như vậy, tổng số ca tử vong của nước ta xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên một triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN).
Thời gian gần đây, cùng với số mắc tăng nhanh tại nhiều địa phương, tỷ lệ tử vong cũng tăng theo. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 233 ca.
Số ca mắc tại nước ta bắt đầu tăng cao trở lại từ cuối tháng 11.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ mối lo ngại nhất là các địa phương chuẩn bị theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch, Bộ Y tế chưa đến nơi đến chốn. Đây là điều cơ bản nhất, nhất là tuyến cơ sở chưa chuẩn bị tốt, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tử vong.
"Thứ nhất là vấn đề tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi, có bệnh nền. Tôi dám chắc tỷ lệ này chưa đạt được 100% ở nhiều địa phương vì con số đó tử vong nhiều. Lúc trước, khi số F0 trong cộng đồng chưa nhiều thì chúng ta tiêm cho người trẻ- con, cháu trong gia đình, chúng ta làm tốt, họ không đem dịch về nhà, bảo vệ được người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay số ca mắc trong cộng đồng nhiều dẫn đến lây các đối tượng này, nguy cơ tử vong rất cao, nhất là khi chưa được tiêm vaccine", TS Nhung nói.
Vậy tại sao những trường hợp này không tiêm vaccine? Theo chuyên gia có thể do bản thân các cụ ngại không dám tiêm, bản thân các phường cũng ngại tiêm cho nhóm này. Thay vì đó, các địa phương có thể chỉ định tiêm cho các trường hợp này tại bệnh viện, để tỷ lệ tiêm đạt 100%.
Vì thế, y tế phường cần rà soát hết những trường hợp thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này để tiêm vét.
Thứ hai là về thuốc điều trị, thuốc kháng virus đã được chứng minh có tác dụng giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Đây là thuốc chưa được đăng ký, điều trị phải có kiểm soát. Vì thế, các địa phương phải quan tâm, tham gia vào chương trình nghiên cứu để người bệnh được tiếp cận thuốc. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn cung ứng thuốc.
Ảnh minh họa: Hữu Khoa.
Thứ ba là thay đổi trong điều trị. Hiện nay, y tế cơ sở vẫn tuân theo lối điều trị cũ là tập trung hết người bệnh vào một chỗ, rất khó đảm bảo về dinh dưỡng.
"Chúng ta cần có biện pháp để người bệnh yên tâm- kết nối hỗ trợ về tâm lý, đảm bảo dinh dưỡng, hướng dẫn tập luyện kèm thêm thuốc. Trường hợp nào có thể thì để điều trị, cách ly tại nhà, trường hợp nào cần thiết thì nhập viện. Nếu làm được thế thì chắc chắn tử vong sẽ giảm", TS Nhung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông cũng phải kiềm chế số ca mắc. "Sống chung" nhưng khi phát hiện ổ dịch thì phải dập ổ dịch đó, không để bùng phát lớn, số mắc có thể lên nhưng trong giới hạn nhất định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tổ chức hội nghị với các chuyên gia, các nhà khoa học trong tháng 12 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp nhiễm Covid-19 chuyển nặng và tử vong.
Yêu cầu các địa phương đánh giá tìm nguyên nhân tử vong
Chia sẻ với báo chí trước đó Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc tăng số ca tử vong trong thời gian qua. Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các Sở Y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể.
"Bước đầu, chúng tôi nhận định tử vong xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân mắc bệnh nền, bệnh mãn tính, người cao tuổi sức khỏe suy giảm. Cụ thể nguyên nhân như thế nào thì cần chờ kết luận chính thức", Thứ trưởng Tuyên nói.
Ảnh minh họa: Hải Long.
Để hạn chế tử vong, hiện Bộ chuyển chiến lược mới khi Việt Nam đã cơ bản tiêm hoàn thiện mũi 1. Theo đó, tất cả F0 nhẹ có hướng dẫn điều trị tại nhà, ca nặng thì chuyển đến cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang có kế hoạch tiếp cận thuốc điều trị mới đã lưu hành và đang nghiên cứu trên thế giới để đáp ứng nhu cầu điều trị cho đối tượng bệnh nhân nặng. Đồng thời cũng đang làm việc để đảm bảo cung ứng các thuốc điều trị, thuốc kháng virus sớm nhất đáp ứng nhu cầu điều trị.
Báo cáo tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Việt Nam, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả. Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Vì thế, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vaccine.
Lý do là thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới. Bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội.
Nam Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/lam-the-nao-de-giam-tu-vong-do-covid19-20211215105758393.htm