Chiều 4/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác phòng, chống dịch của thành phố trong thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Theo ông Hải, số ca mắc mới, ca tử vong trên địa bàn liên tục giảm. Bên cạnh đó, số ca nhập viện cũng giảm sâu so với thời gian hai tuần trước đây, song song đó, số ca xuất viện luôn cao hơn số ca nhập viện.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng thông tin về ngày đầu tiên khối lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp. Theo đó, qua kiểm tra trực tiếp và báo cáo từ cơ sở, đối với khối Trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh khối lớp 10 đi học trực tiếp hơn 85%; khối lớp 11 là 92% và khối lớp 12 vẫn giữ hơn 98%. Trong khi đó, ở khối Trung học cơ sở, học sinh khối lớp 7, 8 đi học trực tiếp hơn 87%; học sinh khối lớp 9 vẫn giữ tỷ lệ hơn 96%.
Thông tin về việc cấp phép thuốc molnupiravir, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Bộ Y tế đang thực hiện rà soát lại công đoạn, thủ tục phải bảo đảm đáp ứng an toàn thì mới được cấp phép. Việc này được Chính phủ rất quan tâm và khi nào Bộ Y tế cấp phép thì ngành y tế thành phố sẽ cung cấp thông tin. Riêng với loại thuốc kháng virus (gói C), bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố vẫn còn 7.000 liều để đáp ứng các đối tượng cần phục vụ. Sở Y tế sẽ đánh giá, báo cáo lại Bộ Y tế và đề xuất xin 25.000 liều để đáp ứng nếu như có tình trạng tăng nhu cầu sử dụng gói thuốc này trên địa bàn. “Hiện thành phố không thiếu thuốc kháng virus điều trị cho F0” - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định.
Thông tin thêm về công tác điều trị Covid-19 trong thời gian tới, nhất là khi xuất hiện biến chủng Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, ngành y tế thành phố đã sắp xếp các bệnh viện điều trị, thu dung trên địa bàn, theo đó Sở Y tế đã có tái cấu trúc lại các bệnh viện, phân bổ các khoa, phòng cho hợp lý, kể cả bệnh viện tách đôi vẫn giữ nguyên, đồng thời thành phố giữ lại 13 bệnh viện thu dung điều trị với 22 nghìn giường nhằm đáp ứng công tác điều trị nếu có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, các bệnh viện thu dung thuộc quận, huyện, thành phố Thủ Đức, với hơn 8 nghìn giường đều có thể để đáp ứng kịp thời nếu như các quận, huyện có nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19. Về các trường hợp nhiễm biến chủng Ocmicron trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, tất cả các trường hợp này đều không có triệu chứng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) thông tin thêm về trường hợp thứ 6 nhiễm biến chủng Omicron tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, trường hợp thứ 6 là tiếp viên hàng không quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay khi nhập cảnh.
Tính đến ngày 3/1/2022, thành phố có 34 trường hợp nhập cảnh và 37 trường hợp cộng đồng nhiễm SARS-CoV-2 đã được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển giải trình tự gene. Kết quả đã phát hiện 6 trường hợp nhiễm Omicron ở các trường hợp nhập cảnh. Các biện pháp điều tra, truy vết các trường hợp liên quan 6 trường hợp này đã được thực hiện và chưa phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới. Về giám sát tại cộng đồng, hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Trước đó vào ngày 31/12/2021, thành phố đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đều là các ca nhập cảnh.
Linh Bảo/nhandan.vn