Các nhà khoa học quốc tế đều cho rằng trong tương lai nền y tế toàn cầu sẽ phải phát triển hơn về vấn đề tiên đoán bệnh thay vì chăm sóc sức khỏe cơ bản, và công nghệ sẽ là cánh cửa mở ra những giải pháp ưu việt nhất cho một tương lai khỏe mạnh hơn của tất cả mọi người.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại tọa đàm.
Đó là những ý kiến thảo luận tại Tọa đàm "Tương lai của Sức khỏe toàn cầu", vừa diễn ra chiều nay, ngày 19/2, tại Hà Nội. Tọa đàm là một trong những sự kiện bên lề Tuần lễ khoa học Vinfuture.
GS Robert Green (GS về Y khoa và Di truyền học tại ĐH Harvard, Mỹ) nhận định, y học chính xác là tham vọng mà tất cả các quốc gia đều hướng tới. Y học chính xác sử dụng các dữ liệu như AND, lịch sử gia đình, bệnh án của các bệnh nhân, các phương pháp điều trị... để đưa ra những tiên đoán cho con người, hướng tới ngăn ngừa bệnh tật. Thay vì tốn nhiều chi phí cho việc điều trị, phẫu thuật y học chính xác khiến cho dân số khỏe mạnh hơn và bất kể ở địa vị xã hội, dân tộc, kinh tế như thế nào đều dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ y tế.
Tọa đàm thu hút nhiều nhà khoa học của thế giới và Việt Nam.
Các nhà khoa học đã đưa ra những ví dụ và giải pháp để phát triển y học chính xác. Từ thực tiễn nghiên cứu và điều trị ung thư, GS, TS Sangeeta N. Bhatia - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị ung thư bằng y học nano (Trường Đại học Massachusetts, Mỹ) cho rằng, ngày nay ung thư đã trở thành gánh nặng toàn cầu và số ca tử vong chiếm 2/3 trên số ca mắc và có thể sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc phát hiện ung thư sớm nhằm tăng khả năng khỏi cho người bệnh.
"Hiện nay, chúng tôi đã phát triển ứng dụng nano trong phát hiện sớm ung thư. Cảm biến nano nhận biết enzym trong tế bào ung thư và đưa ra những chẩn đoán trong thời gian nhanh nhất. Nó như một dạng "kit test nhanh" tế bào ung thư và sẽ báo kết quả qua điện thoại chỉ sau 1 tiếng". Nghiên cứu bước đầu cho thấy hiệu quả tốt trên động vật. GS cho rằng cần phải chú trọng phát triển các công nghệ ứng dụng y tế tại các nền kinh tế của các nước đang phát triển.
GS Vũ Hà Văn - Đại học Yale, Mỹ.
GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ) cũng thông tin về cơ hội phát triển y học chính xác ở Việt Nam thông qua dự án Giải trình tự gene 1.000 người Việt của Viện nghiên cứu VinBigdata, hứa hẹn sẽ đem lại những kết quả hữu ích trong tương lai. Ông lý giải, trước đây, quy trình khám chữa bệnh truyền thống chỉ đơn thuần là người bệnh bị ốm và đến bác sĩ khám, kê đơn. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy và bắt kịp mô hình y học chính xác trên thế giới bằng những liệu pháp được điều chỉnh phù hợp với từng nhóm nhằm gia tăng hiệu quả chữa trị cho người bệnh. VinBigData ứng dụng trực tiếp vào các sản phẩm giải mã gene với độ chính xác và tốc độ vượt trội, dành riêng cho người Việt. Nghiên cứu sẽ tạo tiền đề hỗ trợ khám phá đặc điểm sinh lý, tâm lý của cá nhân, cũng như dự đoán nguy cơ mắc bệnh phổ biến, bệnh di truyền lặn, đánh giá mức độ đáp ứng thuốc trong tương lai.
Chia sẻ về sự hình dung của mình về y tế trong 20 đến 30 năm tới, GS Vũ Hà Văn nói về ước mơ của ông về việc "phân loại, dán nhãn" dữ liệu tại các bệnh viện sẽ trở nên phổ biến. Việc này ở Mỹ đã có trong nhiều năm nhưng ở Việt Nam và các nước phát triển dường như vẫn ở "giữa quãng đường". GS Vũ Hà Văn cho rằng cần phải lưu trữ dữ liệu sớm nhất có thể và khi đã có dữ liệu công nghệ AI sẽ là giải pháp để thực hiện việc phân loại dữ liệu một cách hiệu quả.
GS Salim Abdool Karim - Trung tâm Nghiên cứu AIDS Nam Phi; Trường Y Nelson R. Mandela thuộc Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi) nhấn mạnh, y học chính xác trong y tế công cộng vô cùng quan trọng, đòi hỏi những tiến bộ của khoa học trong tham gia chẩn đoán, điều trị. "Không có chiếc đũa thần nào gõ được mọi cánh cửa. Y học không phụ thuộc vào một quốc gia mà cần sự tham gia, kết nối của tất cả mọi người".
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đều dự đoán, không chỉ có Covid-19, thế giới sẽ phải đón nhận nhiều đại dịch trong tương lai. Con người cần phải có những dự đoán dựa trên cớ sở dữ liệu thực tế và y học chính xác sẽ là tương lai của sức khỏe toàn cầu.
AN MY/nhandan.vn
https://nhandan.vn/y-te/y-hoc-chinh-xac-se-la-tuong-lai-cua-y-te-toan-cau-682971/