Việt Nam "về đích" trước 6 tháng trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19

Thứ 5, 20.01.2022 | 15:15:45
1,103 lượt xem

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 7 quốc gia có tốc độ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. So với mục tiêu của WHO khuyến cáo, nước ta về đích trước 6 tháng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Tương lai sức khỏe toàn cầu" do Giải thưởng Vin VinFuture (VFP) tổ chức diễn ra chiều 19/1, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước.

Tọa đàm "Tương lai của Sức khỏe toàn cầu" là một trong những sự kiện bên lề Tuần lễ khoa học VinFuture.

Trong suốt 2 năm đối mặt với dịch Covid-19, công tác phòng chống dịch bệnh covid-19 đạt hiệu quả. Trong đó, xác định tiêm vaccine Covid-19 là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ và phục hồi kinh tế xã hội, trong năm 2021 Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo mua, nhập khẩu tiếp cận các nguồn vaccine và tổ chức tiêm nhanh nhất cho người dân.

"Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho người dân là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử y tế Việt Nam", Thứ trưởng Thuấn nói.

Việt Nam về đích trước 6 tháng trong chiến dịch tiêm vaccine  Covid-19 - 1

Đến nay, Việt Nam đã tiêm được 168,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Đến hết ngày 17/1, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 209,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Đã triển khai tiêm hơn 168,9 triệu liều, tỷ lệ tiêm cho người trên 18 tuổi đạt gần 100% mũi một, 95% mũi 2 và đang triển khai tiêm được hơn 16% mũi 3.

Với trẻ từ 12 đến 17 tuổi cũng đã tiêm được 91,3% mũi một, trên 74% mũi 2.

"Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia có tốc độ tiêm vaccine cao nhất thế giới. So với mục tiêu của WHO khuyến cáo, Việt Nam đã về đích trước 6 tháng. Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam dự kiến hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022", GS Thuấn thông tin.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng các vaccine phát triển trong nước hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, trong đó có vaccine ARCT 154 của VGR để sẵn sàng chủ động nguồn cung vaccine trong nước để phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chúc mừng quỹ VFT đã tổ chức đề cử, lựa chọn thành công và vinh danh các công trình khoa học nhằm phục vụ cho người dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

"Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm tất cả chúng ta cần chung tay đóng góp trí tuệ, công sức và đồng lòng để vượt qua dịch bệnh. Tôi hy vọng diễn đàn này là khởi đầu cho sự kết nối trí thức và các nhà khoa học toàn thế giới với Việt Nam bởi khoa học công nghệ chính là vũ khí hữu hiệu của chúng ta cho một tương lai khỏe mạnh hơn của tất cả mọi người. Tôi cũng hi vọng qua hội thảo này các nhà khoa học sẽ có nhiều ý kiến quý báu tư vấn cho Chính phủ và Bộ Y tế về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân", Thứ trưởng Thuấn nói.

Tại phiên tọa đàm, trước câu hỏi của GS Đặng Văn Chí đặt câu hỏi, nhiều người cho rằng trong vài thập kỉ ta còn nhiều đại dịch khác. Ta liệu có thể lạc quan để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai?

Trả lời câu hỏi này, GS TS Drew Weissman - Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) khẳng định: "Chắc chắn còn nhiều đợt dịch hơn nữa. Chúng ta đã có cúm mùa, dịch ebola và còn nhiều hơn. Câu hỏi là ta dự phòng ra sao để ứng phó? Với Covid -19, chúng ta tạo ra vaccine mới sau thời gian đầu bị sốc. Câu hỏi đặt ra, làm sao để ta tạo ra một loại vaccine phổ quát chống lại các loại virus phổ biến trên thế giới".

Hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu, phát triển vaccine ngăn ngừa Covid-19, trong đó mới nhất là biến thể Omicron.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-ve-dich-truoc-6-thang-trong-chien-dich-tiem-vaccine-covid19-20220120094735271.htm

  • Từ khóa