Trong bối cảnh số ca mắc mới liên tục tăng nhanh và chạm mốc 1.000 ca/ngày, Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực, hỗ trợ cao nhất cho y tế tuyến cơ sở trong phân loại, chăm sóc, điều trị các F0 tại nhà. Ngành y tế Đà Nẵng khuyến cáo mọi người dân thực hiện triệt để quy định về phòng, chống dịch 5K, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phát hiện bệnh sớm để chủ động trong cách ly, điều trị.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi hai cho học sinh từ 15 đến 17 tuổi tại Cung thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu.
Trong một tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng diễn biến phức tạp, tăng cao chạm mốc 1.000 ca/ngày, trong đó trên 60% số ca cộng đồng và tập trung nhiều tại các chợ trên địa bàn thành phố. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 21/1, Đà Nẵng ghi nhận 12.039 ca mắc mới Covid-19.
Tập trung điều trị F0 tại nhà
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu ngành y tế và các địa phương tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt việc phân luồng, điều trị các F0 tại nhà. Thành phố Đà Nẵng lưu ý các đơn vị, địa phương linh động trong phân loại F0, xác định điều trị tập trung hay tại nhà và Sở Y tế cung cấp đầy đủ bình oxy cho các trạm y tế lưu động. Sở Y tế cần phối hợp Sở Du lịch sớm kích hoạt các khách sạn tham gia phục vụ điều trị F0; kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ kinh phí ăn, ở, điều trị cho những F0 có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi thêm lực lượng tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới khi dự kiến lượng người về Đà Nẵng tăng cao.
Quận Sơn Trà hiện là điểm nóng, với số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong một tuần qua tăng trên 1.600 ca. Bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, để triển khai điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú, hơn 70 nhân viên y tế trên địa bàn đã được tập huấn để vận hành các trạm y tế lưu động. Từ thí điểm điều trị F0 tại nhà ở phường Thọ Quang và hiện nay đã nhân rộng toàn quận theo đúng hướng dẫn chuyên môn, linh hoạt phân loại, tiếp nhận và điều chuyển F0 bảo đảm đúng quy trình. Toàn quận đang điều trị hơn 700 F0 tại nhà, trong đó hơn 621 trường hợp không có triệu chứng, 80 trường hợp triệu chứng nhẹ.
Phường Nại Hiên Đông hiện là địa phương có ca nhiễm cao nhất toàn quận Sơn Trà. Trên địa bàn phường đang theo dõi, điều trị hơn 260 F0 tại nhà và hơn 500 F1. Chủ tịch UBND phường Cao Đình Hải cho biết, dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, hiện phường lập tổ công tác có 10 thành viên trực tiếp điều hành để tiếp nhận, xác minh điều kiện cách ly điều trị các F0 tại nhà. Hiện nguồn nhân lực tại trạm y tế phường không thể đáp ứng được khối lượng công việc quá lớn, địa phương đang vận động các cộng tác viên dân số tình nguyện tham gia tại trạm y tế lưu động.
Tại địa bàn xã Hòa Liên (địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất toàn huyện Hòa Vang), công tác chăm sóc, điều trị các F tại nhà đang được địa phương quyết liệt triển khai. Từ ngày 1/1 đến nay trên địa bàn ghi nhận 222 ca F0; tỷ lệ số ca mắc cộng đồng 7 ngày qua là 604 trường hợp/100 nghìn dân; nhiều khu vực trong xã chuyển cấp độ 4. Trung tâm y tế huyện Hòa Vang đã điều động năm y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng về thực hiện "ba tại chỗ" tại địa phương để vận hành trạm y tế lưu động; thành lập tổ phản ứng nhanh trong xét nghiệm, phân loại, điều trị F0, xét nghiệm F1. Bác sĩ Ngô Đức, Trưởng trạm y tế xã Hòa Liên cho biết: Tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn xã được triển khai đồng bộ, nghiêm túc. Nhưng hiện tại, nhân lực y tế thiếu là một áp lực rất lớn khi dịch bệnh bùng phát mạnh như hiện nay. Nhân viên y tế vừa chăm sóc, điều trị cho hơn 140 F0 tại nhà, vừa giám sát cách ly hàng trăm F1, trong khi đó vẫn bảo đảm chăm sóc, sơ cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường. Nhưng nhờ có sự tăng cường các y sĩ, bác sĩ về mà địa phương có thêm nguồn lực chăm sóc, điều trị các F tại nhà. Trạm y tế lưu động là phương án hỗ trợ đắc lực cho địa phương nhất là khi dịch bệnh bùng phát cao điểm như hiện nay.
Đà Nẵng kích hoạt các trạm y tế lưu động, điều trị FO tại nhà khi dịch chạm mốc 1.000 ca/ngày.
Nâng cao chất lượng y tế cơ sở
Thành phố Đà Nẵng hiện đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế cho hơn 5.000 người mắc Covid-19, trong đó có 315 F0 chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thuộc nhóm đối tượng nguy cơ là người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi. Tiến sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đối với việc điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú, đến thời điểm này, Bệnh viện Đà Nẵng đã hoàn tất tất cả các quy trình. Tổng số nhân viên y tế đã đào tạo thuần thục bước đầu là hơn 600 người. Bệnh viện cũng xây dựng Sổ tay điều trị cho các bệnh nhân F0 tại nhà, gồm nhiều nội dung liên quan đến công tác điều trị kể cả công tác chăm sóc, quản lý, theo dõi, phân tầng người bệnh khi có nguy cơ đều được ghi lại cẩn thận. Những trường hợp được đánh giá điều trị tại nhà, trường hợp buộc phải đưa vào bệnh viện phân tầng và các công tác chăm sóc điều trị được ghi chép cụ thể để hạn chế tối đa việc điều trị F0 tại nhà mà lây nhiễm cho người khác, kể cả những người trong gia đình và cộng đồng.
Việc thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế (ban hành theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế) là cơ bản phù hợp, sát tình hình thực tiễn, bảo đảm nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội. Hiện, Đà Nẵng hoàn thành tỷ lệ tiêm mũi hai vắc-xin phòng Covid-19 đạt trên 95% số dân trong độ tuổi; có thuốc điều trị; ứng dụng công nghệ thông tin và kinh nghiệm trong công tác điều trị cũng như thực tế các thử nghiệm cách ly y tế và điều trị tại nhà.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng cho biết: Đà Nẵng có khả năng xử lý tình huống khi ghi nhận số ca mắc lên tới 40.000-100.000 ca mắc trên địa bàn. Hiện, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung nâng cao năng lực phát hiện và điều trị người nhiễm Covid-19; thực hiện phân tuyến ba tầng điều trị; tăng cường trung tâm cấp cứu vùng với 100 giường, huy động y tế tư nhân, tăng số trạm y tế lưu động, nhân lực, hệ thống cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú; bảo đảm người nhiễm Covid-19 được tiếp cận với nhân viên y tế, được tư vấn, hướng dẫn F0 các biện pháp theo dõi sức khỏe, chăm sóc bản thân và người ở cùng, phối hợp hỗ trợ kịp thời các trường hợp có dấu hiệu cần chuyển tuyến, cấp cứu. Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm, bảo đảm các tiêu chí bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn, các quy định, quy trình về tiếp đón, sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm tại cơ sở y tế.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/tap-trung-nguon-luc-dieu-tri-f0-tai-nha-683461/