Thời khắc giao thừa vẫn ở trong phòng mổ, các bác sĩ chỉ mong bệnh nhân kịp hồi phục để về bên người thần vui Tết đón xuân.
Ca cấp cứu đặc biệt
Bác sĩ mặc áo giáp vào phòng mổ, chỉ mong bệnh nhân kịp về bên gia đình đón Tết
Đêm giao thừa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhận được báo động đỏ từ Vĩnh Long chuyển sang một ca nhồi máu cơ tim nguy cấp. Ngay lập tức khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện đã tổ chức hội chẩn và "chuẩn bị tinh thần ăn giao thừa trong phòng mổ".
Các bác sĩ xem xét tình trạng bệnh nhân trước khi đưa vào phòng can thiệp (Ảnh: Nguyễn Cường).
Chỉ cách giao thừa không lâu, bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp. Mặc trên mình chiếc áo của phòng mổ, bác sĩ Nguyễn Văn Nhiệm (khoa Tim mạch can thiệp) chia sẻ kỹ thuật đặt stent mạch vành rất phức tạp và tiềm ẩn rủi ro lớn, ca can thiệp có thể kéo dài mấy giờ đồng hồ.
"Bệnh nhân đã gần 80 tuổi rồi nên thành mạch máu không còn tốt nữa nên bị nhồi máu cơ tim. Đặt stent mạch vành đối với bệnh nhân này rất phức tạp và rủi ro lớn, anh em xác định là sẽ cố gắng hết sức và có thể đón giao thừa cùng bệnh nhân luôn", bác sĩ Nhiệm nói.
Bác sĩ thực hiện thủ thuật đặt stent cho bệnh nhân (Ảnh: Nguyễn Cường).
"Mắt nhìn hình ảnh 2D trên màn hình, tay phải cẩn thận đẩy thiết bị từng milimet. Động mạch không phải là đường thẳng mà nó có những đoạn xoắn ốc nên rất khó khăn. Hơn nữa bệnh nhân không được gây mê, không ngừng động đậy nên căng thẳng lắm", bác sĩ Nhiệm cho biết.
Ê kíp gồm 2 bác sĩ thao tác và 3 người hỗ trợ (Ảnh: Nguyễn Cường).
Đặt stent và đóng động mạch thành công cho bệnh nhân ngay trước thời khắc giao thừa, các bác sĩ vỡ òa sung sướng. Kiểm tra lại lần cuối để xác định không xảy ra bất kỳ sự cố nào, vùng tim tổn thương đã được cấp máu, ai nấy không giấu được xúc động.
Bệnh nhân được chuyển qua phòng theo dõi, các bác sĩ sẽ túc trực bên cạnh cho đến khi đảm bảo sức khỏe bệnh nhân ổn định thì sẽ được chuyển sang phòng hồi sức. "Chúng tôi sẽ ở đây cùng bệnh nhân qua giao thừa là chắc chắn rồi. Cấp cứu mà, giờ nào có bệnh là giờ đó ở viện chứ sao được", một bác sĩ chia sẻ.
Bệnh nhân tỉnh táo sau ca phẫu thuật (Ảnh Nguyễn Cường).
Bước qua cửa tử ngay giờ khắc giao thừa, bệnh nhân Nguyễn Văn Q. (78 tuổi) xúc động nói: "Lúc ở nhà tôi đau lắm, cứ nghĩ là chết rồi ấy chứ. Cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm, không biết có phải vui hay sao mà tôi thấy bây giờ khỏe lắm".
Nắm tay bác sĩ Nhiệm, ông Q. nói với giọng thân thương "mình không à, bác sĩ ruột". Bác sĩ Nhiệm cũng chúc ông Q. sớm khỏi bệnh để về vui xuân bên con cháu.
Bác sĩ Nhiệm với bộ áo giáp nặng nề rời phòng can thiệp, dù mệt nhưng rất vui vẻ (Ảnh: Nguyễn Cường).
Quê ở Cà Mau, mỗi năm, cứ ngày thứ 7 cuối cùng của năm thì bác sĩ Nhiệm lại tranh thủ về thăm cha mẹ rồi lại quay lên bệnh viện. Vì trực cấp cứu nên hầu như tết nào bác sĩ cũng ăn tết cùng bệnh nhân.
Ca phẫu thuật cuối cùng của năm thành công tốt đẹp như một lời chúc cho bệnh nhân, cho bác sĩ và cho cả bệnh viện sang năm mới nhiều suôn sẻ.
Các bác sĩ đi thăm và chúc tết bệnh nhân ngay giờ phút giao thừa (Ảnh Nguyễn Cường).
Chỉ mong bệnh nhân sớm được về bên gia đình
Trong khoa gây mê hồi sức, gần 20 giường bệnh đang kín chỗ, tiếng máy theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân kêu liên hồi. Khoa gây mê hồi sức không cho phép người thân bệnh nhân vào, mọi hoạt động chăm sóc đều được thực hiện bởi y bác sĩ. Những ngày cận tết, bệnh nhân tăng đột biến vì tai nạn giao thông, vì thế y bác sĩ cả khoa phải ở lại trực tết.
Bệnh nhân duy nhất trong khoa gây mê hồi sức kịp tỉnh táo để đón giao thừa cùng bác sĩ (Ảnh Nguyễn Cường)
"29 tết rồi, còn có vài tiếng đồng hồ nữa là giao thừa, còn ở đây thì cả bệnh nhân hay bác sĩ cũng không lấy gì làm vui vẻ cả. Nhưng với tinh thần trách nhiệm hết mình vì người bệnh, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng hết sức để bệnh nhân có thể hồi phục nhanh nhất.
Hiện ở đây mới chỉ một bệnh nhân tỉnh táo nhưng chúng tôi sẽ cố gắng và hi vọng ngày mai tất cả mọi người có thể ổn định sức khỏe hơn để được chuyển đến các khoa khác, được ở cạnh người thân", bác sĩ Lê Tuấn Anh chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thay mặt ban lãnh đạo bệnh viện đi chúc tết y bác sĩ, cán bộ nhân viên và bệnh nhân (Ảnh Nguyễn Cường).
Chia sẻ sự vất vả và động viên các y bác sĩ, cán bộ nhân viên phải ở lại trực giao thừa, bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thay mặt ban lãnh đạo bệnh viện đã đi chúc tết mọi người.
"Một năm qua vì dịch bệnh mà anh chị em đã có quá nhiều ngày không được ở cạnh người thân. Hôm nay là giờ phút quan trọng nhưng mọi người vẫn đang ở đây. Chăm sóc người bệnh là trách nhiệm, cũng là thiên chức của chúng ta. Trước giờ khắc bước sang năm mới, tôi chúc anh chị em sang năm được nhiều sức khỏe, bình an và hoàn thành tốt công việc, chăm sóc thật tốt cho người bệnh", bác sĩ Phong gửi lời chúc đến y bác sĩ và cán bộ nhân viên bệnh viện.
Mọi người vui vẻ nhận lì xì đầu năm và chúc nhau những điều tốt đẹp (Ảnh Nguyễn Cường).
Nguyễn Cường/dantri.com.vn