Giữa thời khắc mà cái chết hiển hiện ngay trước mắt, vị bác sĩ vẫn cố hết sức cùng đồng nghiệp giúp sự sống sinh sôi trong đại dịch.
"Em làm thủ tục cho bệnh nhân xuất viện đi, không phải xét nghiệm PCR nữa, tốn kém không cần thiết…
Em chuẩn bị dụng cụ đầy đủ, 12 giờ anh qua tới phòng mổ…
Được rồi, chị cứ đưa người nhà vào nhé…"
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với bác sĩ Hồ Viết Thắng, Phó khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực - Chống độc, kiêm Trưởng khu K1 (khu điều trị Covid-19) của Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TPHCM) chốc lát lại đứt quãng, khi chuông điện thoại của anh liên tục reo.
15 năm hành nghề không bằng nỗi niềm 3 tháng
"Làm bác sĩ mùa dịch là như vậy đó, mong em thông cảm" - bác sĩ Thắng trấn an người đối diện khi phải vừa lo liệu thủ tục hành chính, sắp xếp câu chuyện chuyên môn, vừa làm tâm lý cho thân nhân bệnh nhân. Ở vai trò nào, anh cũng không nề hà mà nhận hết.
Vị bác sĩ kể, giữa muôn trùng rộng lớn của ngành y, anh chọn chuyên khoa Sản vì cảm giác lĩnh vực này… ít buồn nhất. Vì khi vào BV sản, người ta hiếm khi mang nỗi thống khổ của bệnh tật, mà phần lớn là trong niềm vui chờ đón con cái. Cũng chính vì thực hiện nhiệm vụ vun đắp thêm cho hạnh phúc các gia đình, việc thức khuya dậy sớm đỡ đẻ với bác sĩ Thắng lại là một niềm hãnh diện.
Nhưng Covid-19 khiến mọi thứ xoay chuyển 180 độ. Thời điểm dịch bùng mạnh lên vào khoảng tháng 8-9/2021, bác sĩ Thắng được điều động vào "cuộc chiến" trực tiếp với Covid-19. Tòa nhà hành chính cũ của BV được trưng dụng làm nơi tiếp nhận F0, khi chưa có hệ thống oxy buồng lỏng và thiếu thốn trầm trọng máy HFNC (máy thở oxy dòng cao).
Bệnh nhân cứ liên tục tăng, nhiều ngày nhân viên y tế phải bê từng bình oxy lên xuống các dãy nhà, thay nhau bóp bóng xuyên đêm cho bệnh nhân thiếu máy thở. Lúc căng thẳng nhất, hơn 30 bác sĩ và 100 điều dưỡng, nữ hộ sinh cùng động viên không được nản lòng. Bởi cạnh bên họ là những bệnh nhân đặc biệt: Bệnh nhân "hai trong một".
Dù vậy, sự khắc nghiệt của đại dịch khiến bi kịch không muốn vẫn cứ xảy ra. Bác sĩ Thắng vẫn không quên trường hợp thai phụ là lao công BV, nhiễm Covid-19 vào tháng 8/2021 khi mới 26 tuổi. Một tuần sau khi nhập viện, bệnh diễn tiến quá nhanh. Các bác sĩ buộc lòng mổ bắt con, khi bé trong bụng mới 28 tuần tuổi.
Đứa bé vì quá yếu không thể giữ được, nhưng người mẹ sau đó cũng lâm vào nguy kịch. 6 ngày sau khi chuyển đến Trung tâm hồi sức Covid-19 chạy ECMO và lọc máu, sản phụ trút hơi thở sau cùng.
Cứ thế, đã có trên dưới 20 trường hợp ra đi vì Covid-19 tại BV Hùng Vương. Có những em bé vừa chào đời đã mất mẹ, được đưa đến Trung tâm HOPE (nơi tạm chăm sóc trẻ có cha mẹ là F0) do BV thành lập. Trong số này, có em phải chuyển sang viện mồ côi, khi không còn gia đình.
"15 năm tôi công tác tại BV, vô cùng hiếm gặp các trường hợp sản phụ tử vong. Do đó, khi liên tục bất lực nhìn bệnh nhân ra đi, các nhân viên của BV đều bàng hoàng, choáng váng" - bác sĩ Thắng ngậm ngùi chia sẻ.
Theo bác sĩ Thắng, không có một căn bệnh nào diễn tiến cấp tính nhanh, nặng nề với bà bầu như Covid-19. Có ngày, BV tiếp nhận hơn 180 sản phụ F0. Có đêm trực đến 4-5 lần báo động đỏ. Vì là cơ sở y tế chuyên khoa Sản, ở BV Hùng Vương không có bác sĩ hồi sức đúng nghĩa. Do đó khi lao vào chống dịch, nhân viên y tế nơi đây phải vừa tự hỏi han nhau, vừa học online và tham khảo kinh nghiệm ở các nhóm hồi sức BV bạn.
"Trước đây, bác sĩ sản thường không hiểu rõ máy HFNC, thở oxy dòng cao là gì. Chỉ trong mấy tháng mùa dịch, gần như ai trong chúng tôi cũng có kiến thức nền đầy đủ về hồi sức cấp cứu" - bác sĩ Thắng nói.
Giữa thời khắc mà cái chết hiển hiện ngay trước mắt, bác sĩ Thắng cùng đồng nghiệp vẫn cố hết sức cùng đồng nghiệp giúp sự sống sinh sôi trong đại dịch
(Ảnh: BVCC).
Cất ký ức đau thương cùng bước sang năm mới
Bằng sự nỗ lực hơn 100% sức lực của các y bác sĩ, những niềm vui và khoảnh khắc nhiệm màu đã được tạo ra giữa mùa dịch.
Ca bệnh mà cả khu K1 đều nhớ, nhập viện vào tháng 9/2021. Đó là T.T. (23 tuổi), nữ công nhân mắc Covid-19 khi đang mang thai 15,5 tuần và chưa được tiêm vaccine. Thời điểm mới nhập viện, T. còn tiếp xúc được. Nhưng chỉ ít ngày sau, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp, thở máy kéo dài 3-4 tuần liền. Đáp ứng hô hấp kém, bội nhiễm khuẩn, có lúc sinh hiệu T. xuống rất thấp, viễn cảnh mất cả mẹ lẫn con xuất hiện.
Không chấp nhận bỏ cuộc, từ hỗ trợ hô hấp, dùng kháng viêm, thuốc kháng virus, các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh mạnh để xử lý tình trạng bội nhiễm nhưng vẫn theo dõi sát để giữ thai nhi.
"Cô ấy nằm khoảng 6 tuần, xuất viện khỏe mạnh. Tất cả chúng tôi ai cũng hạnh phúc" - bác sĩ Thắng kể.
Nhiều sản phụ sợ ảnh hưởng con mà từ chối tiêm vaccine, sau đó nhiễm Covid-19 nguy kịch (Ảnh: BVCC).
Lại có những bà mẹ vì muốn cứu con nhưng suýt hại cả con và chính mình. Như trường hợp của chị N.T.L. (27 tuổi, ngụ quận 12). Mang thai "con quý" nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, sản phụ kiên quyết không tiêm vaccine vì sợ ảnh hưởng 2 con trong bụng.
7 ngày sau khi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, sức khỏe của chị L. chuyển biến xấu phải thở máy, khiến song thai 32 tuần tuổi suy tuần hoàn nhau thai. Nhận tin báo, bác sĩ Thắng cùng các đồng nghiệp hội chẩn và quyết định mổ khẩn ngay tại khu K1. Hai bé trai có cân nặng vỏn vẹn 1,6kg được chăm sóc đặc biệt sau khi chào đời, vì sinh thiếu tháng. Riêng người mẹ tiếp tục thở máy trong 5 ngày. May mắn là gia đình họ đều vượt qua cửa tử.
Hỏi những ngày dịch bùng phát, có điều gì khiến anh phải sợ hãi hay không. Bác sĩ Thắng trầm ngâm, bảo "lo nhiều hơn sợ". Vì anh vẫn còn cô con gái nhỏ mới 8 tuổi chưa tiêm vaccine. Mỗi lần sau ca trực, dù được về nhà nhưng anh luôn giữ khoảng cách với con. Và vì hiểu rõ sự tàn nhẫn của dịch bệnh, anh tự nhủ lòng, phải tự giữ sức khỏe chính mình thì mới chăm được bệnh nhân, mới làm chỗ dựa cho gia đình được.
Trong hơn 2.000 sản phụ mắc Covid-19 vượt cạn thành công tại BV Hùng Vương, hàng trăm trường hợp đã "qua tay" bác sĩ Hồ Viết Thắng. Anh khiêm tốn cho rằng, mình chỉ đóng góp một phần nhỏ, vì mọi thành công đều thuộc về tập thể.
Những ngày TPHCM bình thường mới, bác sĩ Thắng thấy mọi người đã có phần chủ quan, bắt đầu tụ tập. Bệnh nhân Covid-19 vào viện bắt đầu tăng trở lại, nhưng giờ chủ yếu là sản phụ mang thai lớn và các trường hợp chưa chích ngừa. Bác sĩ Thắng thống kê, trong 30 ca F0 phải thở HFNC gần nhất chỉ có 2-3 ca mới chích mũi một, còn lại hoàn toàn chưa tiêm.
"Người dân hãy rửa tay thường xuyên và tuân thủ 5K. Và hãy đừng ngại tiêm vaccine. Nhất là bà bầu bị các bệnh lý nền, tiểu đường, cao huyết áp... Tiêm chủng sẽ giúp mọi người lướt qua bệnh rất nhanh" - bác sĩ Thắng khẳng định.
Ba tháng lâm trận cùng Covid-19, nam bác sĩ thấy yêu quý cuộc sống hơn, khi số phận con người có thể thay đổi bất ngờ, chóng vánh. Do đó, anh tâm niệm sẽ luôn cố sống hiền hòa, yêu thương nhau nhiều nhất có thể.
"Sắp bước qua năm mới, chúng ta hãy cất một phần lịch sử buồn đã qua, bỏ lại mọi nỗi đau để cùng bước tiếp" - bác sĩ Thắng gởi gắm rồi lao nhanh đến phòng mổ, nơi các đồng nghiệp đang chờ.
Hoàng Lê/dantri.com.vn