Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các báo cáo chỉ ra rằng, mệt mỏi là triệu chứng mà những người đang hồi phục sau Covid-19 gặp phải nhiều nhất.
Tình trạng mệt mỏi ở đây được mô tả là một cảm giác nặng nề/quá tải về cả thể chất và tinh thần.
- Mệt mỏi về thể chất: Bệnh nhân sẽ cảm nhận được rằng khi mệt mỏi, cơ thể mình rất nặng nề và ngay cả những chuyển động nhỏ cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
- Mệt mỏi về nhận thức và tinh thần: Khi mệt mỏi, bệnh nhân sẽ khó suy nghĩ, tập trung hoặc tiếp nhận thông tin mới và trí nhớ cũng như việc học bị ảnh hưởng. Ngay cả việc tìm từ cơ bản/đơn giản và giải quyết vấn đề cũng có thể trở nên khó khăn.
Tình trạng mệt mỏi có thể gây kiệt sức sau khi hoàn thành những công việc thường ngày và bệnh nhân có thể thức dậy với cảm giác mệt mỏi như trước khi ngủ.
Mức độ mệt mỏi của bệnh nhân có thể thay đổi theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ. Bệnh nhân có thể có ít động lực để làm bất cứ điều gì vì quá mệt và/hoặc biết rằng sẽ kiệt sức ngay cả khi làm một việc nhỏ nhất.
Bệnh nhân có thể thấy khó giải thích tình trạng kiệt sức của mình cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp hiểu. Trong khi đó, giúp người khác hiểu được sự mệt mỏi của bản thân và cách nó tác động có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với cách bệnh nhân đối phó và quản lý sự mệt mỏi của mình.
Xác định số lượng hoạt động trong ngày
Đây là một chiến lược giúp quản lý các hoạt động của bệnh nhân mà không làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có. Bệnh nhân nên xây dựng một kế hoạch hoạt động linh hoạt cho phép hoạt động trong khả năng hiện tại của mình và tránh "bị quá sức".
Sau đó, mức độ hoạt động của bệnh nhân có thể được tăng dần lên một cách có kiểm soát theo thời gian khi mức năng lượng và các triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện.
Bằng cách điều chỉnh nhịp độ các hoạt động của mình, bệnh nhân đảm bảo rằng:
- Kiểm soát những yêu cầu bệnh nhân đặt ra đối với bản thân
- Đảm bảo những nhu cầu này phù hợp với khả năng hiện tại của mình.
- Bệnh nhân đang bộc lộ cơ thể và tâm trí của mình trước những nhu cầu này một cách thường xuyên và có kiểm soát để hỗ trợ quá trình phục hồi tiến triển của bản thân.
Bước đầu tiên là suy nghĩ xem bây giờ bệnh nhân có thể quản lý bao nhiêu hoạt động mà không có nguy cơ bị quá sức hoặc tái phát. Điều quan trọng là không so sánh bản thân với người khác hoặc so sánh với mức độ bệnh nhân có thể làm trước đây. Từ đó, bệnh nhân sẽ có thể thiết lập được số lượng hoạt động có thể thực hiện mỗi ngày một cách an toàn.
Ưu tiên hoạt động quan trọng
Khi mức năng lượng thấp, bệnh nhân có thể cần phải đảm bảo rằng, năng lượng bệnh nhân sử dụng được dành cho các hoạt động quan trọng nhất. Sẽ có thể hữu ích khi xác định những hoạt động nào trong ngày của bệnh nhân là cần thiết. Nghĩa là những việc nào "cần" làm và những việc bệnh nhân "muốn" làm, những việc nào có thể được thực hiện vào một thời điểm hoặc một ngày khác và những việc mà người khác có thể hỗ trợ.
Lập kế hoạch
Khi lập kế hoạch cho ngày hoặc tuần của bệnh nhân, nếu có thể, hãy trải đều các hoạt động thay vì cố gắng thực hiện tất cả chúng trong một ngày. Hãy nghĩ xem khi nào năng lượng của bản thân có thể ở mức tốt nhất và hoàn thành các việc tốn nhiều năng lượng vào thời điểm đó.
Cũng như lập kế hoạch cho các hoạt động của bệnh nhân, việc lập kế hoạch nghỉ ngơi và thư giãn để giúp bệnh nhân "nạp năng lượng" cũng quan trọng không kém. Hãy lập kế hoạch cho thời gian nghỉ ngơi nhiều lần, nếu cần, trong ngày. Tạo nhật ký hoạt động hoặc một kế hoạch hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân điều chỉnh nhịp độ của bản thân và ưu tiên những gì bệnh nhân muốn và cần làm. Có thể phải thử vài lần trước khi có thể đi đúng hướng. Nhưng khi bệnh nhân cảm thấy mình đã tìm thấy đúng cấp độ của mình, thì điều quan trọng là phải đảm bảo một khoảng thời gian nhất định trước khi tăng hoạt động.
Minh Nhật/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/met-moi-trieu-chung-hau-covid19-thuong-gap-nhat-20220214093837212.htm