Bàn tròn và giao lưu "Cảm ơn blouse trắng!"

Thứ 4, 23.02.2022 | 14:38:02
566 lượt xem

Từ 8 giờ ngày 23-2, Báo Người Lao Động tổ chức buổi trao đổi bàn tròn và giao lưu trực tuyến với chủ đề: Cảm ơn "blouse trắng"!. Khách mời là lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, lãnh đạo các bệnh viện, trưởng khoa, điều dưỡng tại các trung tâm điều trị Covid-19…


Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2022), nhằm tôn vinh đội ngũ y - bác sĩ đã không quản ngày đêm lao động, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là tham gia tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19 trong suốt 3 năm qua, 8 giờ ngày 23-2, Báo Người Lao Động tổ chức buổi trao đổi bàn tròn và giao lưu trực tuyến với chủ đề "Cảm ơn blouse trắng!".

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 2.

Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chương trình được tổ chức với số lượng khách mời giới hạn. Các đại biểu dự bàn tròn và giao lưu trực tuyến với độc giả gồm:

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 3.

Đồ họa: Tấn Nguyên


- TTND-PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM

- PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất

- BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

- TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương

- PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương

- BSCKII Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

- Thượng tá - BSCKII Vũ Đình Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175

- PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

- BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy

- Điều dưỡng Đỗ Thị Kim Liên, Điều dưỡng trưởng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Đại diện Ban Tổ chức là Nhà báo - Tiến sĩ Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

Cùng dự còn có phóng viên của nhiều cơ quan báo, đài.

Báo Người Lao Động chân thành cảm ơn sự tài trợ, đồng hành của Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Xe khách Phương Trang, Công ty CP Tập đoàn MERAP (MERAP Group) dành cho chương trình này và cho cuộc thi viết "Người Thầy thuốc trong tôi" của báo.

Chương trình gồm 2 phần:

PHẦN 1 là trao đổi bàn tròn với 2 nội dung: Nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 - những chuyện không thể nào quên; Tiếng lòng người Thầy thuốc.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 5.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 6.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 7.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng hoa cho các bác sĩ


Tổng Biên tập Báo Người Lao Động TÔ ĐÌNH TUÂN:

             Đội ngũ y tế đã hết lòng hết sức vì người dân

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 8.

Chúng ta vừa trải qua một đại dịch rất kinh khủng và trong suốt quá trình đó, các y bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu đóng vai trò hết sức quan trọng. Thành phố chúng ta là tâm điểm của đại dịch. Chúng ta thấy rằng nếu không có sự hy sinh, sự hết mình, lăn xả của y bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu thì chắc chắn rằng giờ đây chúng ta không thể ngồi với nhau như thế này.

Có thể nói đó là đóng góp rất to lớn, sự hy sinh, sự lăn xả, của lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu, tất cả người dân TP luôn ghi nhớ và tri ân. Cho nên hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và cũng là một dịp nói lời cảm ơn các y bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu, Báo Người Lao Động tổ chức bàn tròn và giao lưu trực tuyến, như là một kênh, một dịp để bạn đọc cả nước có thể bày tỏ tình cảm của mình đối với y bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu và cũng là dịp để Báo gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu đã đồng hành suốt thời gian vừa qua.

Có thể thấy rằng trong suốt 2 năm dịch vừa qua Báo Người Lao Động là một trong những cơ quan truyền thông đi đầu trong các hoạt động đồng hành với lực lượng y tế. Từ tháng 4-2000 khi dịch bắt đầu bùng phát thì báo đã tổ chức chương trình ATM thực phẩm miễn phí để hỗ trợ cho người dân và cũng là cách chia sẻ với các y bác sĩ, điều dưỡng lực lượng tuyến đầu Khi đại dịch bùng phát.

Vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, báo đã tổ chức chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", huy động được sự đóng góp của cộng đồng, từ đó chuyển hóa thành các vật dụng chống dịch như trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước khử quẩn, trang phụ bảo hộ.

Tất cả sự đóng góp của cộng đồng đã được báo trực tiếp đến hơn 100 BV và khu cách ly và trong những ngày, đó báo đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của rất nhiều lãnh đạo BV và trong đó có những đồng chí đang ngồi ở đây. Báo rất là xúc động vì điều đó.

Có thể nói rằng suốt thời gian qua, không chỉ Báo Người Lao Động mà tất cả các báo đều có F0 và trong quá trình đó thì các anh chị ở các BV rất chia sẻ, rất hỗ trợ có khi là tư vấn từ xa, có khi trực tiếp chữa trị. Nhờ sự nhiệt tình đó, rất may mắn Báo Người Lao Động là một trong những cơ quan báo chí chưa có người tử vong dù số F0 rất nhiều. Nói vậy để thấy rằng sự chia sẻ, sự tình cảm của các y BS với chúng tôi là rất lớn. Ngay cả một số đồng chí lãnh đạo báo cũng có người thân dính F0. Trong lúc khó khăn ngặt nghèo như thế khi biết tin thì các y BS đã hết lòng chữa trị. Sự quyết tâm, sự nhiệt tình đó đã giúp nhiều người vượt qua được khó khăn này.

Trong những ngày dịch căng thẳng khoảng tháng 8-2021, Ban Biên tập báo có bàn với nhau tình hình này mình đã làm hết sức rồi. Khi đó tất cả mọi thứ ngưng đọng lại hết, kể cả vật chất vận động được cũng khó để chuyển đến các BV, cần nhiều thủ tục. Lúc đó, chúng tôi mới nghĩ ra phải làm một điều gì đó để vinh danh, cảm ơn những người thầy thuốc, và chúng tôi đã quyết định tổ chức cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi"với không gian, thời gian không giới hạn, huy động sự chia sẻ của bạn đọc cả nước.

Cuộc thi khi được phát động thì đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc cả nước đến các y bác sĩ đã xả thân quên mình. Cuộc thi này có ý nghĩa rất to lớn và hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và cũng là một chặng đường để nhìn lại cuộc thi này.

Chúng tôi biết rằng dịp này các BS rất bận rộn, nhiều BS có lịch làm việc dày đặc nhưng vẫn dành thời gian quý báu để đến với cuộc bàn tròn và giao lưu hôm nay. Một lần nữa, thay mặt Đảng ủy - BBT, thay mặt bạn đọc cả nước, xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các ngành y, lãnh đạo BV, các y BS điều dưỡng đã trực tiếp chữa trị bệnh nhân đã hết lòng hết sức vì người dân, hết lòng hết sức vì nhân dân. Và chúng tôi thấy rằng sự đóng góp đó là tất cả tình cảm, trách nhiệm mà người dân cả nước luôn ghi nhớ điều đó.

Chúng tôi mong rằng các y bác sĩ, lãnh đạo ngành y, lãnh đạo BV luôn tiếp tục với màu áo trắng, trái tim hồng, những tình cảm nồng ấm của mình để đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, sự nghiệp chống dịch, để thời gian tới chúng ta có một cuộc sống bình yên, một cuộc sống bền vững.

PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TP HCM

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 9.

MC: Hơn 2 năm trước, khi số bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, quyết định lấy một trường quân sự làm BV dã chiến đầu tiên với số giường khá lớn của ngành y tế đã gây không ít bất ngờ. Mãi đến đợt bùng phát thứ tư vừa qua, mô hình BV dã chiến mới có thể nói là phát huy vai trò trọn vẹn. Vì sao trong thời điểm đó ông và các đồng nghiệp nghĩ đến việc lập BV dã chiến và điều này đã đem lại những lợi ích gì sau này, khi dịch bùng phát mạnh?

- Tôi thay mặt ngành y tế cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ chức buổi giao lưu, gặp mặt với chủ đề "Cảm ơn blouse trắng" và cảm ơn những lời chia sẻ của Tổng Biên tập Báo Người Lao Động. Đặc biệt, thay mặt những người mặc áo blouse trắng cảm ơn các cơ quan truyền thông. Nếu không có sự đồng thuận, giúp sức của mọi người thì blouse trắng sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày hôm qua, ngành y tế đã báo cáo lãnh đạo TP HCM về tình hình dịch cơ bản đã kiểm soát nhưng công việc vẫn chưa dừng lại. Bởi hiện nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, Covid-19 biến thể liên tục.

Qua một khảo sát ngẫu nhiên với số lượng nhỏ, ngành y tế ghi nhận hiện nay, ca bệnh tại TP phần lớn là Omicron chiếm lĩnh. Đó là lý do vì sao ca mắc đang tăng nhưng các ca nặng và tử vong đều giảm rõ rệt. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, Covid-19 này sẽ chấm dứt.

Cách đây 2 năm, lúc đó là ngày 10-2-2020, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi đi vào hoạt động với sự phối hợp của Bộ Tư lệnh TP. Trong vòng 11 ngày, bệnh viện đã được thành lập ngay tại một trường quân sự, khi đó phòng ốc xuống cấp đã nhanh chóng trở thành bệnh viện với khu hồi sức, khu cấp cứu, khu cách ly, phòng áp lực âm… Thời điểm đó, chúng ta cũng nhận được nhiều băn khoăn vì Covid-19 chỉ lác đác vài ca. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng không nên dùng bệnh viện dã chiến để người dân hoang mang.

Những quyết định trên là căn cứ khoa học để ngành y tế tham mưu sớm cho TP sớm lập bệnh viện dã chiến. Bởi qua tìm hiểu, thời điểm đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, đây là bệnh mới và có cơ chế lây lan nhanh tại một số nước dịch đã bùng phát dữ dội như Mỹ, Ấn Độ.

Chúng tôi dự báo trước thế nào ngày đó sẽ đến Việt Nam. Do đó, chúng tôi thành lập bệnh viện dã chiến để kịp thời cách ly người bệnh, không lây lan cho những bệnh nhân khác. Bên cạnh đó, có môi trường chăm sóc tốt hơn và nghiên cứu để ứng phó khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, sau đó, dịch bùng phát, TP đã nhanh chóng lập 36 bệnh viện dã chiến với quy mô 50.000 giường. Nếu không có các bệnh viện dã chiến này thì sẽ không biết thế nào. Có thời điểm sáng thành lập tối là không còn giường. Điều này cho thấy quyết định thành lập bệnh viện dã chiến đầu tiên ở Củ Chi mang tính lịch sử đúng như dự báo của ngành y tế.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 10.

MC: Được biết, BV Dã chiến Đa tầng quận Tân Bình ban đầu dự định là một cơ sở thu dung tầng 1-2 như các cơ sở thu dung quận - huyện khác, nhưng sau đó BV Thống Nhất chủ động yêu cầu đưa lực lượng mở thêm một tầng bệnh nặng - hồi sức. Điều gì thôi thúc ông và đồng nghiệp làm điều đó?

- PGS-TS-BS LÊ ĐÌNH THANH, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 11.

Tôi rất xúc động, vui vì đứng ở đây với đồng nghiệp trao đổi về blouse trắng.

Tháng 7, 8 là những ngày đêm không ngủ, trăn trở dịch bệnh cao như không có cơ sở thu dung hết. Chính có có sự đồng hành của người dân, cộng đồng, báo chí mà đi qua đại dịch kiểm soát được nó.

Bệnh viện đa tầng Tân Bình khác hẳn các bệnh viện khác. Thời điểm đó, Bệnh viện Thống Nhất giữ vững "mặt trận" vì chăm sóc bệnh nhân cán bộ. Tuy nhiên, Covid-19 không đợi ai nên mọi khoa cấp cứu của các bệnh viện phải tiếp nhận. Có những lúc bệnh nhân quá tải, tôi gọi BS Tăng Chí Thượng giữa đêm.

Về bệnh viện đa tầng, đầu tháng 8 tôi đã đi tìm. Sau khi khảo sát thấy ở quận Tân Bình phù hợp nên xuống ngay. Với sự đồng thuận nên xây dựng bệnh viện thu dung tất cả các tầng, tôi bàn với anh Thượng nên xây nặng nhẹ hồi sức trong đó.

BV Thống Nhất theo ca dõi nặng, BV Tân Bình theo dõi trung bình. Trong vòng 7 ngày xây xong bệnh viện đa tầng, chia làm 3 khu nhẹ-nặng-hồi sức.

Với quyết tâm đã xây xong. Sau 3 ngày thiết lập hệ thống oxy. Đây là mô hình hiệu quả trong địa phương đông người có dịch bệnh. Mô hình phòng chống dịch này, tôi nói vui là từ trung ương-địa phương-nhân dân. Bệnh viện đa tầng này chuyển tầng là rất ít, nếu chuyển tầng thì không tiêu hao vật tư, thiết bị, vận hành đơn giản.

Chúng tôi có thể lập các kỹ thuật ở đây, lọc máu, Ecmo… Bệnh viện góp phần nhỏ bé cho thành công. Có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương, lãnh đạo TP, ngành y tế TP. Chưa có tiền lệ, bệnh viện lập nên khi trong tay không có gì, đi xin các nhà hỗ trợ xây dựng, đồng hành. Tôi cũng thật sự cảm động với sự hỗ trợ, chia sẻ từ cộng đồng, đặc biệt báo chí, trong đó có phóng viên Anh Thư - Báo Người Lao Động - xin vào làm phóng sự. Xem lại phóng sự, tôi vô cùng xúc động.

BSCKII VÕ ĐỨC CHIẾN, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương:

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 12.

Vào giữa năm 2021, khi đại dịch trở lại, với quyết định tách đôi BV của TP HCM, tôi nghĩ không chỉ BV tôi mà hầu hết BV đều phải tách đôi để có thể vừa chăm sóc cho người mắc Covid-19, vừa chăm sóc cho người bệnh khác.

Mỗi nhân viên y tế lúc đó không chỉ có công việc chống dịch trong BV mà còn tham gia trận chiến ở các BV dã chiến, các hoạt động ở cộng đồng. Điều thôi thúc chúng tôi vượt qua điều này, đó là sự gia tăng tỉ lệ bệnh nhân tử vong, những tổn thất mất mát về con người, vật chất chưa từng có tiền lệ.

Cộng đồng lại đặt hết kỳ vọng vào đội ngũ blouse trắng. Như Báo Người Lao Động đã nói: “Tổ Quốc cần, cả nước chung tay”. Các bạn nói cảm ơn blouse trắng nhưng blouse trắng luôn cảm ơn cộng đồng: từ thực phẩm, thiết bị y tế, những lời động viên… đã cho chúng tôi động lực. Như vậy, có thể nói điều giúp chúng ta vượt qua tất cả vì sứ mệnh của nhân viên y tế, sự kỳ vọng của cộng đồng vào sứ mệnh này với dịch bệnh chưa từng có trên đất nước.

TS-BS LÊ THANH CHIẾN, Giám đốc BV Trưng Vương:

Cảm ơn Báo Người Lao Động đã cho chúng tôi một kỷ niệm trong thời gian chống dịch khốc liệt và cảm ơn cộng đồng đã giúp chúng tôi vượt qua thử thách đó.

Hiện nay, có thể nói chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh, thích ứng an toàn. BV Trưng Vương là BV đa khoa hạng 1 của TP HCM, là BV được Sở Y tế và ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP giao nhiệm vụ sớm nhất chuyển đổi hoàn toàn để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 cần xử lý chuyên khoa.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 13.

Tôi còn nhớ như in chiều 15-6, lúc 2 giờ, PGS Tăng Chí Thượng triệu tập buổi họp tại BV Trưng Vương, có các BV đa khoa của TP HCM và đặt ra vấn đề rất bức bách: dịch bệnh gia tăng mỗi ngày.

Bệnh nhân Covid-19 không chỉ mắc Covid-19 mà còn có bệnh đi kèm cần xử lý chuyên khoa. BV Trưng Vương nhận vai trò, nhiệm vụ này là một vinh dự cho BV Trưng Vương mà cũng đặt ra một nhiệm vụ mới vì chưa từng tiếp nhận điều trị Covid-19 bao giờ.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ chuyển đổi công năng hoàn toàn, số bệnh nhân còn lại khoảng 250 người, trong đó khoảng 1/3 là bệnh nhân nặng thì ngay lập tức BV có kế hoạch cho các bệnh nhân đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn xuất viện, chuyển viện cho các bệnh nhân nặng.

Dịp này, tôi cũng xin cảm ơn các giám đốc BV bạn đã hỗ trợ BV Trưng Vương tiếp nhận bệnh nhân, hoàn thành được nhiệm vụ Sở Y tế giao phó.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 14.

Các y BS và tình nguyện viên BV Điều trị Covid-19 Trung Vương tổ chức trung thu cho các cháu nhỏ

Đến sáng 18-6 thì BV Trưng Vương đã tiếp nhận ca Covid-19 mỗi ngày, không ngừng gia tăng cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Trước đó, BV đã có sự quán triệt tư tưởng và chuẩn bị kịch bản, tập huấn cho đội ngũ y BS, trang bị kiến thức cơ bản cho tất cả các y BS không chỉ là BS nội khoa hay BS truyền nhiễm, đã là BS rồi thì phải ứng chiến.

Cho đến khi bệnh nhân tràn ngập, có giai đoạn BV 800 giường của chúng tôi tiếp nhận cả 1.000 người, tất cả mặt bằng nào tận dụng được đều bố trí kê giường tạm để phục vụ bệnh nhân. Có những dãy nhà BV Trưng Vương đã tháo dỡ nội thất bên trong cũng được phục hồi để tiếp nhận điều trị.

Sự quan tâm của lãnh đạo TP, Sở Y tế và cả ý thức của các nhân viên rằng đây là một trận dịch đầy khẩn trương mà chúng ta chưa từng đối diện là động lực cho NVYT toàn thể các chuyên khoa đều tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 15.

Sản phụ F0 và bé sơ sinh an toàn xuất viện từ BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương

Nhân đây, tôi xin chia sẻ một kỷ niệm làm chúng tôi nhớ nhất. Ngày 18-6, tiếp nhận BN đầu tiên thì ngày 24-6 có một sản phụ nhập viện, chuyển dạ, thai 39 tuần, trước đó từng sinh mổ và có nguy cơ là đái tháo đường thai kỳ... Đó là ca đầu tiên triển khai phẫu thuật ở sản phụ vừa bị Covid-19 vừa sinh mổ.

Sau khi phẫu thuật thành công, mẹ và bé đều khỏe mạnh, điều đó cho chúng tôi niềm vui vỡ òa, niềm tin và thêm động lực cho thầy thuốc chúng tôi tự tin tiếp tục điều trị các bệnh nhân Covid-19 sau đó. Một lần nữa xin cảm ơn lãnh đạo ngành y tế, các đồng nghiệp và các báo đài, đặc biệt là Báo Người Lao Động đã đồng hành với chúng tôi trong cuộc chiến này.

PGS-TS-BS HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương:

Có những điều không muốn nhớ nhưng cũng có những điều không thể quên

Cảm ơn Báo Người Lao Động đã cho chúng tôi cơ hội tham dự bàn tròn và giao lưu để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong giai đoạn chống dịch vừa qua.

Nhớ lại những ngày chống dịch cảm xúc rất đặc biệt, đó là nỗi buồn xen lẫn niềm vui và tự hào khi bây giờ TP đã xanh trở lại.

TP đã trải qua đợt dịch lần thứ 4, có những cái chúng ta muốn quên đi rất nhiều, nhưng có những điều tôi luôn nhớ.

Điều muốn quên đi là khi dịch bùng phát, quét qua TP đã cướp đi hơn 22.000 người và tác động nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của TP. danh là TP năng động nhất cả nước, TP không ngủ nhưng khoảng tháng 7-8-9, mặc dù làm việc 3 tại chỗ nhưng cũng có những lúc cần phải ra đường, tôi cảm thấy rất đau lòng khi chỉ còn một mình trên đường, đặc biệt chỉ có xe cứu thương chạy. Không chỉ có vậy, hình ảnh phong tỏa khắp nơi, bảng đỏ khu cách ly…

Hình ảnh khốc liệt thứ 2 thể hiện trong bệnh viện chúng tôi vì bệnh nhân rất nhiều, nếu như năm 2020 bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 10 thai phụ mắc Covid-19/ ngày thì khi dịch bùng phát, BV đã tiếp nhận 50 thai phụ. Trong đó, nhiều thai phụ chưa tiêm vắc-xin khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh. Lúc này ảnh hưởng không chỉ 1 tính mạng mà là 2 tính mạng. Chúng tôi phải chăm sóc cả mẹ và bảo vệ bé. Những ngày dịch bùng phát khoảng tháng 6, tháng 7 bệnh diễn tiến rất nặng chúng ta chưa biết nhiều về Covid-19 và chúng ta thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất, về con người.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 16.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết nghẹn ngào

Bệnh nhân trở nặng và chết trên tay của người thầy thuốc mà không làm gì được là những điều chúng tôi không thể quên được. Bên cạnh đó, suốt cuộc đời này chúng tôi không quên được đó là sự hỗ trợ từ ban ngành, địa phương, nhà hảo tâm, người dân chung tay cùng ngành y tế vượt qua đại dịch.

Thời gian đó, giãn cách, thức ăn cũng thiếu, nhận viên y tế cũng thiếu thốn. Ngay căn tin phục vụ người bệnh cũng thiếu nguồn thực phẩm nhưng được sự hỗ trợ của TP ban ngành. Chúng tôi nhận được hỗ trợ rất nhiều từ những gói mắm, muối, bó rau ở Lâm Đồng và các tỉnh miền Bắc gửi vào tiếp thêm động lực cho chúng tôi. Đặc biệt, ngay cả những cháu nhỏ dưới sự hướng dẫn của phụ huynh đã tự tay làm bánh gửi cho chúng tôi nhằm động viên và tiếp sức để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc của mình.

Tôi tin rằng trong cuộc chiến này, ngành y tế chúng tôi không đơn độc để chống dịch. Khoảng giữa tháng 6-7-8-9, BV Hùng Vương thiếu nhân lực rất nhiều vì phải phân chia đi lấy mẫu, tiêm vắc-xin, hỗ trợ điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến. Ngay từ những ngày đầu thành lập bệnh viện cũng cử nhân sự đến Bệnh viện dã chiến Cần Giờ, số 2, 16 để chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Nhân viên y tế chúng tôi chúng như những người dân khác, đứng trước một căn bệnh mới, nỗi lo sợ của nhân viên y tế cũng có. Nhưng vượt qua nỗi lo sợ đó chúng tôi đã xông trận vì chúng tôi quan niệm rằng nếu nhân viên y tế không làm thì không ai làm lúc đó người dân sẽ chết và khi đó chúng tôi xông trận.

Thời điểm đó, BV tách đôi vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị thai phụ mắc Covid-19. Bệnh viện Hùng Vương là nơi điều trị cho thai phụ mắc Covid-19 lớn nhất cả nước. Đến nay, chúng tôi đã điều trị cho 3.200 bệnh nhân, trong đó chỉ có 8 ca tử vong. Rất mừng vì cứu được nhiều thai phụ và giúp nhiều đứa trẻ không mồ côi mẹ từ những ngày đầu sau sanh. Nhắc lại kỉ niệm vừa buồn nhưng đồng thời cũng rất vui vì ngày hôm nay chúng ta kiểm soát được dịch, TP đã xanh.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 17.

Đám cưới tập thể của các bác sĩ, nhân viên y tế phải hoãn cưới để đi chống dịch tại Bệnh viện Quân y 175

Thượng tá - BSCKII VŨ ĐÌNH ÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175:

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 18.

Đại dịch Covid-19 với làn sóng lần thứ 4-2021 đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, đời sống của nhân dân.

BV Quân y 175 chúng tôi đóng trên địa bàn TP HCM với truyền thống "quân dân như một". Chúng tôi tham gia tất cả các mặt trận: cử lực lượng đến BV dã chiến số 7, hơn 30 đội tiêm, các lực lượng ở các cửa ngõ, các đội quân lấy mẫu, tham gia công tác truyền thông, thành lập tổng đài tuyên truyền cho người dân…

BV Quân y 175 có điều thuận lợi hơn vì bình thường đã có khoa điều trị bệnh nhiệt đới; chúng tôi cũng có lực lượng vừa hoàn thành nhiệm vụ từ BV dã chiến ở Nam Sudan về, có kinh nghiệm tổ chức BV dã chiến; thuận lợi thứ 3 là khuôn viên BV chúng tôi rất rộng.

Thời điểm đó, thành lập một khu điều trị Covid-19 trong lòng BV lớn là rất hay, vì có thể tận dụng được nguồn lực con người và trang thiết bị từ BV chính, hỗ trợ lẫn nhau. Mô hình này đã giúp đảm bảo được cả 2 mục tiêu cấp cứu, thu dung điều trị cho bệnh nhân Covid-19 lẫn không Covid-19.

Một bệnh nhân đáng nhớ là nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, anh đã khỏe và thổi kèn lại được. Thời điểm thành lập, dịch bệnh gia tăng, số F0 nặng rất nhiều, đòi hỏi các kỹ thuật chuyên sâu: thở máy, ECMO. Sau này, TP có điều chỉnh về phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả điều trị, đó là BV chị hỗ trợ BV em. Khi đó, BV Quân y 175 đứng đầu một khu vực gồm 5 BV dã chiến, phải nâng lên 500 giường trong thời gian rất ngắn… Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự chuẩn bị nên việc nâng số giường thực hiện được ngay và góp phần cùng ngành y tế TP thực hiện tốt mô hình này.

Kỷ niệm nhớ nhất là sản phụ Thu Trinh, sản phụ thở máy nguy kịch chuyển từ BV Hùng Vương, sau đó 6 ngày một sản phụ khác tên Ngọc Hoài chuyển từ BV Từ Dũ sang. Thời điểm đó chúng tôi chỉ có 2 máy ECMO, mà đã sử dụng hết. Do đó, sau khi xin ý kiến các thầy cô từ các BV và hội chẩn BV, chúng tôi đã quyết định tiến hành kỹ thuật chia đôi ECMO và rất may mắn điều này đã cứu sống cả 2 sản phụ.

Sau đó là cả một chuỗi điều trị cho sản phụ Ngọc Hoài, một bệnh nhân đã phải trải qua thêm 3 lần chảy máu lớn. Chúng tôi đã truyền cho các sản phụ hơn 45 lít máu và chế phẩm máu và các em đều đã vượt qua. Tối qua, trong một cuộc giao lưu với HTV, cả hai sản phụ đều xuất hiện, hết sức khỏe mạnh, 2 cháu nhỏ đều lấy tên tôi.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là đám cưới tập thể ở BV Quân y 175 vừa qua. Chúng tôi nhận thấy các cán bộ y tế trong giai đoạn phòng chống dịch có rất nhiều sự hy sinh vất vả, gác lại việc riêng, gửi con thơ cho người thân, từ bỏ chuyên ngành yên thích để đi vào cuộc chiến… Hy sinh nữa là trong số nhân viên có những người thân, cha mẹ, anh chị em không may mắn đã tử vọng trong trận dịch Covid-19. Nhưng gạt đi mọi sự đau thương, mất mát đó, nhân viên y tế BV Quân Y TP HCM nói riêng và ngành y tế nói chung đã kiên trì giữ vững trận tuyến.

Xin cảm ơn các cơ quan truyền thông, trong đó có Báo Người Lao Động đã đồng hành với bệnh viện. Và xin cảm ơn người dân, xin cảm ơn những người bệnh đã cho chính cán bộ, nhân viên y tế chúng ta có được bài học quý giá.

BSCKII TRẦN VĂN SÓNG, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115:

Bệnh viện căng lều là hình ảnh chân thật nhất!

Tôi còn nhớ tháng 7, 8, bệnh nhân Covid-19 rất đông nhưng BV dã chiến chưa nhiều. BV 115 là bệnh đa khoa lớn nên lượng bệnh nhân cũng rất lớn.

Giai đoạn này ai có triệu chứng hô hấp là vào BV vì chưa test nhanh tại nhà. Có ngày BV nhận trên 100 bệnh nhân. Tôi còn nhớ lúc đó những chiếc xe cấp cứu đậu trước cổng BV, người nhà chở bệnh nhân xông vào BV. Lúc đó, BV lập khoa Covid liên tục, bệnh tăng lên nhiều là lập khoa Covid nhiều, từ khoa số 1, số 2… cho đến khoa số 7. Lượng bệnh tới đâu tăng tới đó.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 19.

Hình ảnh BV căng lều là hình ảnh chân thực nhất, phản ánh đúng nhất về thời khắc khốc liệt ở BV. Chúng tôi thấy rằng cứu người là sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. Tại BV lúc này, bên trong không còn chỗ trống, bệnh viện phải căng lều tiếp nhận. Tại đây, chúng tôi phải mang từng bình oxy, dây oxy đến cho người bệnh.

Chúng tôi rất vui khi làm hết sức mình để đón bệnh nhân vào viện. Qua trận dịch này, tôi thấy cuộc chiến quá khốc liệt nhưng thành công vì BV vượt qua khó khăn. Đó là nhờ tinh thần Việt Nam yêu nước. Tất cả mọi người đều tham gia, ai đứng ngoài đều thấy lẻ loi. Giai đoạn này, tất cả mọi người làm việc 300% sức lực. BV 115 đóng góp phần hồi sức bệnh nặng, duy trì bệnh chuyên sâu người bệnh dù mắc Covid-19 hay không. BV 115 tham gia 12 đến 13 "mặt trận". Dù thiếu nhân sự, cả anh chị xưa giờ chưa làm chuyên môn nay cũng tham gia. Tôi thấy rằng nếu có quyết tâm thì khó khăn qua hết. Tôi nhìn lại sao lúc đó mình vượt qua được, không có khó khăn gì hết. Đó là nhờ tinh thần Việt Nam, tinh thần yêu nước giúp chúng ta vượt qua hết khó khăn.

PGS-TS-BS LÊ MINH KHÔI, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Chúng tôi là đồng đội

Xin nhắc lại điều bác sĩ Sóng, BV Nhân dân 115, vừa nói, thời điểm dịch bùng phát, lúc chúng tôi làm không biết cực nhưng xong rồi nhìn lại không hiểu sao chúng ta vượt qua được.

Tôi thường nói với các học viên của BV mình, trong thời điểm bình thường, chúng ta là đồng nghiệp, nhưng dịch xảy ra chúng ta là động đội. Vì đồng đội là chúng ta cùng xông ra chiến trận. Chúng ta đồng lòng, đồng sức hướng về đồng bào. Nếu không có tình đồng bào của lực lượng y tế, nếu không có tình đồng bào của người dân với lực lượng y tế thì thực sự chúng ta rất khó để vượt qua đại dịch khốc liệt vừa rồi.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 20.

Nói về kỉ niệm có nhiều điều để kể, chung quy lại là những khó khăn chúng ta đã trải qua nhưng ngày hôm nay, chị Tuyết và các anh chị đã chia sẻ.

Tôi xin kể lại kỉ niệm vui nhỏ là thời điểm dịch bùng phát, chúng tôi có nhận một ca sản phụ mắc Covid-19 từ BV Hùng Vương chuyển về cần phải chạy ECMO. Tuy nhiên, khi vừa tiếp nhận thì có bệnh nhân cần can thiệp mà ở BV chỉ có 1 ECMO. Lúc đó, tôi nghĩ mình nhận về thì phải cứu, thứ 2 là bệnh nhân trẻ nếu không làm thì rất có lỗi. Tôi liền gọi cho bác sĩ Trần Thanh Linh, BV Chợ Rẫy, cầu cứu. May mắn, còn 1 máy ECMO và ngay giữa đêm trời mưa, chúng tôi chờ anh Linh mang máy ECMO đến để cứu bệnh nhân.

Tôi không thể quên được hình ảnh thê lương của ngày hôm đó. Nửa đêm mưa, tiếng xe cấp cứu chạy liên tục, đường phố vắng lặng. Khi anh Linh đến, chúng tôi đứng dưới hiên của BV và trao đổi để cứu người bệnh và nhanh chóng đặt ECMO, sau đó bệnh nhân ổn. Tôi ở phía Tây TP và anh Linh ở phía Đông TP, chúng tôi gặp nhau ngay đêm mưa gió, cùng cứu người bệnh và tâm sự không biết khi nào thoát ra được. Nhưng cuối cùng TP cũng trở lại cuộc sống bình thường, được gặp lại mọi người trong khung cảnh ấm áp. Đi qua nhiều khổ đau, mất mát, tang thương để cuối cùng ngày hôm nay chúng ta ở đây may mắn cùng lành lặn và trở lại cuộc sống bình thường.

Điều Dưỡng ĐỖ THỊ KIM LIÊN, điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Nhân dân Gia Định:

Tôi là điều dưỡng hồi sức mấy chục năm rồi nên cảm giác của tôi lúc đó sợ thì không sợ, nhưng rất lo lắng. Vì mình biết bảo hộ mình, nhưng mình chỉ lo lắng vì mình biết mình đang đưa các đồng nghiệp vào nơi rất nguy hiểm, nên mình rất sợ.

Đầu tháng 7, TS-BS Nguyễn Anh Dũng có nói BV mình sẽ chia đôi. Nhưng chưa kịp chia đôi thì ngày 10-7, TS-BS Nguyễn Hoàng Hải cùng tôi và các đồng nghiệp đi BV Gò Vấp để khảo sát, hỗ trợ BV này chuyển đổi công năng. Khi đó, BV mới chuyển đổi công năng, chưa chuẩn bị gì hết. Lúc đi xuống cấp cứu và nhìn thấy gần 10 xe cấp cứu, bệnh nhân chạy vô: SPo2 tụt hết rồi, huyết áp tụt hết rồi. Vậy là phải nhận bệnh luôn, dù chưa kịp chuẩn bị.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 21.

Chúng tôi đã nhận bệnh bằng chiếc khẩu trang này (khẩu trang y tế). Lúc đó, ban đêm về nhà tôi muốn khóc. Vì không lẽ mới ra quân ngày đầu tiên đã nhiễm hết. Khi đó, BV Gò Vấp chưa có thuốc, chưa có gì để hồi sức hết.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 22.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại BV Nhân dân Gia Định

Các đồng nghiệp ở BV Nhân dân Gia Định cũng tất bật. Thế là tôi phải tự chạy xe máy về BV Gia Định để lấy thuốc, 1 giờ đêm cũng chạy. Ở BV Gò Vấp thì rất khó khăn vì phương tiện hồi sức không có. Ra trực thì ở tạm trong trường học, nằm đất…

Sau đó 4 ngày thì mở BV Hồi sức TP HCM. Chúng tôi lại tiếp tục lên BV Hồi sức ngày 13-7, khi khoa cấp cứu còn trống trơn, chỉ mới có mấy chiếc máy thở. Chúng tôi phải chuẩn bị mọi thứ gấp rút. Đêm đó nhận bệnh rất nhiều, mệt lả. Lúc đó còn quên đem theo cả nước uống. Tôi lên BV Hồi sức Covid-19 được 2 tuần thì BV Nhân dân Gia Định tách đôi, thành lập khu hồi sức Covid-19, chúng tôi lại quay về để thành lập khoa… Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng nhiều bệnh nhân qua đời. Cánh cửa khoa hồi sức Covid-19 cũng là cánh cửa tiễn đưa những người qua đời. Ở BV Hồi sức cũng vậy, con đường đi xuống nhà đại thể là một triền đồi rất đẹp nhưng là cảnh tượng rất khốc liệt. Lúc đó, nhiều khi tôi chỉ muốn khóc. Dịch đã qua, để lại cho chúng ta nhiều mất mát. Tôi cũng từng mất đi người thân, mất đi đồng nghiệp…

BSCKII TRẦN THANH LINH, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy

                                     Tình người vượt qua đại dịch

Thật sự mà nói câu chuyện cứu bệnh nhân 91 không phải riêng cá nhân nào. Lúc đó cả nước tập trung, bệnh nhân 91 là bệnh nhân may mắn. Bản thân tôi tham gia điều trị trực tiếp, rồi vô tình cộng đồng gọi thân thương với cái tên bác sĩ 91 nhưng lại là áp lực rất lớn. Vì tháng 7, dịch lây lan hoành hành ngoài Đà Nẵng, mình phải đầu tiên ra Đà Nẵng. Lúc đó, Đà Nẵng nhiều bệnh nhân có bệnh nền nặng, dịch bệnh lây nhanh. Tiếp đến là đợt dịch thứ 3 tại Bắc Giang, tôi lại được tăng cường ra chia lửa cho điểm nóng.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 23.

Thế nhưng, nhìn nhận lại, cuộc chiến tại TP HCM mới là khốc liệt. Đây là cuộc chiến lớn nhất, tôi cùng nhiều đồng nghiệp không mong muốn xảy ra lần nữa. Không hiểu sao lúc đó mình lại vượt qua. Vượt qua cuộc chiến này là tình đồng bào, tình người lúc đó, không ai nghĩ riêng cho mình.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 24.

Kỷ niệm chiếc điện thoại là những tin nhắn, lời cảm ơn, có lời trách móc của người bệnh, cả đồng nghiệp vì người thân gọi để được vào BV hồi sức Covid nhưng không được vì lúc đó chúng tôi không còn cách nào.

Đêm cấp cứu ngoại viện ngồi trên xe cứu thương nhìn những con đường vốn nhộn nhịp giờ chỉ còn những chiếc xe cứu thương mà rớt nước mắt. Tại các bệnh viện nhìn đồng nghiệp như kiệt sức, mệt lả vật vã nhưng vẫn phải gắng gượng vì người bệnh…

Cuộc chiến này, với tôi chắc chắn không thể nào quên, mà theo suốt cuộc đời. Đến nay đã có tia sáng, sự gắn kết, gắn bó. Đọng lại là sự đoàn kết, tình người giúp chúng ta vượt qua đại dịch này.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 25.

TTND-PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TP HCM:

                              4 thử thách lớn của ngành y tế

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 26.

Đợt "sóng thần Delta", ngành y tế gặp rất nhiều thử thách. Thứ nhất là xét nghiệm chẩn đoán số lượng lớn nhất trong thời gian ngắn nhất với yêu cầu 500.000 mẫu/ngày nhưng năng lực không đáp ứng được.

Lúc đó năng lực chỉ có 20.000 -30.000, cao lắm là 50.000, yêu cầu tăng gấp 10 lần là con số kinh hoàng, chúng tôi phải huy động mọi người đi lấy mẫu nhưng cũng không đạt.

Thứ 2 là thách thức tiêm vắc-xin, phải tiêm cho số lượng người dân lớn nhất trong thời gian ngắn. Mấy triệu liều vắc-xin phải tiêm trong thời gian sớm nhất. Do đó, không đảm bảo khoảng cách, nhiều người đi tiêm về bị lây, mắc bệnh.

Thứ 3 là thách thức khi thành lập BV dã chiến trong thời gian ngắn. Lúc đó, ngành y tế liên tục cùng Bộ Tư lệnh tìm địa điểm để thành lập bệnh viện. BV vừa được vệ sinh, rửa buổi trưa chưa kịp khô thì bệnh nhân đến. Quy mô bệnh viện hàng ngàn giường nhưng chỉ sau 1-2 ngày là đầy.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 27.

Bên trong khoa Hồi sức Coivd-19 BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương

Thứ 4 là khi có bệnh viện rồi lại thiếu oxy hàng loạt. Chúng tôi đã phải bằng mọi giá vận chuyển được nguồn oxy khẩn cấp để cung cấp cứu người bệnh.

Kinh hoàng nhất, không ai muốn nhớ là cấp cứu người bệnh. Đầu tiên là điện thoại tổng đài nghẽn liên tục khi số bệnh nhân gọi về quá đông. Chúng tôi phải nâng cấp tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115, sau khi nâng cấp đến lúc tổng đài hết nghẽn thì không có xe cấp cứu. Lúc đó phải huy động hàng loạt xe từ tư nhân, taxi, đến quân đội. Khi có xe rồi lại không có BV tiếp nhận, xe cứu thương phải chạy lòng vòng tìm nơi tiếp nhận bệnh.

Đến khi không để xe cấp cứu chạy lòng vòng thì phải xếp hàng dài để chờ đưa bệnh nhân vào bện viện. Rất nhiều thách thức và thách thức nhất là làm thế nào để giảm tử vong. Từ mỗi ngày vài chục ca tăng lên vài trăm ca tử vong, đỉnh điểm cao nhất là ngày 23-8 với 340 ca tử vong.

Lúc đó áp lực là phải giảm tử vong. Do đó, hàng loạt bệnh viện hồi sức được thành lập. 10 người vào hồi sức cứu được hơn một nửa cũng là rất mừng vì tình trạng rất nặng. Sau đó, chúng tôi tìm được nguyên nhân tử vong chính là người có nguy cơ và tập trung chăm sóc đối tượng này thì đến nay số tử vong đã giảm. Không ai muốn nhớ lại nhưng trải qua hết rồi, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, giả dụ dịch bùng lại cũng không đến nỗi bỡ ngỡ như vừa qua. Không chỉ là sự nỗ lực của ngành y tế mà còn là sự hỗ trợ lớn của lãnh đạo TP, của người dân.

PGS-TS-BS LÊ ĐÌNH THANH, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Lúc dịch chỉ nghĩ làm sao có giường bệnh, máy thở

Đến thời điểm này chúng ta cũng còn cảm xúc, còn nhiều điều để nói. Lúc dịch, chúng tôi nghĩ làm sao có giường bệnh, máy thở để để cứu dân thôi. Tháng 7, 8 giữ làm sao BV phải xanh.

Lúc đó, chúng tôi tận dụng bãi cỏ, mua container để làm nơi cứu người. Nghĩ làm sao có không gian, máy thở, buồng bệnh để cứu cứu dân.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 28.

Cái được là chúng ta "lớn" lên rất nhiều. Giờ đây chúng tôi có được đội ngũ các nhân viên y tế trẻ đầy bản lĩnh, tình người, dấn thân. Chỉ có tình người đưa chúng ta vượt qua, chiến thắng tất cả. Các nhân viên trước đây không biết hồi sức giờ thành nhân viên hồi sức, không biết máy thở, giờ vận hành được máy thở. Qua chiến dịch này, chúng ta có được lực lượng bác sĩ hồi sức ban đầu.

Kỷ niệm với người dân là không quên. Đó là sự đồng hành của nhiều người. Tất cả nhân dân, tất cả lực lượng chính trị đồng hành. Còn nhớ lúc đó chỉ mới có vài máy thở nhưng 10 ngày sau nhờ sự đồng hành đã có hàng trăm thiết bị này hỗ trợ cho công tác cứu người cho chúng tôi.

BSCKII VÕ ĐỨC CHIẾN, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương:

Với trách nhiệm của người đứng đầu, điều mà làm sao cho các nhân viên y tế thấy được sứ mệnh như các anh chị đã chia sẻ vừa qua, là nguồn năng lượng chính để bất kỳ giờ giấc nào chúng tôi cũng có thể huy động được lực lượng. Luôn cần có các chính sách phù hợp. Ví dụ như đứng ở góc độ lãnh đạo, khi thấy các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, phải hy sinh giờ phút riêng tư, không chăm sóc được chính người thân của mình. 

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 29.

Điều trăn trở mà tôi nghĩ không chỉ ở BV chúng tôi, mà tất cả các BV nói chung là cần có chính sách phù hợp từ các cấp giúp cho có một năng lượng thực tiễn để động viên được phần nào những hy sinh, những tổn thất của các nhân viên y tế, để chúng ta tiếp tục huy động được lực lượng này, không chỉ cho dịch Covid-19 mà có thể là cả những trận chiến khác sau này.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 30.

Báo Người Lao Động bàn giao thiết bị chống dịch đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

TS-BS LÊ THANH CHIẾN, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương:

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 31.

Trong vòng 3 ngày chuyển đổi công năng, để có thể vận hành được một BV điều trị Covid-19 có thể nói là "ngổn ngang", từ khâu tổ chức đến hậu cần để có thể đưa một BV hoạt động đồng thuận từ ban giám đốc cho đến từng nhân viên, chắc chắn cần sự thống nhất cao trong suy nghĩ và hành động.

Để đạt được sự thành công, hiệu quả như vậy thì có thể nói sự đồng lòng, thống nhất, hy sinh của cả tập thể. Đó là sứ mệnh trên vai của người thầy thuốc và chúng ta không có chọn lựa nào khác.

Đứng trước sinh tử thì chúng ta phải hy sinh để giành lại sự sống cho người bệnh. Thách thức lớn nhất mà chúng tôi nhớ mãi là cảnh thiếu oxy. Chưa bao giờ tình trạng oxy sụt áp, oxy không đủ để vận hành xảy ra như trong trận dịch này. Chúng tôi ý thức được rằng phải hành động để cứu được người bệnh.

Tôi sợ nhất xảy ra cảnh bệnh nhân tới mà nếu không có oxy để thở, bệnh nhân phải ra đi. Nếu thiếu dịch truyền, thiếu thuốc thì chúng ta còn có một khoảng thời gian để ứng biến, nhưng thiếu oxy thì chỉ vài phút có thể bệnh nhân ra đi. Do đó, chúng tôi đã tăng cường thêm một bồn oxy, nâng công suất lên 25 khối.

Lúc đó vận động mọi nguồn lực, đi xin là chính. Rất may chỉ trong vòng 1 tuần, các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho chúng tôi tới 400 bình oxy. Cho đến khi bồn oxy thứ 2 có được thì chúng tôi mới bắt đầu nhẹ nhõm…

Thứ hai, liên quan tới hậu cần của nhân viên y tế: nhân viên y tế rất hoang mang, không yên tâm. Một phần vì dịch bệnh đến nhanh, chưa từng đối diện. Sự lo lắng đó là có cơ sở vì rất nhiều bệnh nhân diễn tiến nhanh và nặng.

Đối với nhân viên y tế thì BV tập trung đảm bảo nhân viên y tế ít bị lây nhiễm nhất. Rất may mắn từ tháng 6 đến tháng 9, tỉ lệ lây nhiễm của nhân viên y tế chỉ là 4,7%, cho thấy các biện pháp an toàn được đảm bảo, nguồn lực được đảm bảo cho công tác điều trị.

Nơi lưu trú, ăn uống và nghỉ ngơi cho nhân viên y tế cũng rất quan trọng. Làm cực rồi, vất vả rồi thì cần có chỗ nghỉ ngơi tốt. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung để có nơi lưu trú tốt cho nhân viên y tế, phục hồi sức khỏe cho ca làm việc căng thẳng.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 32.

BSCKII TRẦN VĂN SÓNG, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115:

                         Ngành y không lẻ loi trong trận chiến này

Có thể nói rằng nếu không có sự chung tay, chung sức, chung lòng của bà con đồng bào cũng như các nhà hảo tâm trong suốt giai đoạn chống dịch vừa qua thì không riêng BV 115 mà ngành y tế cũng rất khó khăn trong công tác chống dịch.

Qua đây xin tri ân, cảm ơn tấm lòng của bà con gần xa trong cuộc chiến chống dịch vừa qua. Sự tương thân, tương ái của đồng bào ta, lịch sử đã chứng minh điều này. Trong trận chiến này, điều đó luôn có. Điều đó đã giúp chúng tôi có thêm động lực.

Chúng tôi biết rằng mình không lẻ loi trong cuộc chiến này, giúp chúng tôi vững bước thực hiện nhiệm vụ. Các anh chị cũng biết trong cuộc chiến này thì ngành y tế và các BV đã nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy hoặc để khắc phục.

Trong đỉnh dịch, nhờ sự hỗ trợ của bà con, đồng bào, mạnh thường quân, hỗ trợ về mặt hậu cần trong giai đoạn "cái gì cũng cần". Điều này cho thấy sự thiếu thốn khi dịch bệnh tăng cao. Tôi mong rằng thời gian tới ngành y tế tiếp tục được đầu tư về hậu cần, máy móc, trang thiết bị và nhân lực để vừa điều trị cho người bệnh trong thời điểm thông thường vừa đào tạo cho thế hệ trẻ, để khi có dịch thì chúng ta sẵn sàng.

Ở BV 115, đủ nhân lực để chiến đấu tại chỗ nhưng không hình dung được rằng phải chi viện cho nhiều nơi nên lúc đó lực lượng rất mỏng. Do đó rất cần đào tạo thêm các y BS, chú trọng phát triển nguồn nhân lực về hồi sức cấp cứu. Qua mùa dịch, các BV được các mạnh thường quân và nhà hảo tâm trao tặng nhiều máy móc và trang thiết bị rất khó mua sắm trong điều kiện bình thường. Do đó một lần nữa xin cảm ơn tấm lòng tương thân tương ái của bà con nhân dân.

PGS-TS-BS HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương:

Trong đợt dịch vừa qua, BV Hùng Vương là nơi điều trị sản phụ mắc Covid-19 lớn nhất nước. Đến nay, BV điều trị 3.200 sản phụ.

Tháng 6, 7-2021, thời điểm đó thai phụ chưa được tiêm vắc-xin nhưng số ca bệnh, tử vong tăng. Chúng tôi nằm ở tâm dịch, khi tiếp nhận thai phụ và chứng kiến họ tử vong đó là trăn trở rất lớn. Tôi và các đồng nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và được biết trên thế giới đã cho phép thai phụ tiêm ngừa vắc-xin Covid-19. Do đó, ngoài chuyện theo sát điều trị thì tiêm vắc-xin cũng là vũ khí quan trọng giúp giảm số ca tử vong, giảm số ca nặng nên tôi đã mạnh dạn kiến nghị Bộ Y tế tiêm cho thai phụ.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 33.

May mắn lúc đó, tôi là thành viên hội đồng tiêm chủng quốc gia, tôi cũng thuyết phục hội đồng tiêm vắc-xin cho thai phụ. Sau đó, cũng được đồng ý. Đến ngày 12-8 là ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin cho thai phụ của cả nước được tổ chức tiêm tại BV Hùng Vương.

Qua theo dõi, chỉ 2 tuần sau tiêm số ca bệnh giảm, ca nặng cũng giảm. Thời điểm dịch bùng phát, số thai phụ nhập viện nhiều, mỗi ngày 50 tiếp nhận ca. Trong khi đó, khu điều trị Covid-19 ban đầu có năng lực 80 giường, sau đó tăng lên 100 giường, 120 giường, 150 giường và 180 giường vì bệnh nhân nhập viện quá đông. Lúc đó hầu như tê liệt, không hoàn toàn đáp ứng nổi, tất cả giường kê được là đem ra kê hết ở khu điều trị Covid-19.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 34.

Thời điểm đó, thai phụ nhập viện do suy hô hấp dẫn đến sanh non nhiều. Đặc biệt nhiều trường hợp nặng chúng tôi phải chủ động chấm dứt thai kỳ thì những trẻ sơ sinh được sinh ra có mẹ nhiễm Covid-19 cũng tăng. Khi những đứa trẻ sinh ra theo quy trình chúng tôi buộc phải cách ly con khỏi mẹ. Do môi trường cơ sở vật chất thời điểm đó quá đông, không đảm bảo 2 giường bệnh cách nhau 2m nên trẻ được cách ly về khoa sơ sinh. Tuy nhiên, lúc đó cơ cấu Khoa Sơ sinh chỉ có 100 giường trong khi số trẻ có ngày 250 bé. Vì vậy, chúng tôi không thể nào được chăm sóc đủ đầy nên tôi trăn trở vì sinh ra trong đại dịch các con thiệt thòi không được da kề da, không được bú mẹ như những trẻ bình thường khác.

Khi khoa sơ sinh đông như vậy, chúng tôi đã xin Bộ Y tế, lãnh đạo TP thành lập cơ sở hỗ trợ từ bên ngoài để chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19. Vì vậy, Trung tâm H.O.P.E ra đời sau 1 tuần kiến nghị với sự chăm sóc của các tình nguyện viên. Dù các cô chưa có gia đình, chưa thức đêm nhưng với tình yêu bao la, các bạn đã chăm sóc trẻ rất tận tình. Đây là trung tâm nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19.

Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động (từ ngày 23-8 đến 1-11) đã có 259 được chăm sóc và trao trả người nhà an toàn. Có lẽ chưa bao giờ trung tâm nào thành lập mà chúng tôi muốn đóng cửa sớm như vậy vì khi đóng cửa đồng nghĩa với việc chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, các con đã về với gia đình, cha mẹ.

Bàn tròn và giao lưu Cảm ơn blouse trắng! - Ảnh 35.

PGS-TS-BS LÊ MINH KHÔI, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM:

                                     Chúng tôi không ngã lòng

Tất cả bệnh viện đều làm việc hết mình, đóng góp cho TP và cả nước. Bệnh viện Đại học Y Dược lúc đó đưa 300 nhân viên đi các BV dã chiến, đồng thời bệnh viện tự thân thành lập đơn vị hồi sức Covid. Khó khăn thì rất khó đó nhưng ngã lòng thì chúng tôi không ngã lòng.

Phát động một cuộc chiến nhưng không biết kẻ thù là ai. Có lo lắng liệu đủ sức khỏe, song cứ tiến tới thôi. Phải làm gì đó, thấy ý nghĩa công việc mình. Khi thành lập đơn vị Covid-19, bệnh viện phát động kêu gọi học viên cũ của BV từ miền Tây lên, từ miền Trung vào như Hà Tĩnh, Cần Thơ. Thật xúc động khi có bạn từ Cần Thơ lên TP HCM để tham gia lại đi trên xe chở heo vì lúc đó phương tiện giao thông vô cùng khó khăn. Đó là hình ảnh đẹp của lớp trẻ chúng ta. Hãy tin vào thế hệ trẻ, tin vào học trò mình, rất sâu sắc, dấn thân phụng sự cho xã hội. Giống như một bác sĩ bạn từ Quảng Nam vào đi vào TP HCM tham gia chống dịch. Sau 3 tháng về quê bạn ấy tự tin có thể gánh vác bệnh viện. Các bạn không phải ngành y nhưng máu lửa. Trách nhiệm một phần nhưng tình người là tuyệt với nhất. Sợ thì sợ nhưng trong tâm thế như vậy không ai nản lòng.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/suc-khoe/truc-tuyen-ban-tron-va-giao-luu-cam-on-blouse-trang-20220222200153306.htm

  • Từ khóa