Những năm gần đây, tình trạng sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, cận mức 10%, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cũng như việc phát triển kinh tế – xã hội.
Trong những năm qua, mặc dù các cấp, ngành và cơ quan dân số đã triển khai các chính sách, hoạt động liên quan đến công tác DS-KHHGĐ, tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh đã tăng dần qua từng năm. Năm 2016 là 7,9%, đến năm 2021 đã tăng lên 9,9%. Một số huyện có tỷ lệ tăng mạnh như: huyện Chi Lăng (tăng từ 8,8% lên 19,8%); huyện Bắc Sơn (tăng từ 6,7% lên 11,3%); huyện Tràng Định (từ 3,6% lên 7,4%)… Riêng quý I năm 2022, toàn tỉnh có 282/2.772 trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên, chiếm 10,2%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 0,7% (quý I năm 2021 là 9,5%).
Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ huyện Hữu Lũng tuyên truyền về các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ qua hình thức sân khấu hóa
Nguyên nhân khiến số trẻ sinh ra là con thứ ba ngày càng nhiều là do cấp uỷ, chính quyền chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; ảnh hưởng của văn hoá, phong tục tập quán và bất bình đẳng giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại cố hữu trong suy nghĩ của một bộ phận người dân; xu hướng sinh nhiều con để có nhân lực tham gia lao động, sản xuất và phụng dưỡng, chăm sóc gia đình…
Anh Vi Văn Mạnh, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hoà Bình, huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2020, địa bàn xã có 8,9% trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên. Đến hết năm 2021, tỷ lệ này tăng đột biến lên 21,9%. Một số gia đình sinh con một bề là gái muốn sinh con trai để “nối dõi tông đường”, vì vậy việc vận động thay đổi nhận thức, hành vi của người dân đối với chúng tôi càng khó khăn hơn.
Cùng với nguyên nhân trên, nguồn kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ bị cắt giảm, từ năm 2021 đến nay, kinh phí cho các hoạt động dân số đều thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương. Một số mô hình, đề án không có kinh phí để duy trì hoạt động. Ông Hoàng Văn Kiếm, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Toàn huyện hiện có 10 mô hình câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên” và CLB “Mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tuy nhiên, do kinh phí địa phương hạn hẹp nên hầu hết các CLB không hoạt động được thường xuyên, khiến hiệu quả tuyên truyền giảm.
Được biết, đến thời điểm này, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã có những giải pháp tích cực để giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn. Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế – xã hội và nuôi dạy con cho tốt; phấn đấu giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên 1%/năm với những huyện có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên 10%. Đối với những huyện có tỷ lệ dưới 10% tiếp tục vận động các cặp vợ chồng “dừng lại ở 2 con để nuôi và dạy cho tốt”. Cùng đó, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan cho mọi đối tượng trên mọi địa bàn…
Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là một việc làm hết sức khó khăn, tuy nhiên nếu các cấp, ngành liên quan quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân; quan tâm phân bổ kinh phí và triển khai hiệu quả hoạt động, chương trình, dự án, mô hình sinh hoạt câu lạc bộ về DS-KHHGĐ… thì trong thời gian tới, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh sẽ đạt kết quả nhất định.
DƯƠNG KIM/baolangson.vn
https://baolangson.vn/xa-hoi/y-te/493819-can-quyet-liet-giam-ty-le-sinh-con-thu-ba.html