Sự phát triển của mạng xã hội và ứng dụng trên điện thoại thông minh đã giúp công tác truyền thông hiệu quả hơn thông qua cách đối thoại, tương tác.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).
Buổi hội thảo online: “Vắc-xin cho trẻ về thể chất và tinh thần” vừa được Mạng lưới Tri thức số MetaMinds tổ chức và phát lại trên nền tảng Facebook và YouTube thu hút rất nhiều người xem, từ đó giúp lan tỏa thông tin về vắc-xin phòng Covid-19 cũng như những kiến thức hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho trẻ em.
Kết quả khảo sát của Viện Dư luận xã hội cho thấy 81% số người tham gia sẵn sàng đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu ngành y tế tổ chức tiêm. Tuy nhiên không nhiều người trong số này thật sự hiểu và hiểu đúng về tác dụng và ảnh hưởng của vắc-xin tới trẻ.
Trong khi đó, một khảo sát mới được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố vào đầu tháng 4 cho thấy cả nước có hơn 3 triệu trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Tham gia chương trình với vai trò là một trong hai diễn giả, PGS, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã cập nhật về tình hình dịch Covid-19; cách cơ thể đáp ứng với vi-rút; cơ chế tổn thương tim, gây ra rối loạn đông máu, cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch…
Bên cạnh phân tích cụ thể các loại vắc-xin phòng Covid-19 được sử dụng tại Việt Nam, nhất là loại vắc-xin dùng cho trẻ em, PGS, TS Phạm Quang Thái cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể dành cho các phụ huynh có con tiêm phòng, trong đó có việc xử trí các phản ứng từ thông thường đến bất thường cho trẻ sau khi tiêm. Hướng dẫn xử trí khi gia đình có người thân bị nhiễm vi-rút và cách xử lý môi trường sau khi khỏi bệnh…
Đáng chú ý, chính sách tiêm vắc-xin phòng Covid-19 dành cho trẻ nhỏ tại Việt Nam cũng tương đồng một số nước, đó là cần có sự đồng thuận của cha mẹ, và trẻ được khuyến khích tiêm để phòng tránh căn bệnh này.
Ở phần hai của chương trình, TS, BS Trịnh Thị Bích Huyền, chuyên gia về sức khỏe tâm thần chia sẻ về thực trạng sức khỏe tâm thần của trẻ cùng những khuyến cáo giúp cha mẹ, người giám hộ có thể có những cách thức kịp thời để “tiêm phòng” giúp đỡ trẻ tìm lại được niềm vui với cuộc sống.
Trong quá trình tham gia điều trị tại phòng khám, tư vấn và điều trị ngoại trú (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), TS, BS Trịnh Thị Bích Huyền đã gặp khá nhiều trẻ có các vấn đề về sức khỏe tâm thần bệnh nhi đến khám vì những biểu hiện chán nản, kích động, hay buồn bã vì thiếu sự quan tâm…, có trẻ khi bị rối loạn tâm thần còn tự làm đau mình bằng việc dùng dao cắt tay, chân…
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tỷ lệ này càng tăng lên bởi những lý do như: trẻ ở trong các khu vực cách ly, không có sự tiếp xúc với môi trường bên ngoài, học online nhiều, không có các hoạt động thể dục thể thao; gia đình không quản lý được thời gian học tập của trẻ, trẻ có thể sử dụng thoải mái các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại và vô tình nghiện các trò chơi online…
Với những trẻ đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, tăng động… thì việc cách ly thời kỳ dịch bệnh còn gây ảnh hưởng nhiều hơn. Khi mắc bệnh, trẻ có biểu hiện mất ngủ, đau đầu, rối loạn lo âu, trầm cảm, nặng hơn là muốn tự sát hoặc tìm cách tự sát.
Có bốn nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần ở trẻ. Nguyên nhân từ gia đình: bố mẹ và con chưa có tiếng nói chung; bố, mẹ hoặc cả hai áp đặt con cái, kỳ vọng và tạo áp lực học hành cho con quá cao, khi không đạt được kết quả thì tỏ ra thất vọng, chì chiết, đánh mắng trẻ… mâu thuẫn trong gia đình, bạo lực gia đình...
Nguyên nhân từ nhà trường: những mối quan hệ nhà trường như thầy cô, bạn bè, áp lực học tập thành tích của nhà trường, áp lực đi thi học sinh giỏi, đội tuyển, vấn đề về bạo lực học đường… Nguyên nhân từ xã hội: những mối quan hệ ngoài xã hội ảnh hưởng (thí dụ như hội nhóm, bạn bên ngoài trường lớp, rủ nhau dùng chất kích thích…).
Nguyên nhân từ bản thân trẻ: trẻ cũng có thể tự tạo áp lực cho mình, phải đạt được thành tích về học tập, hoặc do nhân cách yếu, dễ bị căng thẳng, stress khi có sự cố…
TS, BS Trịnh Thị Bích Huyền cũng nêu các dấu hiệu nhận biết trẻ bị lo âu, trầm cảm, nghiện game, nhất là trẻ có ý định tự sát, để cha mẹ/người giám hộ có thể nhận biết và có những can thiệp kịp thời.
Đối với trẻ có suy nghĩ tự sát thường có một số các biểu hiện: trước đó trẻ có những biểu hiện của trầm cảm; thường hay nhắc đến cái chết; nói những câu như “cuộc sống chả có ý nghĩa gì”, “đám tang của mình sẽ ra sao nhỉ, bao nhiêu người dự, bạn bè sẽ thế nào”, “tôi muốn được ngủ một giấc ngủ dài và không bao giờ tỉnh lại”, “mọi người vẫn sống tốt nếu không có tôi mà”, “bố mẹ sẽ không phải lo lắng cho con nhiều nữa đâu”…
Có thể trẻ thể hiện những điều này bằng cách viết nhật ký, thư để lại hoặc chia sẻ với bạn bè thân nhất của mình. Trẻ cũng có thể có biểu hiện như xin tiền để mua bán một thứ gì đó hoặc tìm hiểu về một loại thuốc thí dụ như thuốc an thần, hoặc nói về thuốc uống để chết…
Để phòng, chống rối loạn tâm thần tuổi học đường, TS, BS Trịnh Thị Bích Huyền khuyến cáo cha, mẹ, người giám hộ cần tạo mối quan hệ cởi mở với con, đồng hành cùng con, như là bạn bè với con. Tốt nhất là làm sao để con cái có thể chia sẻ chuyện vui buồn ở trường, ở lớp với cha mẹ; động viên con khi con có chuyện buồn ở lớp hay bạn bè, thành công hay thất bại nên chia sẻ với bố mẹ; kết thân với bạn bè của con...
Nếu con có bạn trai hay bạn gái đó là bình thường, không cấm đoán con. Mặt khác tạo môi trường gia đình tốt cho trẻ, tránh xung đột, bạo lực gia đình. Lắng nghe con, không quyết định thay con, mà đưa ra ý kiến và giúp con đưa ra quyết định đúng nhất; rèn luyện cho trẻ nhân cách mạnh mẽ, tránh tình trạng gọi dạ bảo vâng.
Buổi hội thảo online đã nhận được sự đánh giá tích cực và dành sự quan tâm của đông đảo người dân trên các nền tảng mạng xã hội vì những chia sẻ giàu chuyên môn của các diễn giả. Hy vọng, ngày càng có thêm nhiều kênh chia sẻ kiến thức đến từ các chuyên gia giúp nâng cao hiểu biết của người dân và giúp truyền tải những thông điệp đúng đắn đến với cộng đồng. Một cộng đồng có tri thức là một cộng đồng biết tự bảo vệ và khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/y-te/cach-tiep-can-moi-trong-truyen-thong-y-te-693896/