Ung thư thực quản thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 50 đến 70 tuổi.
Ông Vương, 62 tuổi (người Trung Quốc) đến bệnh viện để nội soi dạ dày với tình trạng khó chịu ở bụng. Tuy nhiên, bác sĩ phát hiện có khoảng 1/3 thực quản của ông bất thường nên tiến hành sinh thiết thêm. Kết quả cho thấy ông Vương mắc ung thư thực quản.
Qua kiểm tra, các bác sĩ cũng xác định tế bào ung thư chưa di căn khỏi hạch nên đã tiến hành phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để cắt bỏ khối u. Sau khi được chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng, sức khỏe của ông Vương hồi phục tương đối khả quan.
Theo bác sĩ điều trị, thực tế phẫu thuật ung thư thực quản không khó nhưng việc chăm sóc theo dõi là quan trọng nhất, vì bệnh nhân dễ bị viêm phổi, khó ăn uống sau phẫu thuật.
"Ban đầu tình trạng này thường do bệnh nhân khạc đờm kém dẫn đến tích tụ nhiều đờm gây viêm phổi. Do đó, để tránh viêm phổi, bệnh nhân cần được hút đờm, đồng thời tích cực tập luyện phục hồi chức năng, tập thở và nuốt thức ăn", bác sĩ chia sẻ.
Ngoài ra, do thực quản mới được tái tạo nên bệnh nhân phải ăn thức ăn mềm trước, sau đó từ từ tập ăn thức ăn cứng như cơm.
Ung thư thực quản thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 50 đến 70 tuổi. Các thủ phạm gây ung thư thực quản có thể bao gồm: hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều trầu cau, thức ăn có chứa nitrosamine, ăn quá nóng, béo phì, trào ngược dạ dày…
Tuy nhiên, ở một số người có một hoặc thậm chí vài yếu tố nguy cơ nhưng không bị ung thư thực quản. Dẫu vậy, người bệnh không nên chủ quan mà cần đi thăm khám khi thấy những dấu hiệu đó.
Do ung thư thực quản không có triệu chứng ở giai đoạn đầu nên hầu hết bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi đi khám vì không ăn uống được. Tuy nhiên, lúc này bệnh có thể đã ở giai đoạn 3 trở lên. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị cũng như quá trình hồi phục hậu phẫu.
Xác định các yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản là bước đầu tiên để tiến đến dự phòng căn bệnh này. Cách dự phòng căn bệnh này là từ bỏ hoặc không bao giờ hút thuốc là và hạn chế uống rượu, thay đổi chế độ ăn: tăng lượng rau và hoa quả ăn vào hàng ngày.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.
Minh Nhật/dantri.com.vn