Từ ngày 14/4, Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 11 tuổi.
Trẻ nguy cơ thấp, sao vẫn cần tiêm vaccine Covid-19?
Từ ngày 14/4, Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 11 tuổi. Ngành y tế ước tính đến quý 2 sẽ tiêm cho toàn bộ 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 và tiêm đủ 2 mũi. 3,6 triệu trẻ còn lại (đã mắc Covid-19, thuộc nhóm trì hoãn tiêm 3 tháng) sẽ được tiêm vào tháng 8,9.
Giải đáp những băn khoăn của cha mẹ về việc tiêm vaccine cho trẻ trong buổi Giao lưu trực tuyến "Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi cần thiết như thế nào?" do Báo điện tử Dân trí tổ chức vào ngày 29/4, TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng chỉ đạo Tuyến, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) nhận định: "Theo các thống kê, khả năng mắc Covid-19 nặng ở trẻ em thấp hơn so với người lớn nhưng không phải là không có. Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng, cho đến nhập viện vì tình trạng bệnh nặng. Trên thực tế lâm sàng, ở 3 bệnh viện nhi đồng tại TPHCM đã tiếp nhận các trường hợp trẻ mắc Covid-19 chuyển biến nặng, phải thở oxy, thậm chí thở máy, lọc máu và ECMO. Ngoài ra, còn có những trường hợp viêm đa hệ thống (MIS-C). Theo thống kê, từ tháng 4/2021 - 3/2022, có gần 5.000 trẻ em mắc Covid-19 nhập viện ở các bệnh viện điều trị bệnh nhi Covid-19 ở TPHCM. Trong số này có trên 90% trẻ dưới 12 tuổi".
TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng chỉ đạo Tuyến, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận hoa cảm ơn từ đại diện Báo Dân Trí (Ảnh: Hoàng Giám).
Cũng theo chuyên gia này, nguy cơ Covid-19 đối với trẻ em còn cần phải xét đến các vấn đề hậu Covid-19. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hậu Covid-19 ở trẻ em dao động 1 - 5%.
Một vấn đề khác cần xét đến là hiện tại biến thể Omicron gây triệu chứng lâm sàng tương đối nhẹ nhưng chúng ta không thể biết trong tương lai có thể xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn hay không.
"Để đi đến quyết định tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã dựa trên rất nhiều thông tin, trong đó có các chứng cứ khoa học từ CDC Hoa Kỳ, kinh nghiệm triển khai của hơn 60 nước đã tiêm vaccine cho trẻ em, cũng như tham khảo các ý kiến của các chuyên gia, tổ chức trên thế giới. Khi phân tích giữa lợi ích và nguy cơ, Bộ Y tế đã quyết định triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Xét về lợi ích việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này vượt trội hơn so với nguy cơ", TS Nhàn nhấn mạnh.
Giá trị của "lá chắn vaccine" với sự phát triển của trẻ
Theo TS Nhàn, trẻ 5 - 11 tuổi đang trong giai đoạn phát triển mạnh, khả năng tạo ra miễn dịch tốt, nhưng đối với bệnh lý cần miễn dịch đặc hiệu để chống lại tác nhân đặc hiệu. Ví dụ như để phòng bệnh Covid-19, chúng ta tiêm vaccine Covid-19. Ngay cả với vaccine Covid-19, kháng thể giúp bảo vệ cơ thể ngăn ngừa không cho virus gắn vào tế bào gây bệnh phải là kháng thể trung hòa.
Trước đây khi ở đỉnh dịch, chúng ta tiêm cho người lớn tức là tiêm cho 74% dân số. Ví dụ nhà chúng ta có 7 người lớn và 3 trẻ em, khi tiêm 7 người lớn sẽ bảo vệ cho 3 trẻ em còn lại.
Khi bình thường trở lại, đến lớp học các em trong lớp sẽ tạo thành cộng đồng mới. Cộng đồng này là các em trong lớp học chưa được tiêm chủng. Nên khi có một trường hợp mắc bệnh sẽ lây cho tất cả.
TS Nhàn chia sẻ: "Thời gian đầu bố mẹ chính là người che chở nhưng sau đó các em bước ra cộng đồng thì lại đối mặt với nguy cơ mắc bệnh".
TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng chỉ đạo Tuyến, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ những thông tin y khoa hữu ích cho các phụ huynh có con từ 5-11 tuổi tiêm vaccine Covid-19 (Ảnh: Hoàng Giám).
Hiện Bộ Y tế quyết định sử dụng 2 loại vaccine để tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi. Đó là vaccine Moderna: Tiêm cho trẻ 6 đến dưới 12 tuổi và loại thứ hai là vaccine của Pfizer: Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
"Hai loại vaccine này đã được sử dụng cho nhóm tuổi cao hơn và đã chứng minh tính an toàn. Trước khi đưa vào tiêm cho trẻ em bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng và thấy rằng hiệu quả trên 90%", TS Nhàn thông tin.
TS Nhàn chia sẻ, hiện có trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi. Dữ liệu đầy đủ nhất và tin cậy nhất là của Mỹ. Cuối tháng 3, có một báo cáo tổng hợp đến thời điểm đó Hoa Kỳ đã triển khai tiêm 8,7 triệu liều vaccine Covid-19 thấy rằng đa số tác dụng phụ đều nhẹ, liên quan đau chỗ tiêm, chóng mặt. Có khoảng 11 trường hợp phản ứng phụ liên quan viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ viêm cơ tim khi mắc Covid-19 (Theo thống kê của Israel là 1/1.600).
"Dĩ nhiên, có một số trường hợp trẻ bị sốc phản vệ. Theo thống kê của Mỹ là 11 trường hợp/1 triệu liều. Đa số trường hợp đó được xử trí an toàn. Về hiệu quả của vaccine, theo thống kê của Mỹ ở thực tế khả năng bảo vệ giảm nguy cơ bệnh nặng phải cấp cứu là 51%, khả năng bảo vệ chống nhập viện là 74%", TS Nhàn nói.
Trước và sau khi trẻ tiêm vaccine Covid-19 cần lưu ý những gì?
Theo TS Nhàn, trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine Covid-19, điều quan trọng nhất là các vị phụ huynh cần giữ một tâm lý thoải mái, bởi nếu phụ huynh lo lắng cũng sẽ khiến các con sợ hãi, hoang mang.
Khi trẻ lo lắng sẽ có phản ứng stress do tiêm chủng khiến trẻ tái mặt, hồi hộp, đau bụng sau tiêm.
TS Nhàn thông tin: "Hơn 1.000 đội tiêm tại TPHCM đã được huấn luyện rất kỹ, đặc biệt là về xử trí cấp cứu tại điểm tiêm. Mỗi điểm tiêm có ít nhất một đội cấp cứu và có cả hệ thống cấp cứu lưu động. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng".
Ngoài ra, trước khi đi tiêm vaccine, bố mẹ cũng nên cho trẻ ăn sáng và uống nước đầy đủ. Khi đến điểm tiêm, phụ huynh cần tuân thủ quy định của điểm tiêm.
Sau khi trẻ đã tiêm vaccine Covid-19, gia đình nên theo dõi sức khỏe của trẻ trong 28 ngày, đặc biệt trong 7 ngày đầu và nhất là trong 24h đầu. Theo thống kê, có đến 86% các phản ứng nặng sẽ xảy ra trong nửa tiếng đầu tiên.
Lựa chọn thuốc hạ sốt phù hợp để sử dụng khi cần thiết sau tiêm vaccine Covid-19.
"Trước khi trẻ về, các bác sĩ tại điểm tiêm sẽ phát ra tờ giấy ghi các triệu chứng cần theo dõi trong đó. Do đó, phụ huynh cần tiếp tục giúp nhân viên y tế theo dõi tiếp trẻ với bất cứ triệu chứng gì, ví dụ như: khó thở, đau bụng, nôn ói, phù mô mềm như môi hay lỗ tai. Khi phát hiện các dấu hiệu này cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để thăm khám", TS Nhàn cho hay.
Về vấn đề xử trí tình trạng sốt sau tiêm chủng ở trẻ, theo TS Nhàn, trước hết phụ huynh phải hết sức bình tĩnh và hiểu rằng sốt là phản ứng bình thường sau khi tiêm vaccine.
Khi trẻ sốt quá cao (38,5 độ C trở lên) cần cho uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ sốt thấp hơn có thể cho trẻ uống nhiều nước, mặc đồ thoáng, chườm mát cho cháu. Với các trẻ có tiền sử co giật, nên cho uống thuốc hạ sốt khi các cháu sốt 37,5 - 38 độ C.
"Thuốc hạ sốt nên sử dụng Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng cơ thể/lần và lặp lại mỗi 6 tiếng. Trong trường hợp sốt kéo dài cần lặp lại sau mỗi 4 tiếng. Cần hạn chế sử dụng Ibuprofen và tuyệt đối không sử dụng Aspirin vì những thuốc này có thể gây tác hại cho trẻ", TS Nhàn nói.
Phụ huynh có thể lựa chọn thuốc hạ sốt Hapacol 250 cho trẻ từ 16-25kg, Hapacol 325 cho trẻ từ 26-32kg, với trẻ từ 33-50kg có thể uống Hapacol Sủi với 500mg paracetamol.
Phụ huynh cũng nên nhớ rằng nếu con mình bị sốt 39 - 40 độ C trở lên và kéo dài trên 48 tiếng cần đưa trẻ đi khám, bởi vì có thể trẻ có một bệnh khác tình cờ mắc trước khi tiêm vaccine, điển hình như sốt xuất huyết.
Theo dantri.com.vn