Không hề hút thuốc lá, chức năng gan thận bình thường nhưng sau khi đi khám vì hai triệu chứng rất phổ biến, người đàn ông tại TPHCM tá hỏa khi nghe bác sĩ báo đã mắc ung thư phổi giai đoạn 4.
Trường hợp lâm sàng trên vừa được báo cáo tại hội thảo khoa học "Cập nhật xử trí ung thư phổi - Lý thuyết đến thực hành" do Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức.
Ung thư phổi giai đoạn 4 dù không hút thuốc lá
Theo đó, bệnh nhân là một người đàn ông 62 tuổi, ngụ TPHCM, nhập viện vào cuối năm 2021 với bệnh cảnh ho và sụt cân. Khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân không hút thuốc, không đau đầu, thể trạng trung bình. Dù vậy, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 20 năm, đái tháo đường type 2. Ngoài ho, bệnh nhân cũng bắt đầu thấy đau ngực trái.
Tiến hành các cận lâm sàng, bác sĩ xác định chức năng gan và thận bệnh nhân bình thường. Kết quả CT-scan các vùng trên cơ thể cho thấy bệnh nhân có một khối u phân thùy ở phổi trái kích thước lớn và có hạch ở thượng đòn hai bên, tổn thương mô kẽ dạng nốt nhỏ hai phổi. Bệnh nhân cũng bị hẹp phế quản thùy trên trái.
BS CKII Lâm Quốc Trung, Phó Trưởng khoa Hóa trị ung thư, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, bệnh viện đã tiến hành sinh thiết u phổi trái của bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán đã mắc ung thư phổi, giai đoạn IV.
Một trường hợp ung thư phát hiện khi đã ở vào giai đoạn nặng, phẫu thuật tại Bệnh viện TP Thủ Đức.
Vì bệnh đã nặng, bệnh nhân cần phải hóa trị, ngoài ra còn một số lựa chọn khác như hóa trị kèm liệu pháp miễn dịch, nội khoa nâng đỡ…
BS CKII Lâm Quốc Trung chia sẻ, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất toàn cầu và là nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu. Thống kê của GLOBOCAN (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, trực thuộc WHO) cho thấy, mỗi năm thế giới có hơn 2,2 triệu ca mắc mới và 1,8 triệu bệnh nhân ung thư phổi tử vong.
Căn bệnh làm hàng chục ngàn người Việt tử vong mỗi năm
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, vì bệnh ung thư phổi diễn tiến âm thầm và khó phát hiện, bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn muộn, điều trị rất khó khăn.
Chỉ riêng trong năm 2020, Việt Nam có hơn 26.000 người mắc mới và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì ung thư phổi, nằm trong top đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 70-80% bệnh nhân ở vào giai đoạn nặng (III-IV), tỷ lệ sống 5 năm trung bình chưa đến 15%. Hơn 80% trường hợp là ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Theo các bác sĩ, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của ung thư phổi. Dù vậy, những đối tượng dễ mắc bệnh thường là người hút thuốc lá (cả chủ động và thụ động). Ngoài ra, người làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc người có tiền sử gia đình bị ung thư phổi, bệnh lý mãn tính về phổi cũng là những đối tượng nguy cơ.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tránh xa việc hút thuốc lá để phòng ngừa ung thư phổi (Ảnh minh họa).
Các triệu chứng ban đầu của ung thư phổi thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên có thể kể đến như ho dai dẳng, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, đau ngực, sụt cân không có nguyên nhân, ăn uống kém, chậm tiêu. Khi bệnh nhân cảm thấy đau nhức xương, đau đầu, nôn ói, yếu, liệt đột ngột, nổi hạch cổ, hạch nách… thì có thể khối u đã di căn.
Hiện nay, việc điều trị ung thư phổi đã có nhiều tiến bộ với các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nhắm đích, điều trị miễn dịch. Tùy vào giai đoạn bệnh, thể trạng, tình trạng khối u, các bác sĩ sẽ hội chẩn và căn nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp.
Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa ung thư phổi, người dân cần nói không với thuốc lá trực tiếp, cố gắng tránh xa nơi có khói thuốc lá. Cần duy trì chế độ ăn nhiều rau củ và trái cây, tập thể dục hằng ngày. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Hoàng Lê/dantri.com.vn