Khi mua khoai tây, ngoài chú ý chọn những củ không dập nát bạn còn cần tránh những củ khoai tây có màu này.
Khoai tây là loại thực phẩm phổ biến, giàu tinh bột và có thể lưu trữ dài ngày. Tuy nhiên, khi khoai tây chuyển sang màu xanh thì bạn cần bỏ ngay vì rất có hại.
Theo lý giải, khi được trữ ở nơi sáng sủa, ấm ấp, khoai tây phát hiện ra chúng có lẽ đang ở một nơi thích hợp để phát triển và chuẩn bị mọc mầm. Sự sản sinh chất diệp lục gia tăng dần dần khiến vỏ có màu xanh và cuối cùng vài phần thịt chuyển màu xanh.
Diệp lục là một hóa chất vô hại. Tuy nhiên, ánh sáng và điều kiện ấm áp cũng gây nên quá trình sản sinh ra solanine.
Solanine bảo vệ khoai tây và các loại cây khác trong họ Solanaceae khỏi động vật ăn vỏ và bảo vệ những củ khoai đang mọc mầm khỏi những con vật đói bụng.
Chất hóa học này có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc ở người nếu ăn với số lượng lớn. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, nóng rát cổ họng, đau đầu và chóng mặt. Hóa chất này có xu hướng tập trung ở phần dưới lớp vỏ khoai tây cùng với các chất diệp lục và các chồi mới phát triển.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, một củ khoai tây xanh hoàn toàn với trọng lượng 450g là đủ để khiến một người lớn mắc bệnh. Đáng chú ý, việc nấu ăn không loại bỏ được độc tố solanine.
Nhiều người có thói quen đem rửa khoai tây trước khi đem đi bảo quản để làm sạch bụi bẩn trên vỏ. Tuy nhiên, nếu làm vậy độ ẩm trên vỏ khoai tây có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm và vi khuẩn, khiến chúng nhanh hỏng hơn.
Nếu bạn muốn làm sạch đất bám bên ngoài, tốt nhất chỉ cần lấy miếng vải hoặc bàn chải khô cọ nhẹ là củ khoai sẽ sạch ngay.
Một cách hiệu quả để bảo quản khoai tây là làm mát chúng. Nhiệt độ thích hợp nhất để bảo quản khoai tây là 6-10 độ C. Nếu bảo quản đúng cách ở nhiệt độ này khoai có thể thơm ngon đến vài tháng.
Bạn có thể để khoai tây trong túi lưới hoặc để vào chiếc rổ, không khí được lưu thông, điều hòa độ ẩm. Trong thời gian bảo quản, nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, tránh lây nhiễm sang những củ khoai tây khác.
Tuyệt đối không bảo quản khoai tây trong ngăn đông tủ lạnh bởi nếu làm vậy lượng nước bên trong khoai tây có thể nở ra, hình thành các tinh thể phá vỡ cấu trúc thành tế bào, khiến chúng bị biến chất, hỏng mùi vị và màu sắc sau khi sử dụng.
Khi ở nhiệt độ quá lạnh, tinh bột trong khoai sẽ chuyển hóa thành đường, khi nướng hoặc chế biến ở nhiệt độ cao, đường trong khoai sẽ sản xuất acrylamide hóa học gây hại cho sức khỏe người dùng.
Theo nghiên cứu, khoai tây nên được bảo quản riêng, tránh xa hành tây, táo, chuối và các loại hoa quả tạo ra khí ethylene. Khí này sẽ khiến khoai tây trở nên "lão hóa" nhanh hơn và khiến chúng mọc mầm nhanh hơn.
Khoai tây chứa vitamin C, kali, chất xơ và tinh bột. Khoai tây được chứng minh có nhiều giá trị cho sức khỏe.
Chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc Chen Yiting cho biết: "Khoai tây không chứa nhiều calo. Chủ yếu là do cách chế biến thông thường của chúng ta là chiên giòn hoặc thêm quá nhiều gia vị làm tăng lượng calo cho món khoai tây khiến loại thực phẩm này mang tiếng xấu".
Vì vậy, bạn nên chế biến bằng những cách lành mạnh hơn như: hấp, luộc, nướng. Tránh chiên hoặc thêm quá nhiều sốt phô mai, sốt salad và các loại sốt khác để không làm tăng thêm quá nhiều calo.
Minh Nhật/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/khoai-tay-co-mau-nay-can-bo-ngay-vi-co-doc-20220518160224129.htm