Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang là thực trạng xảy ra tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước trong thời gian vừa qua, gây nhiều hệ lụy cho người bệnh.
Bệnh nhân chờ "dài cổ" để được phẫu thuật vì thiếu vật tư
Có người thân bị bệnh nhưng chưa được phẫu thuật vì thiếu vật tư, cả gia đình chị N.T.H. (Hà Nội) thấp thỏm mất ăn mất ngủ, bồn chồn như ngồi trên đống lửa nhiều ngày nay.
Chị H. chia sẻ, mẹ chồng chị bị đau khớp gối phải rất nặng, đã điều trị một đợt bằng uống thuốc nhưng không khỏi. Gần đây, chị đưa bà đi khám thì bác sĩ thông báo khớp gối đã bị mòn, dẫn tới suy giảm vận động cần phải thay khớp gối nhân tạo, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi lại.
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế gây nhiều hệ lụy cho người bệnh. Hình minh họa.
"Vì muốn yên tâm, tôi đã mất công xin chuyển bảo hiểm cho mẹ lên một bệnh viện tuyến trên, làm hồ sơ, tạm ứng gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên đợi đến 10 ngày mẹ tôi vẫn chưa được mổ. Lý do vì bệnh viện hết khớp gối nhân tạo. Bác sĩ bảo tuần này có nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì", chị H. buồn bã chia sẻ.
Cũng theo chị H., bệnh của mẹ chị không phải cấp cứu, chờ thêm cũng không sao. Nhưng tâm lý người bệnh, ai cũng muốn mau chóng khỏi bệnh nên cứ chờ đợi thế này khiến cả bệnh nhân và gia đình đều rất mệt mỏi. Vì thế, chị đang tính chuyển mẹ sang bệnh viện khác để mổ.
Tình cảnh tương tự, bà T.X. (65 tuổi, Hà Tĩnh) bị đục thủy tinh thể, có chỉ định phải phẫu thuật. Tuy nhiên, cất công từ quê lên một bệnh viện lớn của Hà Nội để khám thì bà chỉ nhận được câu trả lời… "về nhà đợi".
Lý do vì loại thủy tinh thể nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả hiện đã hết (khoảng 4 triệu đồng). Nếu muốn phẫu thuật ngay thì phải dùng loại không được bảo hiểm chi trả có giá tầm 16 triệu.
"Nhẩm tính mổ cả hai mắt hết hơn 30 triệu, tôi đành về nhà rồi tính tiếp. Trước đó tôi cũng đi khám mấy lần rồi, nhưng bác sĩ bảo chưa cần thiết phải mổ, lần này có chỉ định mổ thì lại không mổ được", bà X. nói.
Điều trị đục thủy tinh thể hiện có 2 phương pháp là theo dõi, dùng thuốc có tác dụng làm chậm diễn biến của bệnh và điều trị triệt để bằng phẫu thuật. Bệnh được chia làm 5 mức độ thì độ 3 - 4 là thời điểm mổ tốt nhất. Tuy nhiên, nếu để muộn, thủy tinh thể quá chín, nhân cứng… khiến cuộc mổ phức tạp hơn rất nhiều, hiệu quả cải thiện thị lực không cao.
Bác sĩ tiến thoái lưỡng nan vì "thiếu vũ khí"
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang là một thực trạng nhức nhối, xảy ra tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước trong thời gian vừa qua.
Không chỉ bệnh nhân, mà ngay cả chính bác sĩ cũng gặp khó khi phải chiến đấu bệnh tật mà lại thiếu đi "vũ khí".
Trao đổi với Dân trí, một bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực của một bệnh viện lớn tại Hà Nội chia sẻ rằng, thiếu thuốc khiến bác sĩ rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Bác sĩ tiến thoái lưỡng nan vì "thiếu vũ khí" (Ảnh minh họa).
"Nhiều loại thuốc mà chúng tôi thường xuyên sử dụng như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm, kháng virus có tình trạng khan hiếm. Bệnh viện tôi là cơ sở lớn nên tình trạng này không quá nghiêm trọng nhưng theo tôi được biết, nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội cũng đang gặp tình trạng này", bác sĩ này chia sẻ.
Theo vị này, các loại thuốc bị thiếu đa phần là thuốc phải nhập ngoại, trong nước chưa thể tự chủ sản xuất được.
Việc thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác điều trị của các bác sĩ.
"Trong trường hợp không có thuốc, chúng tôi phải chọn phương án sử dụng một loại thuốc khác kém hiệu quả hơn để thay thế. Đương nhiên việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, có thể kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân", vị bác sĩ này cho hay.
Cũng theo vị này, những bệnh nhân thiếu thuốc nhưng có thể sử dụng thuốc thay thế đã là… may mắn.
Đặc thù Khoa Hồi sức tích cực nhiều bệnh nhân đứng trước lằn ranh sinh tử, có trường hợp bắt buộc phải sử dụng đúng thuốc, nếu thay thế bằng thuốc khác sẽ giảm đáng kể cơ hội cứu sống bệnh nhân.
"Nếu loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng bị thiếu, chúng tôi buộc phải tư vấn, giải thích cho bệnh nhân mua thuốc ngoài. Tuy nhiên, với một bệnh nhân điều trị nội trú, việc chúng tôi kê đơn cho bệnh nhân mua thuốc ngoài là sai quy định. Nhưng nếu không làm như vậy tính mạng của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng và trái với đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ", vị bác sĩ này chia sẻ.
Một cái khó nữa khi bệnh nhân buộc phải mua thuốc bên ngoài, theo vị bác sĩ này, chính là làm tăng chi phí điều trị.
"Các bệnh nhân phải điều trị nội trú, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực, vốn dĩ đã rất tốn kém. Khi bệnh nhân phải mua thuốc ngoài sẽ làm tăng một khoản chi phí không hề nhỏ, tạo gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn", bác sĩ này nhấn mạnh.
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu biệt dược, thiếu vật tư tiêu hao … hiện đang xảy ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Thiếu thuốc cũng là một trong những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội trường Quốc hội. Một trong những nguyên nhân được một chuyên gia y tế chỉ ra, là do giám đốc các bệnh viện "không mặn mà", thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế.
Minh Nhật - Nam Phương/dantri.com.vn