Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế khiến bệnh nhân ung thư và người nhà "khổ đủ đường" khi phải tự xoay xở mua từng cái kim, viên thuốc.
Thiệt đơn, thiệt kép khi bệnh viện hết thuốc
Đi tái khám ung thư tuyến giáp tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, chị Đ.M.T. bất ngờ khi được bác sĩ thông báo thuốc hormone tuyến giáp (Levothyroxyn) tại bệnh viện đang hết và phải mua thuốc ngoài.
"Bệnh ung thư tuyến giáp của tôi 3 tháng phải tái khám một lần. Bắt đầu từ lần khám tháng 12 năm ngoái, các bác sĩ thông báo thuốc canxi bị hết phải mua bên ngoài. Đến tháng 3 đi khám lại, đến lượt thuốc hormone tuyến giáp bị hết. Những tưởng tình trạng này chỉ là trong ngắn hạn nhưng nay tái khám lại thì vẫn chưa có thuốc. Về đọc báo mới biết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã xảy ra trên cả nước", chị T. cho hay.
Nhiều tháng qua, chị T. phải mua thuốc điều trị ung thư ở quầy thuốc tư nhân với mức giá đắt gấp đôi (Ảnh minh họa).
Phải tự xoay xở mua thuốc bên ngoài, chị T. gặp khó đủ đường nhất là trong giai đoạn đầu.
"Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp, 2 loại thuốc chính phải uống cả đời là canxi và hormone tuyến giáp. Những loại này không phải hiệu thuốc nào cũng có. Thời gian đầu, tôi phải loay hoay đi tìm khắp nơi", chị T. chia sẻ.
Tìm được chỗ có bán thuốc đã khó, nhưng tìm đúng loại thuốc bác sĩ kê đơn lại càng khó hơn.
Chị T. lấy dẫn chứng thuốc bổ sung canxi, loại bác sĩ kê đơn có hàm lượng là 1.000mg nhưng ở các hiệu thuốc đa phần chỉ có loại 400mg.
Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp, việc không uống đủ liều canxi sẽ dẫn đến tình trạng tay chân bị đau nhức, tê bì và chị T. cũng không tránh khỏi tình trạng này vì không thể tìm đúng thuốc.
"Ở hiệu thuốc chỉ có viên canxi 400mg. Uống 2 viên/lần theo hướng dẫn của người bán thì vẫn thiếu so với định mức 1.000mg. Do đó, sau một thời gian tôi gặp phải tình trạng tê bì, đau nhức tay chân. Thế nhưng cũng không biết làm sao được vì nếu nâng liều lên 3 viên/lần thì lại sợ thừa", chị T. chia sẻ.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc phải mua thuốc ở bên ngoài đánh thẳng vào thu nhập vốn không mấy dư dả của nữ bệnh nhân này.
Chị T. cho hay: "Cả 2 loại thuốc này mua ở bên ngoài đều đắt gấp đôi so với mua ở trong viện. Sau Covid-19, tất cả mọi thứ từ hàng hóa cho đến xăng đã tăng chóng mặt nay lại cộng thêm tiền thuốc bị dôi ra, khiến gia đình tôi càng chật vật hơn".
Chị T. mô tả việc phải mua thuốc điều trị ung thư ở bên ngoài khiến chị "thiệt kép", bởi hóa đơn mua thuốc ở ngoài không thể thanh toán bảo hiểm.
Chị T. lý giải: "Trước đây, bảo hiểm mà công ty mua cho tôi sẽ thanh toán gần như toàn bộ thuốc điều trị mua ở bệnh viện. Tuy nhiên, khi mua thuốc ở quầy thuốc bên ngoài thì không thể dùng hóa đơn đó để thanh toán bảo hiểm nữa".
"Bệnh nhân ung thư tuyến giáp phải uống thuốc cả đời. Trong tương lai còn có thể xuất hiện thêm các bệnh khác. Nếu tình trạng bệnh viện hết thuốc kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những bệnh nhân như chúng tôi", chị T. bày tỏ bức xúc.
Người bệnh khổ đủ đường khi tự xoay xở từng cái kim, viên thuốc
Vừa trải qua cuộc phẫu thuật tại một bệnh viện chuyên điều trị ung bướu trên địa bàn Hà Nội, ông B.Q.A. bức xúc khi chia sẻ lại hành trình tự xoay xở của mình: "Trước khi lên bàn mổ, gia đình tôi được hướng dẫn phải tự mua kim luồn và nhiều thứ lặt vặt khác mà đáng nhẽ bệnh viện phải chủ động cung cấp. Không thạo về y khoa, người nhà mua không đúng loại chỉ định lại phải ra đổi rất phiền phức".
Bà H.M.C. sống tại Hòa Bình lên một bệnh viện lớn tại Hà Nội để điều trị ung thư giai đoạn cuối đã di căn não.
Sau khi truyền xong các mũi hóa chất tấn công, bà bước sang giai đoạn điều trị duy trì. Tuy nhiên, bác sĩ lại thông báo loại thuốc truyền lặp lại 21 ngày/lần đã hết, vẫn còn một loại thuốc hóa trị duy trì khác nhưng mỗi tháng phải lên bệnh viện đến 2 lần để truyền.
"Người mang bệnh tật vốn không khỏe, nhà lại xa nên mỗi lần lên viện là một lần khổ, đó là còn chưa kể đến chi phí đi lại, ăn ở rất tốn kém. Các bác sĩ có khuyên tôi chuyển về tuyến dưới ở quê để truyền hóa chất đỡ phải đi lại xa xôi, nhưng tôi và gia đình đã bàn nhau và vẫn đành "cắn răng" quyết lên Hà Nội điều trị cho an tâm", bà C. chia sẻ.
Chị B.T.M., 50 tuổi ở Nam Định, khi đi khám ở một bệnh viện tuyến Trung ương được chẩn đoán u gan, viêm gan nhưng không có thuốc điều trị nên chuyển lên một bệnh viện khác.
Tại đây, dù bác sĩ kê đơn điều trị viêm mạn tính, nhưng khổ nỗi, thuốc bác sĩ kê đi nhà thuốc bệnh viện cũng hết. "Con tôi chở đi khắp các nhà thuốc lớn nhỏ dọc đường Giải Phóng, Ngọc Khánh đều lắc đầu, trả lời hiện đang hết thuốc", chị M. chia sẻ.
Suốt 2 tuần nay, chị vẫn trên hành trình đi tìm thuốc. Mang trong mình khối u mà không tìm được thuốc điều trị, chị M. lo lắng mất ăn mất ngủ, cả gia đình như ngồi trên đống lửa vì lo.
Thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng từ bệnh nhẹ đến người nguy kịch
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia y tế nhận định rằng, vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trên cả nước hiện nay rất đáng báo động. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng rất rộng và đa dạng, từ bệnh nhân nhẹ đến người nguy kịch, từ bệnh nội khoa đến những ca phải can thiệp ngoại khoa.
Chuyên gia này nhận định, với những nhóm bệnh nhân mà thuốc men đóng vai trò thiết yếu và nguy cấp sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh bởi tình trạng này. Ví dụ như bệnh nhân ung thư không có thuốc điều trị hay phải sử dụng thuốc thay thế không thực sự thích hợp sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Điều này khiến họ giảm khả năng kéo dài thời gian sống. Với các bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, nếu thiếu loại kháng sinh cần thiết sẽ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Một thực trạng trước đây được báo chí đưa tin là thiếu thuốc chống thải ghép, đây vốn là một loại thuốc đặc biệt quan trọng với bệnh nhân ghép tạng.
"Thời gian vừa qua, đây là vấn đề được các đồng nghiệp trong ngành trao đổi rất nhiều. Có bác sĩ khoa ngoại còn chia sẻ với tôi rằng, các thuốc, vật tư phục trong một ca mổ cũng rơi vào tình trạng khan hiếm. Thậm chí, kháng sinh để sử dụng sau mổ cũng thiếu", vị này chia sẻ.
Chiều 17/6, Bộ Y tế chính thức có thông tin báo chí về việc thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo đó, công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Bộ Y tế, thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Thảo Vy/dantri.com.vn