Từ tháng 1 đến nay, Việt Nam lưu hành chủ yếu là biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron. BA.5 là biến thể phụ, mới xâm nhập vào nước ta.
Biến thể phụ BA.5 có khả năng thoát miễn dịch
Ngày 3/7, Việt Nam ghi nhận hơn 500 ca mắc Covid-19, giảm nhiều so với 2 ngày trước đó. Đồng thời, không có ca tử vong nào trong một tuần qua. Cả nước chỉ còn 30 bệnh nhân đang phải thở oxy, trong đó có 3 ca thở máy xâm lấn.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện chúng ta vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỷ lệ chết/mắc rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron (biểu hiện lâm sàng nhẹ). Tuy nhiên, biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta (lây lan nhanh hơn các biến thể, chủng trước đó).
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam. Lý do vì bên ngoài chúng ta, số ca mắc tăng liên tục hằng tuần và gần như tăng gấp đôi. Như vậy, với việc đi lại bình thường thì sự xâm nhập chỉ là vấn đề thời gian.
Đồng thời, nước ta cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ này trong cộng đồng. Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta.
"Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 đến 13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5", GS Lân nhấn mạnh.
Theo GS Lân, đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, Việt Nam gần như đã bao phủ được hết các mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 cơ bản. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm. Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa.
Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch. Ngoài ra, cũng cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng.
Vaccine là một yếu tố rất quan trọng. Việc tiêm mũi 3, mũi 4 giúp củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn.
Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.
Vaccine vẫn có giá trị với biến thể phụ BA.5
Theo WHO, các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết thêm hiện dịch Covid-19 rất khó dự báo. Vì thế, Bộ Y tế phải đưa ra 2 kịch bản. Chúng ta phải đánh giá nguy cơ đúng thì mới đáp ứng đúng, tránh hiện tượng giám sát nguy cơ không đúng dẫn tới không phòng chống được dịch. Ngược lại nếu thái quá thì dẫn tới cấm đoán hoạt động, không phát triển kinh tế được.
"Nghị quyết 128 vẫn rất đúng, phù hợp với chiến lược của Việt Nam. Chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng. Chúng ta đã tiêm vaccine, đã có năng lực, kinh nghiệm phòng chống dịch. Chúng ta nới lỏng đồng bộ nhưng dự phòng đồng bộ. Chúng ta mở cửa nhưng chúng ta phải chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro", PGS Phu phân tích.
Hiện bệnh Covid-19 không có gì thay đổi về biện pháp phòng bệnh, vẫn lây qua hình thức giọt bắn. Vì thế, dự phòng cá nhân và tiêm vaccine vẫn là vấn đề quan trọng.
"Nhưng chúng ta linh hoạt trong dự phòng cá nhân. Tại môi trường kín, chúng ta cần đeo khẩu trang, người đang có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp cũng cần đeo khẩu trang… Tuy nhiên, chúng ta có thể chuyển từ khẩu trang y tế sang khẩu trang vải để tránh lãng phí", PGS Phu nhấn mạnh.
Nam Phương/dantri.com.vn