Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố và sớm hơn năm 2021 do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Cả nước đã có 40 người tử vong.
Đến nay cả nước ghi nhận hơn 120.000 ca mắc sốt xuất huyết, 40 người tử vong. Số mắc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. .
TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh thành phía Bắc ghi nhận gần 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, chỉ chiếm 1% tổng số ca mắc của cả nước (miền Nam chiếm 82%, miền Trung là 14%). Ca bệnh tập chung chủ yếu tại TP Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa…
Số mắc bắt đầu tăng từ tháng 5, chủ yếu vẫn là các ca tản phát, có một số ổ dịch quy mô nhỏ, không có ổ dịch lớn. Số mắc đang tạm thời chững lại với khoảng 500 ca trong tháng 7.
Túyp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1, D2. Trong 71 mẫu giám sát không ghi nhận túyp D3 và D4.
Tại phía Nam, dịch tập trung ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, TP lớn, khu công nghiệp. Cũng giống như miền Bắc, túyp virus lưu hành chủ yếu là D1, D2.
Những điều người bệnh cần biết để tránh diễn biến nặng và tử vong
Dưới đây TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh lưu ý một số điều để nâng cao chất lượng điều trị và giảm tử vong:
Nên làm gì?
- Nghỉ ngơi tại giường.
- Uống đủ nước: (> 5 cốc đối với người lớn hoặc tính theo trẻ em).
Sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (oresol) và nước cơm.
Uống nước trắng đơn thuần có thể gây rối loạn điện giải.
- Uống paracetamol (< 4 gram mỗi ngày đối với người lớn và tính liều theo trẻ em).
- Chườm ấm.
- Tìm và diệt nơi muỗi đẻ trong và ở xung quanh nhà.
Nên tránh làm gì?
- Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu bạn đã uống những thuốc này, hãy tới gặp bác sĩ.
- Không cần thiết uống kháng sinh.
TS Khoa cũng lưu ý cơ sở y tế tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn về bù dịch theo hướng dẫn. Không truyền dịch khi không có chỉ định. Một số trường hợp vào cơ sở y tế tư nhân đã truyền dịch vượt quá quy định, dễ diễn biến nặng với bệnh nhân.
Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm
Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Khó thở.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Diễn biến lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn sốt
Người bệnh có biểu hiện:
- Sốt cao đột ngột, liên tục.
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
- Da xung huyết.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
- Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh.
Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có các biểu hiện sau:
- Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau.
- Nôn ói.
- Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ).
+ Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.
+ Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
- Xuất huyết.
+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.
+ Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
+ Xuất huyết nặng: chảy máu mũi, âm đạo nặng..., thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn.
- Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
Giai đoạn hồi phục: Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh.
- Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.
- Có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.
- Có thể có nhịp tim chậm, không đều, có thể có suy hô hấp do quá tải dịch truyền.
Nam Phương/dantri.com.vn