Chuyên gia cảnh báo, khí CO sinh ra trong rất nhiều hoạt động của đời sống hằng ngày. Nếu không cẩn thận có thể dẫn đến những hậu quả từ nôn ói, chóng mặt đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Mới đây, vụ việc 6 người trong gia đình tử vong thương tâm xảy ra tại ngôi nhà đóng kín cửa ở thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) khiến dư luận bàng hoàng. Theo kết quả điều tra bước đầu, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân là do ngạt khí CO, sản sinh ra trong quá trình vận hành máy phát điện.
Câu hỏi được đặt ra là khí CO được sản sinh như thế nào và vì sao có thể khiến cho nhiều người tử vong tại chỗ?
Ngôi nhà xảy ra vụ việc thương tâm, 6 người chết nghi do ngạt khí tại Bình Dương (Ảnh: A.X).
"Sát thủ thầm lặng" gặp rất nhiều trong đời sống
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Quách Minh Phong, Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) chia sẻ, CO (hay còn gọi là carbon monoxide) là khí không màu, không mùi, không vị.
Khí CO rất khó nhận biết bằng cách cảm nhận bình thường nhưng có thể gây ngộ độc, chết người khi hít thở phải ở nồng độ cao kéo dài, đặc biệt là hít phải trong lúc ngủ do không có phản xạ cầu cứu, chạy thoát ra ngoài. Do đó, có thể ví von loại khí này như là "sát thủ thầm lặng".
ThS.BS Doãn Uyên Vy, phụ trách phòng khám Chống độc, Phó Đơn vị Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, nguồn của khí độc CO sinh ra là khi ta đốt cháy bất cứ thứ gì có cấu tạo từ carbon.
Việc này thường thấy trong đời sống hàng ngày, như đốt than củi, giấy, đốt nhang, bếp dầu, nướng thịt. Hoặc trong những tai nạn như cháy nhà, hay khi sử dụng máy có động cơ nổ vì sẽ có sử dụng các nhiên liệu dầu, xăng cũng là các hydrocarbon dùng cho khí đốt.
Dùng lò than nướng thịt cũng có thể sinh ra khí CO (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Bếp gas cũng có thể sinh ra khí CO khi sử dụng. Bác sĩ phân tích, khi nhìn màu sắc của ngọn lửa đang cháy sẽ cho biết có sinh ra khí CO hay không. Nếu bếp gas có lửa cháy màu vàng hay đỏ cam thì sẽ sinh ra nhiều khí CO, còn cho ngọn lửa cháy màu xanh biển thì không tạo ra khí này.
Trong môi trường không gian kín, không thoáng khí, nếu như ta sử dụng các bếp lò (như bếp than, củi) hay để máy phát điện trong nhà, để xe hơi, xe gắn máy nổ máy trong nhà sẽ làm cho không gian đầy khí CO. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc khí CO nếu ở trong môi trường đó.
Với sự việc 6 người cùng một nhà tử vong vừa xảy ra ở Bình Dương, ThS.BS Uyên Vy nhận định, khí CO sản sinh từ ống khói của máy phát điện, xì ra và tích tụ trong nhà đóng kín cửa.
Người ở trong nhà hít phải khí CO này làm cho Hemoglobin (Hb) của hồng cầu không gắn oxy được, để đưa oxy đến các mô (khí CO gắn với Hb bền chặt gấp 200 lần so với Hb gắn với oxy). Từ đó, dẫn đến việc người hít CO bị chết ngạt vì các mô thiếu oxy.
Máy phát điện bên trong căn nhà có 6 người tử vong (Ảnh: A.X.).
Nên gắn chuông cảnh báo trong nhà
ThS.BS Vy chia sẻ, tình trạng ngộ độc nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào nồng độ CO trong môi trường và việc ta hít phải ít hay nhiều.
Với nồng độ CO trong không khí >200ppm sẽ gây triệu chứng trung bình nặng cho người, như gây nhức đầu, chóng mặt, ói, mệt lừ đừ. Nếu ở mức 500ppm thì người hít phải sẽ bị ngất xỉu, thở nhanh, suy hô hấp, tim nhịp nhanh. Nếu lên tới 1.000ppm thì khi hít thở khí CO 1 tiếng, con người sẽ hôn mê. Và nồng độ khí CO ở mức 2.000ppm, nạn nhân sẽ tử vong.
"Trong môi trường kín trong nhà, ít thông thoáng, nếu hít thở CO ở mức khoảng 100 ppm thì khuyến cáo không quá 15 phút, nếu lâu hơn sẽ có nguy cơ ngộ độc" - bác sĩ chia sẻ.
Chuyên gia chống độc thông tin, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã từng gặp nhiều trường hợp ngộ độc khí CO như tình huống cháy nhà, mở máy phát điện trong phòng kín không có lỗ thông gió.
Bác sĩ khuyến cáo người dân, khi muốn đốt thứ gì nên tiến hành ngoài trời thoáng, không nên đốt trong nhà (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Đặc biệt, có một tình huống cổ điển là việc phụ nữ sau sinh nằm lò than để dưới gầm giường. Ngày nay, máy lạnh được sử dụng phổ biến, nên khi nằm hơ lửa than trong phòng bật điều hòa đóng kín có thể gây ngộ độc khí CO, làm nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ lẫn em bé.
Về điều trị, cách xử trí tốt nhất cho ngộ độc khí CO là dùng oxy cao áp, tức là cho bệnh nhân nằm trong buồng có oxy cao áp. Nếu chữa kịp thời và bị nhẹ, sau vài ngày bệnh nhân sẽ khỏi. Ngược lại với những ca nặng, bệnh nhân có thể tử vong ngay hoặc để lại di chứng tổn thương não, tâm thần kinh lâu dài.
Từ những trường hợp đã xảy ra, bác sĩ khuyến cáo người dân, khi muốn đốt thứ gì nên tiến hành ngoài trời thoáng, không nên đốt trong nhà. Nếu sử dụng máy phát điện nên để ngoài khu vực phòng ở, ngoài sân thông thoáng. Không nổ xe máy hay xe hơi trong nhà, không nằm hơ lửa than trong phòng máy lạnh kín cửa bít bùng.
"Trên thị trường hiện đã có bán chuông báo cháy, người dân nên lắp đặt trong nhà, nhất là khu vực bếp để khi có khí CO xuất hiện, chuông sẽ cảnh báo để giúp chúng ta chạy thoát sớm, tránh gây hậu quả chết người" - ThS.BS Uyên Vy hướng dẫn.
Theo dantri.com.vn