Dinh dưỡng tốt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư và bệnh nhân mắc ung thư gan cũng không phải là ngoại lệ.
Hiện không có một chế độ ăn nhất định nào được khuyến nghị cho những người bị ung thư gan. Bác sĩ có thể sẽ khuyến khích bạn ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein nạc.
Nhận đủ calo và chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng. Nếu cảm thấy khó ăn do chán ăn, buồn nôn hoặc các triệu chứng khác, bạn có thể chuyển sang ăn các bữa ăn nhẹ và chia làm nhiều bữa.
Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn đang bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.
Dưới đây là 3 thực phẩm "màu trắng" rất tốt cho gan, đặc biệt là bệnh nhân ung thư gan được các chuyên gia khuyến cáo:
Sữa và sữa chua
Uống sữa và ăn sữa chua giúp làm giảm khả năng phát triển bệnh ung thư gan, đồng thời cải thiện cơ hội phục hồi từ căn bệnh nguy hiểm này.
Bên cạnh đó, đối với người bị men gan cao hay gan nhiễm mỡ thì sữa chua chính là nhân tố hạ men gan hàng đầu. Trong sữa chua có rất nhiều dưỡng chất cần cho quá trình thải độc gan.
Nổi bật là sữa chua có thể giảm đáng kể tình trạng kháng insulin dựa vào cơ chế hạn chế mỡ tích tụ trong máu, kháng viêm tốt và chống oxy cao.
Thịt trắng
Thịt trắng như thịt gia cầm (gà, vịt, ngan,...) rất giàu các axit béo bất bão hòa đơn và bất bão hòa đa như omega 3 và omega 6. Các hợp chất này sẽ giúp giảm nồng độ cholesterol xấu LDL và tăng cholesterol tốt HDL.
Các loại thịt trắng và thịt cá được các nhà nghiên cứu khẳng định thay thế cho các loại thịt đỏ sẽ giúp cơ thể chống lại chứng ung thư gan một cách hiệu quả hơn.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo thêm, do mỗi loại thịt trắng, thịt đỏ có giá trị dinh dưỡng khác nhau nên cần kết hợp cả hai loại thịt vào chế độ ăn hàng ngày, điều chỉnh phù hợp với thực đơn.
Đối với người mắc các bệnh tim mạch, tiền sử ung thư nên hạn chế ăn thịt đỏ. Trong khi chế biến thịt nên hạn chế chiên, nướng, xông khói. Thay vào đó là các món thịt hấp, luộc, xào để tránh làm biến đổi chất khi ở nhiệt độ cao. Không ăn thịt chưa qua chế biến kỹ, không ăn sống, tái hay trộn gỏi để tránh nhiễm ký sinh trùng và tăng nguy cơ ung thư.
Tỏi
Trong mỗi nhánh tỏi có chứa các phytochemical. Nhiều chất trong đó đã thể hiện đặc tính phòng chống ung thư khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ví dụ như: flavonoid, inulin, saponin, S-allyl cysteine,...
Ngoài ra, tỏi cũng chứa arginine, loại axit amin giúp thư giãn mạch máu và giảm huyết áp trong gan. Bên cạnh đó, vitamin B6 còn có tác dụng chống viêm, vitamin C bảo vệ cơ thể khỏi quá trình oxy hóa và tổn thương các tế bào. Ăn tỏi cũng giúp giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chức năng gan.
Minh Nhật/dantri.com.vn