Làm thế nào để biết mình có bị lao phổi hay không?

Thứ 3, 04.02.2020 | 10:08:16
620 lượt xem

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nên nhiều người băn khoăn không biết dựa vào dấu hiệu, triệu chứng nào để biết mình bị lao, hay cần phải làm những xét nghiệm chẩn đoán nào để biết chính xác tình trạng lao phổi của mình.

Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người có kiến thức chung về căn bệnh này.

Dấu hiệu cảnh báo đã mắc bệnh lao phổi

Nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu của bệnh lao cho đến khi phát hiện thì đã vào giai đoạn nặng, phải mất rất nhiều thời gian để điều trị. Do đó, sớm nhận biết những triệu chứng mắc bệnh lao phổi trong giai đoạn đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.

Ho và khạc đờm: Ho là triệu chứng của mọi bệnh phổi cấp và mạn tính. Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng nhiều loại thuốc vẫn không giảm ho phải nghĩ đến lao phổi. Ho và khạc ra đờm có nguyên nhân chủ yếu do viêm nhiễm. Trường hợp có triệu chứng ho khạc đờm xanh trên 3 tuần phải nghĩ đến do lao phổi.

Hội chẩn trên phim X quang của bệnh nhân nghi nhiễm lao. Ảnh: T. Minh

Hội chẩn trên phim X quang của bệnh nhân nghi nhiễm lao. Ảnh: T. Minh

Ho ra máu: Ho do những nguyên nhân khác thường không kèm máu, nhưng ho ra máu là triệu chứng quan trọng của bệnh lao. Đây là triệu chứng gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp.

Đau ngực, khó thở: Đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi bị bệnh lao phổi. Ho nhiều sẽ gây ức chế lên phế quản, gây ra tình trạng khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi đang bị tổn thương thì khả năng trao đổi khí sẽ càng khó khăn hơn.

Gầy, sụt cân: Là triệu chứng thường gặp ở số đông người lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS... dù đã bồi dưỡng nhiều cách nhưng trọng lượng vẫn không cải thiện. Khi ấy, hãy nghĩ ngay đến bệnh lao.

Sốt về chiều: Là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều. Những người có triệu chứng sốt như trên cùng với các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu... phải nghĩ tới do lao phổi.

Giảm cân đột ngột: Bỗng dưng một ngày bạn phát hiện cân nặng sụt giảm trầm trọng không có lý do, dù đã bồi dưỡng nhiều cách nhưng trọng lượng vẫn không cải thiện. Khi ấy, hãy nghĩ ngay đến bệnh lao.


Sốt về chiều: Trường hợp bị ho, đau ngực kèm sốt thì rất nhiều khả năng đang mắc bệnh lao. Bạn không sốt cao nhưng cơn sốt nhẹ kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đặc biệt sốt về chiều là dấu hiệu điển hình nhiễm vi khuẩn lao.

Đổ mồ hôi đêm: Bệnh lao có thể gây ra chứng mất ngủ do ho và sốt, kèm theo đó là đổ mồ hôi đêm. Đây là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh lao.

Mệt mỏi, chán ăn: Là dấu hiệu rất phổ biến của người mắc lao. Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ, không muốn ăn uống, lúc nào cũng cảm thấy không còn năng lượng, chỉ muốn nằm cả ngày.

Lưu ý: Không phải ai bị lao cũng đều có tất cả các triệu chứng kể trên, nhiều người chỉ xuất hiện một vài triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, các dấu hiệu này cũng thường gặp ở nhiều loại bệnh khác không phải lao. Do vậy, để biết chính xác mình có phải đã mắc lao hay không, nên làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt tại cơ sở y tế.

Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi được thực hiện

Xét nghiệm tiêm dưới da để tìm bệnh lao (còn được gọi là xét nghiệm Mantoux), được thực hiện bằng cách tiêm một lượng tuberculin nhỏ và an toàn dưới da ở bên trong cánh tay. Xét nghiệm này có thể cho biết đã bị nhiễm vi trùng lao hay chưa bằng kết quả là dương tính hoặc âm tính.

Xét nghiệm máu hoặc làm thêm xét nghiệm chích tuberculin dưới da để giúp diễn dịch kết quả của lần xét nghiệm đầu tiên.

Chụp Xquang lao phổi để nhận rõ các dấu hiệu của bệnh lao phổi.

Kết quả xét nghiệm nói lên điều gì?

Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện lao phổi âm tính: Nên xét nghiệm lại vào lần tiếp theo khoảng 2-3 tháng sau. Nguyên do là sau khi tiếp xúc với khuẩn lao thì phải mất vài tuần sau đó hệ thống miễn dịch mới có phản ứng với việc xét nghiệm tiêm dưới da. Nếu sau khi kiểm tra lại kết quả vẫn âm tính thì có thể hoàn toàn yên tâm vì không bị nhiễm lao phổi.

Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện lao phổi dương tính nghĩa là đã nhiễm vi trùng lao, người bệnh có chỉ định khám với bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các chẩn đoán tiếp theo bằng khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định chính xác kết quả có nhiễm lao phổi không và tình trạng như thế nào.

Lưu ý: Với kết quả xét nghiệm dương tính cũng đừng lo sợ, vì  có thể mới bị nhiễm vi trùng lao phổi chưa phát triển, tuy nhiên, điều này có nguy cơ sẽ nhiễm bệnh lao phổi trong tương lai khi các vi trùng này phát triển thành bệnh. Khi phát hiện có vi trùng lao phổi trong cơ thể, cần được điều trị để ngăn ngừa sự phát triển thành bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh lao phổi

Cách phòng bệnh lao tốt nhất là tiêm vắc-xin. Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi. Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân. Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ và khám sức khỏe định kỳ. Không ngủ cùng phòng với người bệnh, nơi đông người...

Khi thấy các dấu hiệu của cơ thể nghi ngờ mắc bệnh lao phổi, nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy thực sự mắc lao phổi cũng không nên quá lo lắng, bởi đây là bệnh có thuốc chữa và có thể chữa khỏi nếu thuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/lam-the-nao-de-biet-minh-co-bi-lao-phoi-hay-khong-n168438.html

  • Từ khóa