Lưu ý phòng bệnh thủy đậu trong mùa xuân

Thứ 5, 13.02.2020 | 14:52:54
447 lượt xem

Mùa đông - xuân hằng năm, dịch bệnh thủy đậu rất dễ gia tăng và lây lan, tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng thủy đậu là một bệnh lành tính nên còn khá chủ quan.

Trên thực tế, bệnh thủy đậu ở người lớn thường có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi bội nhiễm và nhiễm khuẩn huyết. Vậy cần lưu ý gì để phòng bệnh thủy đậu?

Nguyên nhân do đâu?

Bệnh thủy đậu được gây ra bởi virus Herpes zoster (Herpes zoster virus), còn được gọi là virus varicella zoster (varicella zoster virus). Những người đã mắc bệnh thủy đậu thì sẽ có miễn dịch với bệnh suốt đời (có nghĩa là bạn sẽ không mắc bệnh này nữa). Tuy nhiên, virus vẫn “ngủ đông”/tồn tại ở dạng không hoạt động trong cơ thể và sau này nó có thể tái hoạt động để gây ra bệnh zona.

Bệnh được lan truyền qua các giọt nhỏ từ cái hắt hơi hoặc ho, hay qua tiếp xúc với quần áo, khăn trải giường hoặc mụn phổng rộp vỡ của người bị bệnh. Các triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi phơi nhiễm. Bệnh dễ lây nhất từ 1 ngày trước khi ban xuất hiện cho đến 7 ngày sau khi ban xuất hiện hoặc cho tới khi ban khô hoàn toàn và đóng thành vẩy.

Bởi vì virus thủy đậu có thể truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai và có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho nên bác sĩ thường khuyên phụ nữ dự định có thai làm xét nghiệm máu để xác định xem họ đã có miễn dịch với bệnh hay chưa.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: TM

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: TM

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh khởi phát có sốt nhẹ hoặc sốt cao (39 - 40 độ C) kèm theo viêm long đường hô hấp trên (chảy nước mũi), trẻ hay quấy khóc, ăn kém. Tiếp theo, ban xuất hiện khá nhanh, mới đầu là các nốt sẩn đỏ giống với ban của bệnh sởi, xuất hiện ở vùng da đầu, gáy, bụng, lưng, ngực. Sau vài giờ, các ban phát triển thành nốt phỏng rải rác khắp thân mình và tứ chi (rất ít khi xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân). Nốt phỏng thủy đậu có nước trong, rất nông, tròn hay bầu dục, có vòng đỏ bao quanh (một số nốt thủy đậu hơi lõm ở trung tâm), mọc không theo tuần tự. Niêm mạc vòm miệng, niêm mạc âm đạo (nữ giới) cũng có thể có các nốt phỏng thủy đậu xuất hiện. Khi các ban và nốt phỏng xuất hiện thường kèm theo ngứa. Ngoài ra, có thể nổi hạch ngoại biên (hạch nách, hạch bẹn, cổ...) nhưng hạch chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi trở về bình thường.

Thời kỳ lui bệnh của thủy đậu chỉ sau khoảng từ 24 - 48 giờ, các nốt phỏng sẽ ngả sang màu vàng và vỡ ra, sau khi khỏi không để lại sẹo trừ trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm trùng, có thể có dịch mủ đục sau đó để lại sẹo.

Biến chứng

Bệnh có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi... Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng... dễ diễn biến bệnh nặng. Biến chứng hay gặp nhất là nhiễm trùng da  do ngứa, bệnh nhân gãi nhiều làm vỡ các nốt phỏng rất dễ lây lan ra các vùng da khác và làm cho nốt thủy đậu rất dễ nhiễm trùng mưng mủ, lở loét. Vì vậy, các trường hợp này khi khỏi bệnh có thể để lại sẹo. Nhiễm trùng da thậm chí gây nhiễm trùng huyết. Bản chất của bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể có một số người bệnh bị biến chứng nặng (viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản) hoặc biến chứng nguy hiểm như: viêm thận cấp (tiểu ra máu) nhưng sau khoảng vài tuần sẽ khỏi. Một số trường hợp khác có thể có biến chứng viêm não - màng não rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu cấp cứu không kịp thời, đặc biệt là người trưởng thành dễ mắc biến chứng này hơn trẻ nhỏ.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai hoặc khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... (chiếm tỷ lệ khoảng 2%). Nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ sẽ bị lây bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp nặng.

Làm gì khi bị thủy đậu?

Thủy đậu có đặc điểm là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn.

Chăm sóc thủy đậu bằng cách tăng cường bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt, những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

Khi các nốt thủy đậu lên, cha mẹ cần cố gắng tránh làm vỡ các nốt thủy đậu, không cho trẻ gãi vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vẩy hoàn toàn.

Đối với trẻ, khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu, nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Có thể dùng dung dịch xanh milian (xanh methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.

Trường hợp trẻ khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ, nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Không tự ý bôi các thuốc lá, đắp thuốc vì nguy hiểm cho trẻ hoặc gây bội nhiễm.

Có thể phòng bệnh thủy đậu được không?

Hội Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics) khuyến cáo, trẻ em trên 1 tuổi cần được tiêm liều vắc-xin thủy đậu thứ nhất để dự phòng bệnh thủy đậu. Liều vắc-xin thủy đậu thứ hai thường được tiêm ở độ tuổi 4 - 5 thì mới hoàn toàn dự phòng được bệnh thủy đậu.

Vắc-xin còn bảo vệ được cho những người dễ bị tổn thương/mắc bệnh thủy đậu như phụ nữ dự định có thai nhưng chưa có miễn dịch với thủy đậu. Một số người, chẳng hạn như những người đang có thai sẽ không được tiêm vắc-xin thủy đậu. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn

Lời khuyên của thầy thuốc

Phòng bệnh thủy đậu tốt nhất vẫn là dùng vắc-xin cho trẻ và cả người lớn chưa có miễn dịch với bệnh thuỷ đậu. Vì vậy, mọi người có thể đưa trẻ hoặc bản thân mình muốn tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, hãy đến các trung tâm y tế dự phòng của quận, huyện để tiêm. Song song với các biện pháp phòng bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thật tốt để nâng cao sức đề kháng.

TS.BS. Nguyễn Thị Mai/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/luu-y-phong-benh-thuy-dau-trong-mua-xuan-n168820.html


  • Từ khóa